Nhà thiết kế 8x bắt tay vực nghề truyền thống vươn dậy

0:00 / 0:00
0:00
Những chiếc áo dài thổ cẩm được thiết kế tinh tế
Những chiếc áo dài thổ cẩm được thiết kế tinh tế
TP - Sau thời gian bền bỉ xách ba lô lặn lội khắp buôn làng, lĩnh hội nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên, nhà thiết kế (NTK) Trung Beret đã thổi hồn từ chất liệu truyền thống lên tà áo dài một cách tinh tế, đưa sắc màu thổ cẩm lên sàn diễn thời trang. Anh đã cùng bà con bắt tay vực nghề truyền thống vươn dậy.

Dấu chân không mỏi

Nhìn ngắm không gian trưng bày áo dài của NTK Trung Beret (tên thật là Nguyễn Thành Trung, SN 1989) tại căn nhà trong con hẻm nhỏ ở thành phố Buôn Ma Thuột mới cảm nhận được sự tinh tế, thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của chủ nhân. Những tấm thổ cẩm của đồng bào được anh ứng dụng vào thiết kế thời trang, đặc biệt là áo dài. Những chất liệu được dệt thủ công bằng tay đưa người xem chìm đắm vào một không gian đại ngàn hùng vĩ, đầy bản sắc, tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc nơi đây.

Sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk, anh có tình yêu sâu đậm với vùng đất này, yêu người con da nâu, mắt sáng, dáng dấp hiền hòa của anh em dân tộc Êđê, M’Nông. Gia Rai, Ba Na… Tình yêu đó, lặng lẽ ngấm vào tâm hồn chàng trai hồn hậu. Vì thế, những tấm thổ cẩm rực rỡ từ chính con người ấy tạo nên, mang đến cho anh cảm xúc khó tả.

“Ban đầu tôi là một biên đạo múa và giáo viên dạy môn mỹ thuật, nhưng quyết định tạm gác công việc để theo đuổi đam mê thiết kế thời trang. Chính tình yêu văn hóa và con người Tây Nguyên là ý tưởng khiến tôi sáng tạo và thiết kế nên trang phục với chủ đề liên quan vùng đất tươi đẹp này”, NTK Trung Beret chia sẻ về cơ duyên đến với thời trang cũng như thổ cẩm của mình.

Sau nhiều năm làm nghệ thuật tại TPHCM, năm 2018, anh Trung quyết định trở về Đắk Lắk để thực hiện những dự định ấp ủ từ rất lâu nhằm tri ân nơi mình sinh ra.

Nhà thiết kế 8x bắt tay vực nghề truyền thống vươn dậy ảnh 1

Tấm thổ cẩm được người phụ nữ Êđê dệt tay tỉ mỉ từng chi tiết

Bước ra khỏi ánh hào quang của sàn diễn, những khán phòng sang trọng, anh đi đến các buôn làng để tìm hiểu về nghề dệt.

Nhà thiết kế 8x bắt tay vực nghề truyền thống vươn dậy ảnh 2

Nhà thiết kế Trung Beret

Bản thân anh đã bỏ thời gian, công sức tìm hiểu từng chân tơ kẽ tóc, ghi chép cẩn thận chi tiết hoa văn, văn hóa thổ cẩm của các tộc người Tây Nguyên, sau đó tìm cách sử dụng thổ cẩm một cách hợp lý để nâng giá trị đúng tầm chất liệu. Ứng dụng thổ cẩm vào thời trang chính là một trong những cách làm đó.

Mỗi chiếc áo dài anh thiết kế đều là duy nhất, phù hợp riêng với từng đối tượng khách hàng. Anh hy vọng rằng, chính nó sẽ kể cho chủ nhân và công chúng câu chuyện về đời sống, nét đẹp văn hóa Tây Nguyên. Và hơn hết, từng khách hàng khoác trên mình tà áo đó đều là đại sứ của thổ cẩm Tây Nguyên. Bởi anh thấu hiểu mỗi tấm thổ cẩm dệt ra không chỉ là mồ hôi công sức mà còn là tình cảm, là hơi thở và cuộc sống. Công sức của anh được bà con ghi nhận và cảm ơn khi mang đến nguồn sinh lực mới cho nghề truyền thống của họ.

Tinh hoa thổ cẩm

Không ai nghĩ rằng, những tấm thổ cẩm thô mộc, vốn là trang phục mặc hàng ngày của đồng bào lại trở thành chất liệu cho những thiết kế sang trọng, quyến rũ trên chiếc áo dài. NTK Trung Beret đã đưa trang phục, các bộ sưu tập (BST) ứng dụng thổ cẩm ra quốc tế bằng những kiểu dáng cầu kì, phù hợp lên thảm đỏ, buổi tiệc sang trọng của người nổi tiếng nhưng vẫn giữ hồn Việt ở sự nhấn nhá tinh tế, phá cách. Đó chính là giá trị kết nối, bền vững mà không phải ai cũng có thể thực hiện được.

Tại chương trình “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, NTK Trung Beret mang đến BST áo dài gồm 16 thiết kế mang chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Anh yêu vùng đất, con người Tây Nguyên, cũng chính vì vậy anh xử lý màu sắc hình ảnh cho người xem nhìn thấy được cái hào sảng của con người, hùng vĩ của núi rừng, huyền bí của văn hóa…và tất cả thật dịu dàng trên tà áo dài.

Một trong những BST gây ấn tượng với công chúng chính là BST “Chân dung mẫu hệ”. Để hoàn thiện, anh có hơn 10 năm ấp ủ về ý tưởng, đi tìm chất liệu hiện thực từ hình ảnh người mẹ, người chị cần mẫn dệt thổ cẩm… Mỗi một tà áo dài ấy là một tác phẩm nghệ thuật, NTK gìn giữ nét truyền thống nhưng không hề cứng nhắc trong việc kết hợp với xu thế thời trang hiện đại.

MỚI - NÓNG