Nhà máy ở Bình Dương sáng đèn sau 15/9

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân sản xuất 3 tại chỗ ở Bình Dương. Ảnh: H.C
Công nhân sản xuất 3 tại chỗ ở Bình Dương. Ảnh: H.C
TP - Bình Dương là nơi có ca mắc cao thứ hai của cả nước, chỉ sau TPHCM. Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế, xã hội sau ngày 15/9.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ, mở rộng vùng xanh và thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Sản xuất theo mô hình “3 xanh”

Đối tượng được phép lưu thông là người đã tiêm vắc-xin theo thời gian quy định. Công nhân lao động được cấp chứng nhận tiêm vắc-xin cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại công ty, xí nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất khi đi qua các chốt kiểm dịch. Chưa cho phép các trường hợp người và phương tiện từ vùng đỏ vào vùng xanh, ngoại trừ các đối tượng ưu tiên. Từng bước khuyến khích hướng dẫn và cung cấp thiết bị cho gia đình, khu phố, doanh nghiệp và khu trọ tự xét nghiệm.

Đảm bảo thông suốt “luồng xanh” hàng hóa đi từ vùng đỏ liên tỉnh đến các nhà máy và yêu cầu các doanh nghiệp, chính quyền địa phương thực hiện siết chặt bộ phận kiểm soát, tiếp nhận. Về sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 xanh” (nhà máy, nhà trọ và công nhân).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, địa phương đã đưa ra các giải pháp cụ thể để khôi phục kinh tế, xã hội. Theo đó, tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để sớm đưa dòng tiền vào lưu thông, cắt giảm thủ tục hành chính không thật sự cần thiết...

DN vẫn lo

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trưởng bộ phận nhân sự và tổng hợp, Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Yatch, sau 50 ngày thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đến nay mọi hoạt động sản xuất của công ty đang được duy trì ổn định. Theo bà Phượng, gần 300 công nhân đang ở lưu trú tại nhà máy.

“Khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, tâm lý người lao động cũng muốn trở về với gia đình. Công ty đã lên phương án cụ thể. Thứ nhất, thay thế phương án “3 tại chỗ” thành việc sử dụng người lao động có nơi ở tại “vùng xanh” hoặc linh động kết hợp phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” với phương án “3 xanh””, bà nói.

Bà Rịa-Vũng Tàu mở lại hoạt động thiết yếu

Ngày 13/9, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, với các huyện vùng xanh như Châu Ðức, Xuyên Mộc, Ðất Ðỏ và Côn Ðảo, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ đánh giá an toàn trong phòng chống dịch trước khi hoạt động trở lại. Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp cho người dân.

Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép thí điểm mở lại các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Các công trình xây dựng được hoạt động trở lại với điều kiện sử dụng lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện.

Từ ngày 15/9-30/10, các cơ sở sản xuất hoạt động phải sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn. Phải xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ 5 ngày/lần. Ðối với hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, người lao động cam kết di chuyển trên 1 cung đường từ nơi ở đến nơi sản xuất.

Duy Quang

Tuy nhiên, theo bà Phượng, để thực hiện được điều này, công ty rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban Quản lý Khu công nghiệp trong việc thiết lập liên kết với các khu nhà trọ xanh. Địa phương cần đẩy nhanh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho 100% người lao động.

Bà Lê Thị Minh Trung, Trưởng phòng nhân sự Công ty Nghĩa Hoàng Phúc (Bình Dương), cho biết, công ty đang nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm tiến độ đơn hàng đã được ký kết và an toàn sức khỏe cho người lao động.

“Việc thực hiện mô hình từ nhà trọ xanh đến sản xuất xanh là giải pháp kéo giảm gánh nặng, chi phí cho DN, nhưng chúng tôi lo sẽ xuất hiện F0 trong nhà máy nếu không được giám sát chặt chẽ. Để bền vững, theo tôi, công nhân ngoài việc được giám sát nghiêm phòng, chống dịch cần phải tiêm vắc-xin 2 mũi để tránh gãy chuỗi sản xuất”, bà Trung bày tỏ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết đến nay BIFA đã phối hợp Sở Công Thương tổ chức tiêm vắc-xin cho người lao động của 28 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Châu Long (Bình Dương), nói: “Điều mà chúng tôi lo lắng hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực khi một số công nhân đã rời Bình Dương về quê chưa trở lại Bình Dương được. Công ty cần được hỗ trợ về nhân lực. Trước mắt vẫn phải duy trì hoạt động “3 tại chỗ”.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện nay toàn tỉnh có trên 1.300 nhà máy duy trì sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Đến nay, đã có 87% người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” được tiêm vắc-xin mũi 1, Ban Quản lý sẽ phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp tiếp tục tiêm mũi 2 cho số lao động này, cũng như tiêm cho những lao động còn lại.

Hà Nội xem xét nới lỏng một số dịch vụ

Chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Hoàng Phong

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.