Nhà thơ Lê Đạt: Thơ đương đại đang bế tắc

Nhà thơ Lê Đạt: Thơ đương đại đang bế tắc
TP - "Thơ đương đại đúng là đang bế tắc thật. Nhưng bế tắc thì thời nào chả có. Như là tắc cống ấy mà. Chỉ có điều nỗ lực thông cống thơ của ta hơi ít" - Nhà thơ Lê Đạt tâm sự.
Nhà thơ Lê Đạt: Thơ đương đại đang bế tắc ảnh 1
Nhà thơ Lê Đạt

“Tôi sinh ra ở Yên Bái. Tuổi thơ của tôi buồn bã, cô độc, nhạt nhẽo. Tôi không thiếu thốn vật chất nhưng ít được sự chăm sóc gần gũi của cha mẹ. Thế nên tôi đọc sách rất sớm.

Đọc sách khiến tôi có thói quen mơ mộng, và thơ đến với tôi như một cái gì rất tự nhiên. Tôi lớn lên trong tình thương của chữ, và mối tình chữ ấy theo đuổi tôi suốt đời...”.

Nhà thơ Lê Đạt đã tâm sự như vậy, khi trò chuyện với phóng viên.

Quan niệm viết của ông là gì?

Thơ người ta lấy ý là chính, thơ tôi lấy chữ là chính. Thơ người ta lập ý, tôi lập từ. Làm thơ rất khó, vì nhà thơ hay bị viết theo tiếng nói quen. Cho nên, những người làm thơ trẻ thường rất già, phải cố gắng công phu lắm mới tạo ra được một thứ thơ trẻ.

Ông là người có một tiềm lực ngôn ngữ rất mạnh, vì sao vậy?

Phải lao động. Tôi thích một câu của Paul Vallery rằng: Trời tiếp thị cho ta một câu thơ hay thứ nhất để ta làm tiếp câu thứ hai. Tôi cũng được trời tiếp thị, và sau đó là lao động của bản thân. Tôi là người luôn nhấn mạnh phần lao động trong viết lách.

Cái hình ảnh nhà thơ mà tôi miêu tả trông chẳng sang trọng gì đâu, phu chữ ấy mà. Còn người ta cứ thấy mấy anh Tàu phất bút một cái là thơ tuôn ra, nên cho rằng nhà thơ phải hào hoa sang trọng như thế mới là nhà thơ, thực ra họ chỉ thấy cái kết quả. Để có được cái phất bút ấy người ta phải luyện cả chục năm chứ không đùa. 

Có một cuộc cách mạng trong đời thơ Lê Đạt...

Đó là khi tôi làm tập Bóng chữ. Rất khó, vì lúc ấy tôi bắt đầu chuyển từ lập ý sang lập từ. Sự thay đổi quan niệm ấy đến từ đâu tôi cũng không biết, tôi đọc, rồi nghĩ, hình như thơ phải như thế.

Đó là một cơ may. Khi Bóng chữ ra có rất nhiều lời khen lắm mà tiếng chê cũng nhiều. Tôi chỉ tham khảo thôi, còn con đường thì tôi đã đi rồi, và tôi tin.

Nhiều người đang nói  đến sự bế tắc của ngôn ngữ thơ đương đại, ông có nghĩ là thơ đang bế tắc không, và phải làm sao?

Đúng là bế tắc thật. Nhưng bế tắc thì thời nào chả có. Như là tắc cống ấy mà. Chỉ có điều nỗ lực thông cống thơ của ta hơi ít. Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều điều kiện tốt để thay đổi thơ. Lớp trẻ dù chưa định hình nhưng các hoạt động của họ đã tạo được không khí “thông cống”!

Một nền thơ hay bao giờ cũng là một cơ may, một hạnh phúc cho một dân tộc. Sự giàu có không phải sẽ tạo ra thơ hay. Nước Pháp giàu có vật chất và truyền thống văn chương như thế mà thế kỷ XVIII mất mùa trắng vì thơ. Không nên băn khoăn, sốt ruột, hãy cứ làm việc.

Các vị lãnh đạo cũng không thể thắc mắc là sao chưa có thơ hay, mà hãy tự hỏi xem đã tạo điều kiện cho thơ hay xuất hiện hay chưa, đó mới là thắc mắc quan trọng nhất. 

Vậy tiêu chí thơ hay của nhà thơ Lê Đạt là như thế nào?

Thơ hay là đọc xong phải có được sự thay đổi trong tâm hồn mình. Thơ hay giống như đi qua đò, có gió, có sóng và sang được bờ bên kia. Thơ không hay thì chỉ đứng bờ bên này thôi. Nhưng cũng phải có thời gian lắng đọng. Một câu, một bài thơ hay bao giờ cũng chống lại thời gian. Thơ hay có đạo đức cao vì nó tạo ra một thói quen đạo đức mới. Ở thơ hay, đạo đức, nhân văn, mỹ học là một.

Vậy chữ làm khổ Lê Đạt hay Lê Đạt làm khổ chữ?

Có lẽ...cả hai. Mình cũng làm khổ nó thật, mình cứ thắc mắc về nó, lật đi lật lại nó.  Nhưng trước khi làm khổ nó thì mình phải làm khổ mình. Chắc là chữ nó cũng tha thứ cho mình, vì mình cũng có sung sướng gì đâu!

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).