Nhà thơ Tố Hữu, một người làm cách mạng từ thời trai trẻ, một nhà cách mạng, nhưng cũng từng viết những câu thơ tình thổn thức một thời:
“Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu...”
Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”. (Bài ca mùa xuân 1961)
Làng tôi và làng nhà thơ Tố Hữu chung một cánh đồng nhỏ, đứng bên này nhìn thấy bên kia, bên một dòng sông xanh biếc.
Tháng Tư, năm 1975, đất nước thống nhất, người ta mong nhà thơ Tố Hữu về lắm, vì “nghe đồn” ông làm chức vị cao ở ngoài Hà Nội lại làm thơ rất hay. Nhưng, chờ mãi chẳng thấy đâu.
Đến tháng 5/1975, Tố Hữu cũng về làng. Người dân chúng tôi đổ ra đường đón ông, lãnh đạo và cả dân quân xếp hàng dọc đường đón chào nhưng đợi mãi, chẳng thấy bóng người. Rồi bỗng nghe tin: “Anh Thành (tên thật của Tố Hữu) về nhà rồi!”. Trời ơi! Người không có cánh, sao mà bay được nhanh thế!
Hóa ra, Tố Hữu tới làng bằng con đường nhỏ, rồi vẫy đò qua sông để về nhà mình. Có lẽ đó chính là con đường đã đưa ông đi làm cách mạng năm nào. Hay tin, mọi người vác cờ xí chạy hết về làng gặp ông.
Chuyến về quê ấy, Tố Hữu đã viết những câu thơ mà cả làng đều nhớ mãi: “29 năm dằng dặc xa quê/ Nay mới về thăm, mừng tái tê…/ Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt/ “Huế giải phóng nhanh, mà anh lại muộn về!” (Bài ca quê hương – Tố Hữu).
Tôi làm việc tại Báo Tiền Phong, những năm 1990 thì Tố Hữu được cấp nhà sát vách với báo tôi. Thỉnh thoảng buổi chiều, ông bước ra đi dạo dưới hàng cây cổ thụ cao ngất. Dáng ông đậm người, nụ cười luôn nở trên môi. Một lần, đi ngang qua, ông hỏi tôi: “Cậu quê ở đâu?”. Tôi mạnh dạn đáp: “Dạ thưa, em quê gốc ở Huế ạ!”. Nhà thơ gật đầu: “Tôi cũng người Huế! Tôi với cậu là đồng hương”.
Khi tôi về thăm Huế, nhà chúng tôi đã bị bom đạn san bằng hoàn toàn, chỉ còn lại những hòn đá kê chân cột mấy trăm năm giờ lăn lóc trong cỏ dại. Ghé qua thăm nhà bác Tố Hữu thì nhà của bác cũng đã thành bình địa. Con cháu của bác bảo tôi: “Ngôi nhà rường cổ thời xưa, năm Mậu Thân 1968, bộ đội ta về chiến đấu, gia đình đã tình nguyện phá nhà để lấy gỗ làm hầm trú ẩn cho bộ đội tránh pháo địch”.
Quê hương đã thành bình địa bởi chiến tranh, bởi thời gian, nhưng tình người và hình bóng của người phụ nữ tần tảo vẫn còn nguyên vẹn đó.
“Quê hương ơi, sao mà da diết thế / Giọng đò đưa… lòng Huế đó chăng?/ Ví dù đèn tắt, đã có trăng/ Khổ thì em chịu, biết làm răng đặng chừ” (Bài ca quê hương – Tố Hữu).
Tố Hữu viết rất nhiều thơ về phụ nữ ở mọi miền đất nước. Người ta sẽ vẫn nhớ mãi những câu thơ của Tố Hữu viết về mẹ Tơm với “Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ”, mẹ Suốt “Một tay, lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày”. Nhớ mãi hình ảnh chị Trần Thị Lý: “Em là ai cô gái hay nàng tiên”.
Phụ nữ luôn là một đề tài lớn của tất cả nhà thơ từ cổ chí kim. Nguyễn Du với "Truyện Kiều", Đặng Trần Côn với "Chinh phụ ngâm", Nguyễn Đình Chiểu với Kiều Nguyệt Nga trong "Lục Vân Tiên". Nguyễn Bính với "Mưa xuân" có những câu: "Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già". Quang Dũng với "Tây Tiến" giữa chốn rừng thiêng nước độc vẫn còn: "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Với các thi sĩ, trong đó có Tố Hữu, nếu tác phẩm thiếu đi mảng viết về những người mẹ, người chị, người em thì thật khó "thành thơ".
Nhà thơ Tố Hữu mất năm 2002 tại Hà Nội, nhưng những bài thơ của ông vẫn còn đó như một “bảo tàng chữ nghĩa” về người phụ nữ Việt Nam.
Xuân nay, tôi trở về Huế, đi bên cánh đồng gạo ngon đã vào ca dao, dừng chân bên dòng sông xanh biếc hiền hòa chảy qua làng bác Tố Hữu. Tôi đứng nhìn bóng những người phụ nữ cấy lúa, nhổ cỏ sớm chiều chăm chỉ như những cánh cò, lòng tôi chợt nhớ những dòng thơ hay viết về người phụ nữ làng quê và vẫn mong sẽ được đọc nhiều sáng tác mới về họ. Bất chợt nhớ câu thơ:
“Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…” (Bầm ơi! – Tố Hữu)