Nhà nông trẻ kiếm tiền tỉ từ mướp đắng rừng

TP - Nhà nông trẻ Nguyễn Quốc Hoàng đã vực dậy và mở ra hướng phát triển mới cho hợp tác xã nông nghiệp trên quê hương với doanh thu tiền tỉ mỗi năm.

Sau thời gian làm nhiều công việc đã dành dụm ít vốn, chàng kỹ sư tin học Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1991, dân tộc Tày), đã quyết định trở về quê hương gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp và tiếp nối nghề làm thuốc nam của gia đình ở xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Anh tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Phong chuyên trồng cây dược liệu; theo học lớp trung cấp y học cổ truyền.

Anh Nguyễn Quốc Hoàng thành công với mô hình trồng mướp đắng rừng. Ảnh: NVCC

Khi hợp tác xã “chững” lại bởi mô hình trồng cây cà gai leo bế tắc và ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Hoàng mạnh dạn tiếp nhận vai trò “thuyền trưởng”, trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Anh chủ trương chuyển hướng trồng, phát triển những loại cây dược liệu trong đó có mướp đắng rừng.

Anh Hoàng tiên phong trồng thử nghiệm mướp đắng rừng trên diện tích 0,8ha vườn nhà và trực tiếp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. “Ngay vụ đầu tiên, sản phẩm mướp đắng rừng đã được thị trường đón nhận, doanh thu hơn 500 triệu đồng… Dù chỉ lời vài chục triệu đồng, nhưng đã cho tôi niềm tin, động lực để nhân rộng mô hình, đưa mướp đắng rừng làm cây trồng chủ lực của hợp tác xã”, anh Hoàng nói.

Đến nay, hợp tác xã đã mở rộng quy mô hơn 7ha với nhiều cây dược liệu như khôi nhung, đu đủ, ba kích…, riêng diện tích trồng mướp đắng nâng lên 3,5ha và thực hiện quy trình sản xuất thu hoạch theo tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Dự kiến, trong năm 2025, hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng mướp đắng rừng và dược liệu thêm 4ha nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Từ quả mướp đắng rừng, hợp tác xã sản xuất ra nhiều sản phẩm có công dụng cải thiện sức khoẻ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của khác nhau của khách hàng, như: trà mướp đắng rừng thái lát; trà mướp đắng rừng sấy khô nguyên quả; trà túi lọc. Bên cạnh đó, anh Hoàng còn có các sản phẩm từ cây dược liệu khác như: cao bôi ngoài da, cao dược liệu khôi nhung, cao lá gan, cao dược liệu cà gai leo, lá thuốc nam đắp xương khớp…

Theo anh Hoàng, để tạo “đầu ra” ổn định cho các sản phẩm từ cây dược liệu, anh và hợp tác xã đã đầu tư xây dựng trung tâm chăm sóc sức khoẻ bằng phương pháp vật lí trị liệu kèm đắp thuốc nam; mô hình đón khách tham quan, thực tế tại vườn. Kênh quảng bá, bán sản phẩm của hợp tác xã trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok cũng được đầu tư, thường xuyên đăng tải hình ảnh, video giới thiệu từ khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến… “Mỗi năm hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hơn 10 tấn dược liệu khô, mang lại doanh thu 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng. Bên cạnh 14 hộ thành viên, hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương”, anh Hoàng nói.

Cùng với tham gia phát triển kinh tế, anh Hoàng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, hoạt động do Đoàn - Hội tổ chức; hỗ trợ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại địa phương.

Với những thành tích trong lao động sản xuất và trách nhiệm cộng đồng, anh Hoàng từng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Mới đây, anh là một trong 36 gương thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức.