Nhà thầu xây dựng trở tay không kịp với quy định công nhân phải ăn ngủ tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở TPHCM phải ngừng thi công.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở TPHCM phải ngừng thi công.
TPO - Các doanh nghiệp xây dựng ở TPHCM không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” trong thời gian 12h, kể từ khi có văn bản từ Sở Xây dựng TPHCM nên nhiều công trường xây dựng tại TPHCM đã tạm dừng thi công.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng, ban quản lý các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các công trình xây dựng.

Theo đó, các công trình xây dựng chỉ được tiếp tục hoạt động khi đảm bảo 2 điều kiện. Thứ nhất, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải vừa đảm bảo được tiến độ thi công, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” là làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. Hoặc các đơn vị phải thực hiện phương châm “1 cung đường-2 địa điểm”, nghĩa là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi công trường xây dựng đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Đồng thời thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với người lao động định kỳ 7 ngày/lần. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho công nhân vào đầu và cuối mỗi ca (trường hợp nhiệt độ từ 37,5 độ trở lên, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương). Bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Khử khuẩn bề mặt, thiết bị, máy móc tiếp xúc trực tiếp với công nhân; vệ sinh công trình xây dựng sau mỗi ca.

Nếu các công trình xây dựng không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động xây dựng toàn bộ công trình. Thanh tra Sở Xây dựng chủ động kiểm tra, nếu chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động được xây dựng không đảm bảo các phòng điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 thì buộc dừng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, từ lúc nhận được văn bản của Sở Xây dựng tới 0h ngày 15/7 chỉ có 12h để chuẩn bị nên không xoay sở kịp. Do đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phải dừng toàn bộ công trình xây dựng tại TPHCM, chỉ tiếp tục thực hiện một số công trình do yêu cầu về tiến độ không thể dừng nhưng cũng chỉ có số ít công nhân ở lại.

“Việc chuẩn bị mặt bằng, bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ là rất khó khăn bởi số lượng công nhân xây dựng rất lớn. Hơn nữa, 7 ngày/lần phải xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân thì chi phí đội lên rất lớn”, vị đại diện này nói.

Đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nói rằng, việc dừng thi công toàn bộ công trình sẽ khiến tiến độ dự án bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, việc vận chuyển vật liệu xây dựng trong thời điểm hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc cho công nhân tạm nghỉ là điều hợp lý.

Nhà thầu xây dựng trở tay không kịp với quy định công nhân phải ăn ngủ tại chỗ ảnh 1

Nhà thầu xây dựng trở tay không kịp với quy định công nhân phải ăn ngủ tại chỗ.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons Phan Hữu Duy Quốc cũng cho rằng, doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” trong thời gian 12h khi có yêu cầu từ Sở Xây dựng TPHCM nên nhiều công trường xây dựng tại TPHCM đã tạm dừng thi công. Việc tổ chức cho công nhân ăn uống, ngủ lại ngay tại công trường có thể áp dụng cho những công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ quy mô nhỏ. Còn với những công trường lớn có hàng trăm công nhân thì rất khó triển khai.

Ông Quốc nói thêm, việc dừng thi công sẽ tạo ra thiệt hại cho cả nhà thầu và chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ công trình và lợi ích kinh tế về lâu dài. Mức tổn thất cụ thể tùy thuộc vào quy mô công trình và kế hoạch kinh doanh. Nhưng trong hoàn cảnh này, hầu hết chủ đầu tư cũng cảm thông và chia sẻ cho nhà thầu xây dựng. Đây là rủi ro bất khả kháng không ai mong muốn, buộc phải chấp nhận.

Nói với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, việc áp dụng “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường-2 địa điểm” là điều cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp xây dựng. Quỹ đất xây dựng chung cư ở TPHCM eo hẹp nên không có mặt bằng để bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên đồng hành, chia sẻ khó khăn với TPHCM và đặt mục tiêu chống dịch COVID-19 lên hàng đầu. Các chủ đầu tư cũng nên chia sẻ gánh nặng với các nhà thầu xây dựng để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch bệnh”, ông Châu nói.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.