Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn về cõi vĩnh hằng

Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn về cõi vĩnh hằng
Theo tin từ gia đình, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn – nhà Ngôn Ngữ học hàng đầu của Việt Nam từ trần vào hồi 19 giờ 10 (giờ Hà Nội) vào ngày 25-2-2011 tại Matxcơva; thọ 86 tuổi
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - cánh chim đầu đàn của ngành Ngôn ngữ học
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - cánh chim đầu đàn của ngành Ngôn ngữ học.

Giáo sư Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn là người có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Ngôn ngữ học - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).

Ông đã trực tiếp đào tạo và tham gia đào tạo nhiều thế hệ học trò (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ) về Ngôn ngữ học, Việt Ngữ học, Hán – Nôm trong và ngoài nước. Trong đó, có không ít người là những nhà khoa học thành danh như: GS.TS N.Stankievich, GS.TS Đinh Văn Đức, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, GS.TS Lý Toàn Thắng, GS.TS Trần Trí Dõi, GS.TS Nguyễn Đức Tồn…

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (thứ ba từ trái sang, hàng đầu) trong lần gặp mặt đầu xuân với thầy trò khoa Ngôn ngữ học.
GS Nguyễn Tài Cẩn (thứ ba từ trái sang, hàng đầu) trong lần gặp mặt đầu xuân với thầy trò khoa Ngôn ngữ học (trường ĐH KHXH&NV)

Không chỉ tham gia công tác giảng dạy, GS Nguyễn Tài Cẩn còn hăng say nghiên cứu và là một chuyên gia Ngôn ngữ học am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Việt ngữ học và Hán-Nôm.

Giáo sư là người am tường các phương diện đồng đại và lịch đại trong nhiều địa hạt của ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ âm, từ nguyên, văn tự).

Với sức nghiên cứu và sức viết dồi dào của mình, GS Nguyễn Tài Cẩn là tác giả của nhiều cuốn giáo trình, chuyên đề, bài báo khoa học xuất bản ở trong và ngoài nước, nhiều báo cáo khoa học ở các hội nghị khoa học quốc tế.

Tiêu biểu như: Từ loại danh từ tiếng Việt (1975); Ngữ pháp tiếng Việt (1975, 1977, 1996); Nguồn gốc và sự hình thành cách đọc Hán Việt (1979, 2000); Một số vấn đề về chữ Nôm (1983); Giáo trình Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1995); Ảnh hưởng Hán văn Lí -Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn (1998); Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá (2001); Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872 (2002).

GS Nguyễn Tài Cẩn đối chiếu một bản Truyện Kiều mới phát hiện tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (đầu năm 2009) Ảnh: Văn hoá Nghệ An
GS Nguyễn Tài Cẩn đối chiếu một bản Truyện Kiều mới phát hiện tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (đầu năm 2009) Ảnh: Văn hoá Nghệ An.

Với những cống hiến của mình, năm 2000, GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong ba người (GS Hoàng Xuân Hãn và GS Đào Duy Anh) đầu tiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Việt ngữ học. Năm 2008, GS được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Sự ra đi của GS Nguyễn Tài Cẩn vào những ngày cuối tháng Hai này là một tổn thất cho ngành Ngôn ngữ học; để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, các thế hệ học trò và những người làm khoa học Ngôn ngữ.

Lễ truy điệu và đưa tang Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tổ chức vào 13 giờ (giờ Maxcơva), tức 17 giờ (giờ Việt Nam) ngày 28-2-2011 tại Maxcơva.

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2-5-1926 (năm Bính Dần) tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), Thanh Chương, Nghệ An.

Thuở nhỏ, ông tiếp thụ Hán học trong một gia đình Nho học, sau đó theo học các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế.

Ông là Đảng viên từ năm 1949.

Ông bắt đầu dạy học từ năm 1949.

Từ năm 1955 đến năm 1960 ông được Bộ Giáo dục cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô (trường ĐH Tổng hợp Leningrad).

Năm 1960 ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về Ngôn ngữ học với đề tài Từ loại Danh từ tiếng Việt.

Từ năm 1961 đến năm 1971 ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1980 ông được Nhà nước phong học hàm GS. Trong các năm 1982, 1988–1990, ông được mời thỉnh giảng tại Trường ĐH Tổng hợp Paris 7, năm 1991 tại Viện ĐH Cornell (Hoa Kì).

Năm 2000 GS Nguyễn Tài Cẩn đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm ba công trình: "Ngữ pháp tiếng Việt - Tiếng, từ ghép, đoản ngữ"; giáo trình "Lịch sử Ngữ âm tiếng Việt"; "Nguồn gốc và quá trình cách đọc Hán - Việt"

Theo Viết
MỚI - NÓNG