Nhà thơ Hữu Thỉnh: Những ngày nhàn

TP - Sau 20 năm ngồi ghế Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh xác nhận “kỷ lục”,  là nhà văn “giữ ghế” lâu nhất, tính đến hiện tại.

Hỏi ông có cảm giác hụt hẫng, chơi vơi chút nào, khi trở về chuyên tâm với công việc làm thơ, viết văn? Ông cười, khoe ngay bài thơ được sáng tác sau một ngày Hội Nhà văn tìm được “chủ” mới. Thế mới hay: “Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Những ngày nhàn ảnh 1 Nhà thơ Hữu Thỉnh bên cạnh tác phẩm hội họa của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Hữu Thỉnh bao giờ cũng thi sĩ, ngay cả khi ông đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhớ một buổi xa xăm, gọi cho ông nhiều lần, chẳng thấy ông bắt máy, tôi liền nhắn tin:  “Chiều rung chuông/Chiều rung chuông/Có con chim nhỏ bị thương cuối trời/Tôi nhớn nhác đi tìm người/Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa”. Đó là bài “Tìm người” của Hữu Thỉnh. Lập tức, ông hồi âm và vui vẻ sắp xếp cho tôi một cuộc hẹn.

Chỉ tiếc, cuộc hẹn ấy tôi không hỏi về thơ ca mà hỏi ông về tình trạng Báo Văn Nghệ, về “luật X+ 2” ở Hội Nhà văn… Đương nhiên, sau đó ông không vui, không hài lòng về tôi… Tình trạng đó kéo dài khá lâu. Cho đến triển lãm tranh của tân Chủ tịch Hội Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông đến dự. Tôi chủ động tiến lại gần trò chuyện cùng ông. Hữu Thỉnh coi như chưa có chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau đọc thơ của ông và hẹn ngày tái ngộ, để chỉ nói chuyện thơ.

…Hà Nội trong những ngày rét căm nhưng Hữu Thỉnh vẫn đến văn phòng ở 51 Trần Hưng Đạo, vẫn bận rộn bởi đại hội  đại biểu toàn quốc,  Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đang tới sát. Ông nói rằng: Ghế Chủ tịch này ông cũng sẽ rời. Bởi đã đến lúc. Ông cần dành thời gian còn lại của cuộc đời, cho “người tình” thi ca. Hỏi Hữu Thỉnh về tâm trạng sau khi Hội Nhà văn Việt Nam đón tân Chủ tịch? Ông cười: “Thử thách lớn nhất trong chiến tranh, giữa sống và chết, giữa mất và còn, tôi đã trải qua rồi. Chúng giúp tôi chiêm nghiệm và chuẩn bị cho mình lối ứng xử trong thời bình. Chiến tranh là vậy. Nhưng bài học của chiến tranh cũng không thể áp dụng trong thời bình vì cuộc sống không đứng yên, nó luôn vận động. Có những cái thuận ý mình nhưng rẩt nhiều cái ở ngoài tầm tay. Mình phải thích nghi với nó, như thế mới tồn tại được”.

Nói gần nói xa rồi Hữu Thỉnh cũng đi vào câu hỏi cụ thể của tôi: “Tôi đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu rồi, lâu lắm rồi. Khi những lần trúng cử trước, tôi đã nghĩ ngay đến lúc mình phải từ giã, tạm biệt. Cái gì cũng có bắt đầu, cũng có kết thúc. Việc này hợp quy luật bình thường. Tôi đã làm nhiều rồi cần tạo điều kiện cho thế hệ tiếp theo. Mỗi thế hệ có ưu thế riêng. Đã đến lúc tôi trở lại trạng thái một người sáng tác bình thường. Tôi rất thích”.

Trước ánh mắt có phần chưa tin của tôi, Hữu Thỉnh đứng lên đi tìm một tờ giấy, đưa cho tôi: “Đây là bài thơ tôi mới viết”. Ông kể: “Trưa ngày 25, liên hoan bế mạc đại hội nhà văn. 4 giờ sáng hôm sau, tôi đã lên máy bay vào Quảng Trị. Tôi đi Quảng Bình, Quảng Trị. Bởi trong những ngày bão lũ, con tôi đi cứu trợ, kể nhiều chuyện thương tâm lắm. Tôi rất tiếc lúc ấy đại hội nhà văn nên tôi không thể nào bứt đi được. Miền Trung đối với tôi là kỷ niệm sâu nặng. Nhất là vùng Quảng Bình, Quảng Trị, nơi tôi chiến đấu thời trẻ. Cho nên những ngày gian khổ nhất của miền Trung, tôi nên có mặt, cần có mặt, như một lẽ thường tình, để cảm nhận khó khăn về nơi đã nuôi tôi, nơi tôi đã chiến đấu. Tôi xuống xe đi về sông Bến Hải. Dứt khoát tôi phải dừng lại 2 tiếng đồng hồ ở sông Bến Hải. Thế hệ tôi, sông Bến Hải in vào tâm thức sâu sắc. Một chiếc cầu ngắn như thế mà đất nước cách chia bao năm trời”.

Hữu Thỉnh như không ngăn được cảm xúc của người lính trở về chiến trường xưa: “Thành phố Đông Hà bây giờ đẹp, đàng hoàng. Tôi đến miền Trung, mây vẫn nặng trịch trên đầu, nước vẫn lênh láng trên đường. Tôi nhìn ra cánh đồng tôm, mất trắng, chỉ còn một túp lều con xơ xác, gió đánh tả tơi, cả một mùa tôm bị lũ cuốn hết. Người nông dân mất trắng. Miền Trung đã nghèo càng nghèo thêm, đã gian khổ càng gian khổ thêm.

Lặng ngắm cánh đồng trong buổi chiều, chỉ còn túp lều xơ xác, tôi xúc động lắm”. Và ông đọc bài thơ mới sáng tác có nhan đề “Về miền Trung mùa lũ”: “Nỗi bất hạnh hay tìm nơi nghèo khó/lũ ở đâu dồn hết cả miền Trung/phờ phạc hàng dương/mệt lử sau bao ngày chắn cát/có cái gì như những buổi chợ tan/những buổi bình yên sạt lở kinh hoàng/cả mùa tôm mất trắng/bác ngư dân trở về/mắt hốc bóng đêm/lại tong tả vào miền Tây mua giống/những vết thương tự lành/trên cơ thể miền Trung lực lưỡng/giếng nước trong cọ đám bùn non/mảnh sân lại hồng và má em lại thắm/tiếng trẻ reo vồ được mảnh trăng vườn”. Bài thơ được Hữu Thỉnh viết ngày 26/11/2021, tại Quảng Trị. Một tuần ở miền Trung, còn giúp Hữu Thỉnh “sinh” một bài ký.

Thích viết thơ tình

Gần 80 tuổi nhưng Hữu Thỉnh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn (có chăng thính giác hơi kém nhạy). “Tôi vẫn tập luyện, mỗi ngày 2 tiếng. Rét như hôm nay mà tôi vẫn tập vã mồ hôi ra đấy. Sáng dậy, tôi xoa bóp dưỡng sinh, yoga, thiền, đi bộ”, ông vô tư chia sẻ bí quyết khỏe mạnh bền lâu. Hóa ra, Hữu Thỉnh tập yoga từ khi môn này còn chưa thành “mốt”: “Tôi tập mấy chục năm, chắc 50 năm rồi, từ hồi 27, 28 tuổi, khi còn là bộ đội người ta đã dạy môn này”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Những ngày nhàn ảnh 2 Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: Hồng Diệu

Đó là về thể chất. Về tinh thần, Hữu Thỉnh tự nhận: “Tôi thấy tâm hồn tôi vẫn trẻ như ngày xưa”. Tâm hồn trẻ nhờ yêu thơ ca và sáng tác đều chăng? Ông “bật mí”: Ngày nào cũng làm thơ và ghi chép lại cẩn thận những câu thơ vừa đến. Người ta ghi nhật ký bằng văn xuôi, còn Hữu Thỉnh ghi nhật ký bằng thơ. Cả sự nghiệp thơ của Hữu Thỉnh, tính đến nay, số lượng thế nào? Ông chia sẻ: Có chừng 300 bài thơ ngắn và 5 trường ca. Những bài thơ ông tâm đắc nhất có thể kể: “Chuyến đò đêm giáp ranh”, “Thư mùa đông”, “Sang thu”, “Nghe tiếng cuốc kêu”… và tất nhiên, không thể thiếu những bài thơ tình.

Nói đến thơ tình của Hữu Thỉnh thì “Thơ viết ở biển” là tác phẩm đến với công chúng rộng rãi nhất, nhờ hiệu ứng từ bài hát “Biển, Nỗi nhớ và em”, phổ thơ Hữu Thỉnh, nhạc Phú Quang: “Anh xa em/Trăng cũng lẻ/Mặt trời cũng lẻ… Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn/Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím…”. Theo Hữu Thỉnh, ông sáng tác bài thơ này năm 1975, chép trong sổ tay, đợi 25 năm sau mới được công bố. Nhiều người hỏi Hữu Thỉnh: Biển trong bài thơ là biển nào? Sầm Sơn hay Đồ Sơn…? Ông cười: “Biển cuộc đời. “Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/Vắng cánh buồn một chút đã cô đơn”. Tôi thường nhận được câu hỏi: Tại sao “Anh xa em/Trăng cũng lẻ/Mặt trời cũng lẻ?”. Thật ra, trăng lẻ, mặt trời lẻ từ lâu rồi, vũ trụ vẫn thế. Chẳng qua thiếu em, anh mới nhận ra mình và vũ trụ lẻ loi như nhau. Bài thơ nói về nỗi khát khao, về sự cô đơn nhưng không nhắc một chữ “cô đơn”, là tâm trạng người lính sau chiến tranh”.

Trở lại với bài thơ “Tìm người”: “Tôi nhớn nhác đi tìm người/Bước chân thì ngắn đường đời thì xa”. Nhiều người cứ tưởng đây là bài thơ tình, Hữu Thỉnh xác nhận, có khía cạnh về tình yêu: “Có con chim nhỏ bị thương cuối trời”, con chim nhỏ chính là “Em” đấy. Nhưng đây là bài thơ về cuộc đời. “Tôi nhớn nhác đi tìm người”, không biết ai tìm ai, ai có thể cứu được hoạn nạn này? Đó là những nghịch cảnh sau chiến tranh”.

Những năm gần đây, tác giả “Thơ viết ở biển” vẫn tiếp tục làm thơ tình. Ông thú nhận: Thơ tình của tôi không đằm thắm như xưa, do vấn đề tuổi tác. Là ông nói vậy, còn đằm thắm hay không, thuộc quyền đánh giá của bạn đọc. Ông say sưa đọc bài “Kèn lá”: “Khi đôi môi biến rừng thành kèn lá/Thì trên đỉnh thác kia cá cũng hóa rồng/Một bên là mùa xuân/Một bên là yếm thắm/Yếm thắm là gì mà thiên vị cả dòng sông/Đời lắm dốc em lấy duyên che nắng/Mây nhầm đường lạc về phía lưng ong”. Hữu Thỉnh khoe, ông còn viết về đề tài môi trường, xen lẫn tình yêu, đó là bài “Chim từ quy”: “…Đôi chim từ quy thâu đêm tìm nhau/Vừa tìm thấy nhau trời  bật ánh ngày/Chúng tan tác bay đi/Sợ mũi tên nhắm bắn/Đợi đêm sau lại khao khát tìm nhau/Tại sao tình yêu chỉ thổn thức về đêm/Tại sao ánh ngày làm ái tình sợ hãi/Anh có nghe thổn thức tiếng từ quy?”.

Làm rất nhiều thơ tình, Hữu Thỉnh nghĩ gì về đàn bà? Ông cười, nhắc lại câu thơ Xuân Diệu, có biến đổi “yêu” thành “cho”:  “Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Ông cho phụ nữ những gì? Hữu Thỉnh lại cười: “Cho nỗi khát khao, cho những rung động chân thành…”. Nhưng ông không trách chị em, bởi: “Xuân Diệu hay tôi cũng giống như đa phần đàn ông, luôn cảm thấy “chẳng nhận bao nhiêu”. Hữu Thỉnh có ý định ra mắt tập thơ chỉ toàn 2 câu. Ông đang rất tâm đắc với dự án này và đọc thử cho tôi nghe 2 câu trong số đó: “Hạnh phúc như chuyến tàu nhanh/Thường bỏ qua ga xép”. Tôi hỏi Hữu Thỉnh: “Anh là một trong những ga xép mà tàu hạnh phúc bỏ qua?”. Hữu Thỉnh lại cười: “Tôi lỡ tàu nhiều chứ!”

“Tôi ngăn mọi vết thương/Không trở thành thù hận”

Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng viết chân dung Hữu Thỉnh, trong đó khen: Mở bất kỳ trang thơ nào của Hữu Thỉnh đọc cũng thấy hay. Đại khái thế. Hữu Thỉnh gật đầu khi tôi nhắc lại lời khen của Trung Trung Đỉnh: “Tôi cố gắng làm được như thế. Tôi làm thơ rất kỹ và chủ trương thế nào trong một bài cũng phải có những câu hay”.

Ông chia sẻ, bản thân không chuẩn bị gì cho mỗi lần chuyển biến trong sáng tác: “Chỉ có điều tôi yêu thơ vô cùng. Đọc thơ liên tục, ngày nào cũng đọc. Tôi đọc, đánh dấu, ghi chép rất kỹ. Tôi đặt ra cho mình một nhiệm vụ từ rất lâu, không bao giờ tách khỏi môi trường thơ ca. Không viết được thì phải đọc, đọc với tôi như một kỷ luật, để luôn đắm mình trong không khí của văn chương, của thơ ca, để nuôi trái tim mình bớt già nua, xơ cứng, bắt nhịp những tần số dù nhỏ nhất của đời sống.

Trước khi chia tay Hữu Thỉnh, tôi hỏi ông: “Ghế Chủ tịch Hội Nhà văn cho ông những gì?”. Ông đáp: “Được làm việc với các nhà văn, rèn cho mình cách nhìn toàn cảnh về văn học nghệ thuật… Và cũng cho tôi một bài học: Cùng một sự việc, một thời khắc, một sự kiện, mỗi người lại ghi nhận một cách khác nhau. Còn mất ư? Tôi hay nói đùa, khi đang làm Chủ tịch Hội: Tôi là nhà thơ nghiệp dư, theo nghĩa, thời gian chính không dành cho thi ca. Quản lý cũng là một công việc, khi làm thì có ưu, có khuyết. Với khuyết điểm thì rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Tôi quan niệm mọi việc nhẹ nhàng”. Ông đọc tặng tôi hai câu thơ được ông viết ra như phương châm sống: “Tôi ngăn mọi vết thương/Không trở thành thù hận”. Cuộc đời hữu hạn, lãng phí cuộc đời vào thù hận làm gì? “Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”, yêu thương còn chưa đủ kia mà? Cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

“Quản lý cũng là một công việc, khi làm thì có ưu, có khuyết. Với khuyết điểm thì rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Tôi quan niệm mọi việc nhẹ nhàng”. Nhà thơ Hữu Thỉnh

MỚI - NÓNG