Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: “Tôi vẫn chờ và hy vọng”

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: “Tôi vẫn chờ và hy vọng”
TP - Những bài thơ của Nguyễn Huy Hoàng như nói hộ nỗi lòng của người xa xứ. Sâu thẳm trong anh là nỗi đau 16 năm nay, khi con gái đầu mất tích. Đó chính là lý do anh ở lại nước Nga với hy vọng cô bé sẽ trở về.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: “Tôi vẫn chờ và hy vọng” ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 18/11 vừa qua, tại Hà Nội, anh vừa ra mắt tập thơ “Giữa thanh thiên bạch nhật”, Tiền Phong trao đổi cởi mở cùng anh.

16 năm qua có lẽ là chuỗi ngày đằng đẵng chờ mong với hy vọng bé Quỳnh Nga sẽ trở về?

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được đêm đó, đêm 1/8/1993, khi tôi nhận được một tin dữ: Con gái tôi bị lạc ở Sochi, thành phố nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Nga.

Khi đó, tôi và vợ tôi đang ở Mátxcơva, hoàn tất luận án để kịp bảo vệ vào cuối đợt nghỉ đông. Con gái tôi đi nghỉ cùng hai vợ chồng một người quen...

Tôi mất hết tinh thần và bỏ mặc mọi việc để bay xuống Sochi tìm con.Tôi thuê nhà nằm ở đó suốt nửa năm, chạy ngược, chạy xuôi để nghe ngóng tin của cháu. Chỉ sau chục ngày, tóc tôi bạc trắng hoàn toàn, tôi thương con và ân hận.

Đối với tôi, bấy giờ, mọi thứ đều vô nghĩa, kể cả công trình, sự nghiệp và thậm chí bản thân mình. Lúc đó, chúng tôi chỉ hy vọng nếu bọn bắt cháu gọi điện tống tiền thì hàng chục gia đình trong cộng đồng đã sẵn sàng góp tiền chuộc cháu.

Cho đến giờ, tôi vẫn hy vọng. Cuộc sống luôn là sự hy vọng, mà những cái gì ngoài tầm tay của mình thì mình càng hy vọng. Là người cha, người mẹ, linh cảm rất quan trọng. Tôi vẫn linh cảm là cháu sẽ trở về.

Chính vì thế, tôi đã ở lại nước Nga từ đó đến giờ, mặc dù ban đầu tôi chỉ dự định sang đây thực tập và bảo vệ xong luận án rồi quay trở về giảng dạy. Thế nhưng, Quỳnh Nga bị lạc đã làm đảo lộn toàn bộ.

Anh từng nói: Nhiều lúc đứng bên bờ tuyệt vọng, tôi nghĩ rằng, số phận  chắc đã được lập trình từ kiếp trước và chỉ có một cách là suốt đời phải đi theo hành lang mệnh số định sẵn, mang trên vai mình cây thánh giá thi ca. Tôi chấp nhận và thích nghi với cuộc sống khó khăn nhiều mặt ở chốn đất khách, quê người và coi đó như một sự thử thách và trải nghiệm?

Có thể nói, nghề là công việc mà người ta sống bằng công việc đó, còn nghiệp là công việc chuyên môn mà không thể sống bằng công việc đó, nhưng phải làm. Đó là cây thánh giá, là con tằm nhả tơ.

Nhà thơ là rút từ trong máu thịt của mình những gì là giá trị tinh túy nhất, nói hộ người khác. Mình nói hộ nỗi lòng của người trong nước, người xa xứ, dù có lúc phải chịu cảnh đói khổ và phải cố gắng hết mình để thể hiện, tôi cũng phải làm. Cái đó thúc đẩy từ bên trong, chứ không ai bắt mình cả.

Có phải chính vì vậy mà thơ của anh được nhiều người Việt xa xứ đón nhận và thậm chí có người thuộc lòng?

Tôi đã được chứng kiến và được một số người bạn kể những câu chuyện cảm động về những người mến mộ thơ tôi. Đó là một chị nghiên cứu sinh ngành Tâm lý ở Viện Hàn lâm Nga đi bán hàng ngoài giờ để cải thiện, bù vào đồng lương còm cõi của mình.

Những người mua hàng của chị luôn đặt ra một yêu cầu là họ chỉ trả tiền khi chị đọc cho họ nghe một bài thơ nào đấy của tôi viết về người Việt ở Nga. Tôi không thể ngờ rằng, người phụ nữ gầy yếu lại có thể đọc thuộc lòng cả hai tập thơ đầu của tôi mà chị mượn được, ngót nghét 140 bài, bằng tất cả lòng đam mê tự nguyện, không sót một câu nào.

Còn nữa, năm 2006 trên đường đi công tác qua Đà Nẵng, tôi ghé thăm gia đình người em trai. Khi tôi chuẩn bị  ra đi, người em khẩn khoản yêu cầu tôi nán lại chút  ít, vì có một người đặc biệt muốn gặp tôi.

Vị khách đặc biệt đó là một cô gái đã 21 tuổi tàn tật, có một khuôn mặt thiên thần, đi taxi đến cùng với mẹ. Cô hầu như không đi lại được, phải chống nạng vận động một cách khó khăn. Không thể đến trường được, hồi nhỏ, cô học chữ với một bà xơ trong nhà thờ.

Hai mẹ con tìm đến gặp để cảm ơn tôi vì tập thơ “Ngoảnh lại” đầy nỗi niềm đã mang đến cho cô tình yêu văn chương và giúp cô chiêm nghiệm cuộc đời. Để chứng minh rằng, cô thuộc lòng toàn bộ tập thơ, cô đã đọc rành rọt cho tôi 5 bài bất kỳ mà tôi yêu cầu. Còn nhiều  độc giả như vậy nữa.

Tôi đến với thi ca, chung thủy với thi ca như là một như một sự hy sinh theo đúng nghĩa của nó. Nhưng sự hy sinh đó không phải là vô ích, tôi đã được đền bù.

Anh có nói rằng  thế hệ anh có nhiều người may mắn và thành đạt. Nhưng trong danh sách đó không có tên anh?

Tôi nghĩ xã hội phân công mỗi người một việc. Khái niệm thành đạt tùy thuộc vào mỗi người. Có người cho rằng có một ngôi nhà là thành đạt, có nhiều tiền là thành đạt. Với tôi, tôi quan niệm giữ được mình một cách trọn vẹn, làm người tốt, có ích cho mọi người, công tâm là thành đạt.

Với tôi, một quyển sách được ra đời là niềm sung sướng, có nhiều người đọc là sung sướng nếu nó có giá trị  với họ, gửi gắm được chút gì hạnh phúc. Còn theo quan niệm thành đạt bây giờ thì không có tôi. Tôi hài lòng vì mình đã làm được việc chuyên môn trong khi nhiều người không trụ lại được, phải chuyển nghề vì mưu sinh.

Và anh có thể sống được bằng nghề?

Tôi được  làm đúng chuyên môn yêu thích. Yêu văn học Nga từ bé, rồi học văn học Nga, rồi giảng dạy văn học Nga, bảo vệ luận án tiến sỹ về văn học Nga. Sau này, tôi ở lại làm cộng tác viên khoa học của trường Lômônôxốp, tham gia viết báo cáo, nhưng cũng không sống được bằng nghề.

Ngoài ra, tôi cũng tham gia  hoạt động xã hội như  Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật VN, Hội Người VN ở LB Nga… cũng giúp làm văn phòng cho một  trung tâm để sống, nhưng khá chật vật.

Tôi là người viết nhiều, trung bình mỗi năm viết khoảng 40-50 bài báo đăng ở  trong nước và trong cộng đồng người Việt tại Nga, đi nói chuyện về văn học tại các thành phố cho các cộng đồng người Việt, và các nước đông Âu.

Tôi đã dành những vần thơ tự đáy lòng đề viết nước Việt, quê hương tôi, về nước Nga, quê hương thứ hai của tôi và về cộng đồng người Việt tại Nga, một xã hội VN thu nhỏ, gần một phần ba thế kỷ qua bươn trải, mưu sinh. Họ có mặt ở đây là kết quả của mối tình hữu nghị Việt Xô và xu thế di cư của xã hội hiện đại.

Anh là một trong số những thành viên tích cực trong việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng, anh có trăn trở gì không?

Tôi là người tham gia tổ chức lớp học tiếng Việt tại trường 282 của Nga và trường đó cũng khó khăn về cơ sở vật chất và giáo trình tiếng Việt.

Theo tôi, nhà doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nên đầu tư về đất nước, còn những nhà văn, nhà thơ Việt Nam thì nên đầu tư ngược trở lại, đem những giá trị tinh thần trong nước ra nước ngoài và bảo tồn giá trị đó. Đưa tiếng Việt, đưa phong tục tập quán tốt đẹp ra nước ngoài chính là quảng bá dân tộc mình.

Xin cảm ơn anh và mong Quỳnh Nga sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Huy Vũ
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.