Nhà hát Trưng Vương “kêu trời” vì tự chủ

Đến năm 2021, Nhà hát Trưng Vương sẽ phải tự chủ hoàn toàn. Ảnh: Thanh Trần.
Đến năm 2021, Nhà hát Trưng Vương sẽ phải tự chủ hoàn toàn. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Từ yêu cầu phải xã hội hóa của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm nay, Nhà hát Trưng Vương bước vào tự chủ từng phần, ngân sách giảm 20%/năm cho tới năm 2021 sẽ cắt giảm toàn bộ. Nhà hát liên tục kêu khó vì phải gồng mình duy trì các hoạt động, kiếm tiền trả lương nhân viên.

Áp lực loại bỏ

Cuối năm 2015, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương, do mỗi năm thành phố phải tốn nhiều tỷ đồng trả lương cho nhân viên, nhưng vẫn hoạt động không hiệu quả.

Ông Hoàng Ngọc Chiến, Phó giám đốc Nhà hát Trưng Vương, cho hay, những ngày này, nhà hát đang “căng” vì liên tục họp để tinh giản nhân lực. “Ngân sách cắt giảm, đồng nghĩa với tiền trả lương cũng bị cắt giảm, chúng tôi phải loại bỏ bớt nhân viên. 

Anh em rất khó để loại nhau nhưng không còn cách nào khác, mấy hôm nay phải họp bàn tìm ra những người không đủ sức khỏe, cao tuổi, thiếu lửa nghề để loại bỏ”, ông nói. Hiện tại, nhà hát có 5 phòng ban phải gom lại thành 4, mỗi phòng cắt ít nhất 1 người, đội ca múa nhạc cắt vài người.

Không chỉ vậy, mọi chi tiêu, hoạt động của nhà hát cũng được siết chặt hơn. “Từ tiền nước, điện, tiền thuê vệ sĩ, công nhân dọn dẹp… chúng tôi đều tính toán chi ly, cái nào thật sự cần kíp mới chi. Năm sau tiếp tục cắt giảm ngân sách thì chúng tôi lại phải tiếp tục “thắt cổ bóp họng” nữa, vì áp lực này nên anh em khó tập trung vào công việc lắm”, ông Chiến nói.

Trên bảng lịch hoạt động treo ở tường, nhiều ngày phải bỏ trống vì nhà hát không có hoạt động gì. Ông Chiến giải thích rằng, từ khi bước vào tự chủ, nhà hát đã khuyến khích tất cả nhân viên kêu gọi các đoàn về thuê nhà hát để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên vẫn chưa có sự thay đổi nào rõ rệt. Hệ thống âm thanh, ánh sáng nhà hát trang bị cách đây cả chục năm đã lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu của các đoàn về trình diễn. 

Nhà hát đã nâng giá cho thuê rạp, hội trường và thuyết phục các đối tác tiếp tục hợp tác dù nhận được rất nhiều phàn nàn.

“Ca sĩ bán vé còn khó, huống hồ nuôi một đoàn văn nghệ”

Theo ông Chiến, chướng ngại lớn nhất trong việc tự chủ hiện nay là đoàn ca múa nhạc (CMN) trong nhà hát. Đoàn có 43 người, với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. 

Bị cắt giảm ngân sách, nhà hát phải xoay xở đủ chiều để mỗi tháng kiếm ra hàng trăm triệu đồng trả lương cho đoàn. “Nếu tách đoàn này ra, chỉ còn nhà hát và vài chục nhân viên thì việc tự chủ sẽ rất nhẹ nhàng, tự chủ tốt nữa là đằng khác”, ông khẳng định.

Đoàn CMN được thành lập năm 2001 và tự thân vận động, vài năm sau thì nhập vào Nhà hát Trưng Vương cho đến nay. Với nhiệm vụ chủ yếu biểu diễn phục vụ chính trị, đón tiếp các đoàn khách nên doanh thu của đoàn đưa về không nhiều.

“Ở các tỉnh thành khác dù còn nghèo nhưng vẫn “nuôi” đoàn CMN, còn Đà Nẵng vừa yêu cầu Nhà hát tự chủ vừa phải gánh đoàn CMN, thật sự là quá sức. Muốn Nhà hát tự vận động thì thành phố phải chia sẻ khó khăn này với Nhà hát. 

Thời buổi hiện nay, ca sĩ bán vé còn rất khó, huống hồ một đoàn văn nghệ của thành phố, không mấy người mua vé xem chương trình thì lấy đâu ra tiền để tự chủ. Tuy nhiên, bây giờ tách đoàn CMN ra thì thành phố phải đầu tư toàn bộ lại từ đầu về cơ sở vật chất, nhân lực, quản lý…”, ông Chiến nói.

Nhà hát Trưng Vương hiện có 21 cán bộ, nhân viên và đoàn ca múa nhạc gồm 43 người. Mỗi năm, thành phố cấp hơn 4 tỷ đồng để trả lương và các khoản khác, trừ những năm có sự kiện đặc biệt như pháo hoa, thành phố sẽ cấp ngân sách cho nhà hát cao hơn. Từ năm 2016 trở đi, mỗi năm thành phố sẽ cắt giảm khoảng 1 tỷ đồng, Nhà hát Trưng Vương phải tự xoay xở cho đến năm 2021 thì tự chủ hoàn toàn.

MỚI - NÓNG