Nhà ở cho người có công tăng gần 20 lần

UBND Quận Thanh Xuân, Hà Nội trao nhà tình nghĩa cho người có công. Ảnh: Hồng Vĩnh
UBND Quận Thanh Xuân, Hà Nội trao nhà tình nghĩa cho người có công. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 23/7, tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng số nhà ở nằm trong diện được hỗ trợ cho đối tượng người có công tăng quá lớn và đề nghị Hà Nội cũng như các bộ ngành liên quan cần phải rà soát lại từng trường hợp cụ thể.

Tăng gần 20 lần

Theo số liệu thống kê của TP Hà Nội, sau khi thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công về nhà ở, Hà Nội đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho tổng cộng 9.916 hộ, tổng kinh phí 286,7 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ xây mới cho 4.423 căn, số còn lại là sửa chữa. 

Như vậy, số lượng người có công được hỗ trợ nhà ở của Hà Nội đã tăng đột biến gần 20 lần so với trước thời điểm thực hiện Quyết định 22 (từ 551 hộ lên đến 9.916 hộ), nâng mức kinh phí từ hơn 15 tỷ đồng lên đến trên 286 tỷ đồng.

Trước số lượng nhà ở cần hỗ trợ tăng gần 20 lần, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, đây là con số cần xem lại, nhất là số lượng nhà cần phải sửa chữa tăng lên quá nhiều. “Tại sao số lượng nhà ở cần hỗ trợ lại tăng vọt lên gần 1 vạn trường hợp như vậy? TP Hà Nội cần phải xem xét kiểm tra lại con số này, nhất là số lượng nhà cho người có công cần phải sửa chữa”, ông Hà nói.

Giải thích về con số trên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong Quyết định 22 đã bổ sung thêm đối tượng thân nhân liệt sỹ, người giúp đỡ cách mạng cũng được hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở nên tổng số lượng cần hỗ trợ mới tăng lên rất nhiều lần. 

“Con số gần 1 vạn nhà ở cần hỗ trợ này do UBND các quận, huyện rà soát, đề nghị lên thành phố và sau đó thành phố tập hợp gửi lên Trung ương. Chúng tôi sẽ rà soát lại từng trường hợp cụ thể”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Trước lý giải của cơ quan chức năng TP Hà Nội, Cục trưởng Cục quản lý nhà cho rằng, con số 9.916 hộ cần hỗ trợ nhà ở chỉ là số liệu báo cáo từ địa phương gửi lên nên Bộ Xây dựng đã yêu cầu TP Hà Nội phải rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể. Theo ông Hà, việc rà soát, kiểm tra phải được lãnh đạo địa phương chỉ đạo thì các chính sách mới thực hiện được. 

“Nếu thành phố không chỉ đạo, kiểm tra rà soát thì rất khó. Dù chúng tôi đã yêu cầu địa phương hằng tháng phải báo cáo tiến độ triển khai, nhưng thực tế chỉ có 33 địa phương làm. Các địa phương làm không thực sự nghiêm túc, nên tôi đề nghị Hà Nội làm kiên quyết hơn”, ông Hà nhấn mạnh.

Đề nghị phải rà soát lại con số

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo thành phố rất quan tâm, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội đối với chế độ chính sách cho người có công. Mỗi năm, TP Hà Nội đã dành 120 tỷ đồng tiền ngân sách để làm việc này. 

“Chính sách nhà ở đối với người có công TP Hà Nội làm rất nghiêm túc. Đối với con số tăng nhiều, Sở Xây dựng thống kê theo cách các hộ được hỗ trợ. Con số này là cơ sở báo cáo lên thành phố và đã phải rà lên, rà xuống để báo cáo”, bà Ngọc lý giải. 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cho rằng, liên quan đến việc xây dựng nhà ở cho người có công, lý do xảy ra sự chậm trễ cũng có nguyên nhân từ chính các Bộ, ngành.

Trưởng đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, con số 800 nghìn người được hưởng chế độ ở Hà Nội (chiếm tới 10%) người có công cả nước là con số rất lớn. Theo bà Mai, nguồn lực chỉ là một vấn đề, sâu xa hơn chủ trương này còn góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội đối với người có công.

Về con số gần 1 vạn ngôi nhà cần nâng cấp sửa chữa, xây mới, bà Mai cho rằng, chỉ cần các cấp địa phương xuống tận nơi nhìn là thấy ngay, chứ không phải không có thời gian rà soát. 

“Có thể tình trạng này không chỉ ở Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều địa phương. Đề nghị Cục quản lý nhà- Bộ Xây dựng phải rà soát, giám sát chặt chẽ nếu không ngân sách sẽ bị đẩy lên và sẽ không lo đủ”, bà Mai nói.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng đề nghị đối với các trường hợp nhà tạm, nhà hư hỏng nặng thì phải phá dỡ đi và xây nhà mới. Ngoài ra cũng cần phải triển khai một cách hài hòa, vì trên thực tế vẫn còn tình trạng người có công lớn nhất nhưng mức hưởng thụ lại thấp nhất.

MỚI - NÓNG