Một bài báo trên trang tin của quân đội Trung Quốc chỉ trích cả lời khen và sự coi thường đối với máy bay Sukhoi Su-57 của Nga.
“Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga có thể so sánh với J-20 của Trung Quốc và F-22 của Mỹ, thường được coi là không phải là tiêm kích thế hệ thứ năm thực sự vì khả năng tàng hình dưới tiêu chuẩn”, bài báo viết.
“Điều này khiến nó gặp bất lợi đáng kể trước các đối thủ Trung Quốc và Mỹ, một số nhà quan sát quân sự nói”.
Sau đó, bài báo tiếp tục trích dẫn lời Wang Yongqing, nhà thiết kế trưởng của Viện thiết kế máy bay Thẩm Dương nói: “Khả năng tổng thể của Su-57 không tồi chút nào”.
Thẩm Dương là một công ty quốc phòng lớn của Trung Quốc, đã chế tạo một số máy bay chiến đấu cho nước này, bao gồm J-11 và J-16, tiêm kích trên tàu sân bay J-15 và tiêm kích tàng hình F-31.
Ông Wang viết trên tạp chí Kiến thức hàng không của Trung Quốc: “Có thiết kế khí động học sáng tạo và khả năng kiểm soát vectơ lực đẩy, Su-57 coi trọng khả năng hành trình siêu âm và khả năng siêu cơ động, và khả năng tàng hình là ưu tiên thứ hai và việc này có chủ ý”.
Ông tin rằng “khái niệm Mỹ" về trận chiến trên không thế hệ tiếp theo nhấn mạnh các cuộc tấn công ngoài tầm nhìn, các tên lửa có khả năng thực hiện các cuộc tấn công như vậy phải di chuyển trong một khoảng thời gian đủ xa để Su-57 có thể thực hiện các cơ động siêu tốc và trốn tránh chúng.
Wang nói sự hiện diện của các radar đặc biệt trên chiếc tiêm kích Nga có tác dụng phát hiện vị trí chính xác của tên lửa đang bay tới sẽ mang lại lợi thế cho máy bay.
Wang nói: Được trang bị radar mặt bên đầu tiên trên thế giới cùng với radar mặt trước, khi kết hợp với cảm biến hồng ngoại, Su-57 có thể phát hiện máy bay tàng hình đối phương rất sớm.
Trang web quân sự của Trung Quốc nói rằng nước này có truyền thống mua máy bay chiến đấu của Nga từ lâu, “nhưng vì nước này đã phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của riêng mình, nên họ không cần phải mua Su-57”.
Một số nhà phân tích Trung Quốc nhận định rằng máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc có khả năng vượt xa bất cứ thứ gì của Nga và điều này khiến các nhà phân tích quân sự khác ngạc nhiên vì máy bay Trung Quốc vẫn còn phải sử dụng động cơ của Nga sau khi động cơ WS-15 của chính nước này bị cho là không đáng tin cậy.
Việc bài báo này xuất hiện trên một trang web quân sự của Trung Quốc khiến giới phân tích quân sự tin rằng nước này có thể quan tâm đến việc mua Su-57 hoặc một số công nghệ của nó từ Nga.
Trung Quốc đã mua một số máy bay từ Nga, cùng với hệ thống phòng không S-400 và hai nước đang phát triển quan hệ đối tác quân sự chống lại Nhóm các nước "Bộ tứ".
Máy bay Su-57 một chỗ ngồi, hai động cơ có xuất xứ từ Nga đã thực hiện chuyến bay đầu tiên cách đây 10 năm nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức.
Ấn Độ là một trong những quốc gia đang tìm cách mua Su-57, nhưng sự chậm trễ trong quá trình phát triển đã làm hỏng quá trình này. Hiện tại, khách hàng duy nhất đặt mua máy bay là Bộ Quốc phòng Nga, đã đặt hàng 76 máy bay, giao năm 2028.
Su-57 được chế tạo để có khả năng siêu hành trình, siêu cơ động, tàng hình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến để vượt xa các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư. Trung Quốc đã tự thiết kế và phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20, một chỗ ngồi, hoạt động trong mọi thời tiết và được chế tạo để cạnh tranh với bộ đôi tàng hình F-35 và F-22 của Mỹ.