Trang phục của các nghệ sĩ trong chương trình Táo Quân 2016 nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. Cảm xúc của anh thế nào?
Tôi quan niệm những lời khen tặng không chỉ là phần thường mà còn là sự ghi nhận của công chúng dành cho nghệ sĩ. Sau nhiều ngày tháng miệt mài với màu sắc và hình ảnh, không có niềm vui nào lớn hơn khi sản phẩm của mình được mọi người đón nhận.
Tôi được đạo diễn Đỗ Thanh Hải tin tưởng giao trách nhiệm thiết kế trang phục cho một số Táo trong chương trình Táo Quân năm nay. Táo quân là một chương trình được đông đảo mọi người quan tâm nên yếu tố hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Tôi và đạo diễn Đỗ Thanh Hài đã trao đổi với nhau về trang phục Táo Quân trước đây mấy tháng, do vậy, khi chính thức bắt tay vào thiết kế, hai chúng tôi nhanh chóng thống nhất ý tưởng về trang phục. Để có được một Thiên đình rực rỡ như vậy là công sức của rất nhiều người, tôi xin chia sẻ niềm vui này với toàn thể ê-kíp và đặc biệt là đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Nhà thiết kế Đức Hùng và một số nghệ sĩ trong Táo quân 2016. Năm nay, Đức Hùng tham gia thiết kế trang phục cho một số Táo và hai ca sĩ Mỹ Dung, Minh Quân. Ảnh: NVCC.
Nhân vật nào trong Táo Quân khiến anh mất nhiều công sức nhất khi bắt tay vào thiết kế trang phục?
Đó là trang phục của Bắc Đẩu hay còn được mọi người gọi với cái tên thân mật là "cô Đẩu", do NSƯT Công Lý thủ vai. Bắc Đẩu là một người đanh đá nhưng cũng rất nữ tính, trong lòng khán giả "cô Đẩu" là một hình tượng khó có thể thay thế và được đông đảo mọi người yêu thích. Trang phục của Bắc Đẩu thay đổi theo từng năm và mỗi năm lại có những ấn tượng riêng, đó cũng là lý do khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều khi thiết kế trang phục cho nhân vật này.
Thú thực là, năm nay tôi có mong muốn “hóa phép” cô Đẩu thành “hoa hậu Thiên đình” với trang phục lộng lẫy nhất. Để làm được điều đó, tôi và Công Lý đã nghiên cứu rất kỹ kịch bản để tìm tòi ra những yếu tố sáng tạo. Ví dụ như khi "cô Đẩu" nói từ “bung lụa” thì mình cũng phải có trang phục, phụ kiện sao cho phù hợp với cách diễn tả của cô ấy. Tôi nghĩ rằng, trên sân khấu, hình ảnh phải ăn nhập với tích cách mà nhân vật thể hiện, có như vậy mới chiếm được cảm tình của khán giả.
Anh có thể nói rõ hơn về quá trình “hóa phép” Bắc Đẩu?
“Cô Đẩu” đã đóng đinh trong lòng khán giả là một người điệu đà mà người điệu đà, như chúng ta biết, bao giờ cũng thích nơ, thích khăn điểm xuyết cho trang phục của mình. Thế nên tôi quyết định thiết kế một chiếc nơ dành riêng cho “cô Đẩu” và chính tôi là người đã tết chiếc nơ duyên dáng đó cho Công Lý.
Còn về trang phục, ngay khi nhận thiết kế cho cô Đẩu, tôi nghĩ ngay đến một “bộ cánh” màu đỏ và hồng, vừa nữ tính, vừa lung linh, sặc sỡ nên chắc chắn sẽ giúp nhân vật thăng hoa trên sân khấu. "Cô Đẩu" là một nhân vật rất hay, Công Lý diễn rất xuất sắc nên quá trình “hóa phép” cũng cần phải rất kỳ công thì Thiên đình mới có một “hoa hậu” xinh đẹp như vậy (cười).
Khoảnh khắc "bung lụa" của Bắc Đẩu trên sân khấu. Ảnh: NVCC.
Tiêu chí thiết kế trang phục trong Táo Quân 2016 của anh là gì?
Táo Quân là một chương trình hài kịch nên tiêu chí đầu tiên phải là rực rỡ, lung linh nhằm mục đích gây ấn tượng với người xem ngay từ trang phục của các nghệ sĩ. Sân khấu Thiên đình lại có tính ước lệ cao nên yếu tố màu sắc rất quan trọng. Ngoài ra, trang phục của các Táo được xây dựng phù hợp với kịch bản của từng nhân vật, như Táo Giáo Dục có màn chiến đấu thì cần phải có áo giáp. Áo giáp của Táo Giáo Dục do Vân Dung thủ vai, tôi đã tỉ mỉ thiết kế những vảy rồng trên chất liệu da để khi “xung trận” Táo được hoành tráng nhất có thể.
Một tiêu chí không thể không kể đến khi thiết kế trang phục cho Táo quân là làm sao để gần gũi với khán giả Việt. Tôi chủ ý thiết kế rồng, phượng trên thân áo vì hình ảnh này chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, hồn cốt của dân tộc Việt và cũng gần gũi với tất cả khán giả Việt Nam. Chúng ta vẫn nói nhau rằng, chúng ta là "con Rồng, cháu Tiên", vậy không có lý gì mà trang phục của các Táo lại không có rồng, phượng.
Các nghệ sĩ tham gia Táo Quân phản hồi như thế nào về các thiết kế của anh?
Tôi rất vui mừng khi các nghệ sĩ đồng cảm và ủng hộ các thiết kế của mình bởi họ là người diện chúng, mang chúng đến với khán giả nên tình cảm của họ đối với trang phục là rất quan trọng. Và cũng không chỉ có nghệ sĩ mà người nhà của nghệ sĩ cũng bị mê hoặc khi ngắm nhìn trang phục Táo Quân. Con trai của Vân Dung phải thốt lên “Mẹ đẹp quá”, khi nghe thấy những nhận xét như vậy, tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Nhà thiết kế Đức Hùng cho biết anh đã tỉ mỉ thiết kế vảy rồng trên chất liệu da trong áo giáp của Táo Giáo Dục Vân Dung. Ảnh: NVCC.
Trong quá trình thiết kế trang phục cho Táo Quân anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Táo Quân liên tục thay đổi kịch bản, ê-kíp luôn phải trao đổi với nhau trực tiếp. Và trang phục cũng phải thay đổi theo kịch bản mới nhất, đó là lý do khiến tôi có khá nhiều kỷ niệm với chương trình. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là lần mang trang phục của Bắc Đầu đến nơi tập Táo Quân. Mọi người đều biết rằng, Táo Quân tập luyện về đêm, do vậy, thử đồ cũng phải thử về đêm. Mặc dù không tham gia diễn xuất nhưng bản thân tôi cũng phải có nhiều đêm đồng hành cùng các nghệ sĩ.
Tôi nhớ có lần, hôm đó mưa và rét, tôi đi lấy trang phục cho Bắc Đẩu, trên đường đến nơi tập, tôi vô tình làm rơi trang phục xuống đất. Lúc đó, tôi sợ lắm vì sắp đến ngày ghi hình, bây giờ mà hỏng thì không thể nào kịp thiết kế lại. hoặc nếu bị bẩn cũng cần phải có quá trình xử lý. Tôi ngơ ngác đến mức suýt nữa bị một xe ôm đi ngược chiều đâm phải. Nhưng may trang phục không sao cả, cũng không bị bẩn. Đôi khi, chỉ những kỷ niệm nhỏ như vậy mà tôi ấn tượng, không thể nào quên được.
Theo anh, việc Táo Quân năm nay chú trọng đầu tư về mặt hình ảnh có phải là một cách để “lội ngược dòng” sau một vài năm bị chê là “năm sau không hay bằng năm trước”?
Tôi nghĩ rằng, truyền hình là một sân khấu nghe nhìn, tức là khán giả không chỉ có nhu cầu lắng nghe nghệ sĩ nói gì mà còn muốn quan sát, đánh giá trang phục và cách biểu diễn của nghệ sĩ. Thế nên việc Táo Quân chú trọng đầu tư về mặt hình ảnh cũng là điều dễ hiểu, nó chứng tỏ đạo diễn và ekip luôn nghĩ đến công chúng và người hâm mộ.