Nhà giáo, nhà phê bình văn học tài hoa Chu Văn Sơn: Ngọn đèn sáng nơi đồng xa

Nhà giáo, Tiến sỹ Chu Văn Sơn Nguồn: Zing
Nhà giáo, Tiến sỹ Chu Văn Sơn Nguồn: Zing
TP - Người thầy dạy văn giỏi là người “lấy thân mình” làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, không chỉ dạy học trò kiến thức văn chương mà còn dạy cho họ lẽ sống làm người - nhà giáo, nhà phê bình văn học tài hoa Chu Văn Sơn là một người như thế. 

Nhà giáo Chu Văn Sơn có rất nhiều học trò khắp trên đất nước Việt Nam và khi hay tin thầy giáo mình qua đời, một giáo viên văn ở Trường PTTH Lê Hồng Phong cho biết cô cảm thấy mất mát quá lớn và cô thốt lên với học trò của mình rằng: "Thầy giáo của cô đã qua 

đời rồi!...".

Xuất xứ đồng xa hiu quạnh
Nhà giáo Chu Văn Sơn - chúng tôi thường gọi thân mật là anh Chu Sơn, là một người đàn anh trong văn chương. Tôi còn nhớ hôm khánh thành nhà mới của anh cách đây mấy chục năm, chúng tôi cùng tới để mừng 

cho anh. 

Thưở ấy Hà Nội chưa đô thị hóa như bây giờ, tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngôi nhà mới của anh Chu Sơn nằm giữa cánh đồng cô quạnh, xung quanh cỏ mọc xanh um, đường đi nhiều chỗ hãy còn đường mòn. Nhà anh rất khang trang, song anh lại chọn nơi “xa vắng” để đặt ngôi nhà đầy sách vào đấy. Buổi tối, nhìn ra xung quanh chỉ thấy bóng tối bao trùm. Thật là trái ngược với tâm thế mua nhà ở các chung cư, tìm nhà mặt đường, gần trường gần chợ. Đi tìm nhà anh Chu Sơn như thể đi vào một thời đại hoang vắng của ngoại thành mà ruộng đồng toàn rau muống, những cánh đồng bị bỏ hoang. 

Bữa mừng tân gia ấy, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Bạn của anh Chu Sơn đều là một thế hệ tài năng, mạnh mẽ và cá tính, đều thành danh trong lĩnh vực nghiên cứu văn học như anh Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên, Phan Huy Dũng, Văn Giá… Bữa ấy không thấy các bậc thầy trưởng lão mà chỉ có các anh cùng một thế hệ, nói năng thoải mái và vui vẻ đến khuya. Tôi là nhà báo duy nhất có mặt nên được giao việc chụp ảnh lễ tân gia, chẳng hiểu sao, khi đem phim ra hiệu ảnh tráng, hôm sau quay lại thì họ bảo ảnh hư hết rồi, cũng không nói nguyên nhân vì sao phim hỏng. Anh Chu Sơn hơi buồn, nhưng anh bảo: “Không sao! Tiếc công em chụp thôi”. 

Tôi nhớ mãi bài tùy bút anh viết về cây lau mang tựa đề: “Phận hoa bên lề” có đoạn: “Nó là cư dân của những miền đời quên lãng. Lãng quên, đó mới là không gian cho nó, của nó. Một kiếp hoa chung thân chốn lãng quên. Có phải nỗi hoang vu vón lại thành loài hoa ấy. Có phải nó là đứa con tự túc của nỗi hoang vu. Sinh ra nó để tự khuây khỏa, khoảng trống của hoang vu có bớt đi được phần nào không, mà giữa chốn hoang vắng, có bóng nó chập chờn, lại chỉ thấy lòng thêm hoang dại. Nó là hoa lau”.

Âm vang người thầy
Khi anh Chu Sơn nằm viện, đột ngột không nói được nữa, người ta mới chợt nhớ giọng nói của anh trên ti vi, trong các chương trình dạy văn học miễn phí cho học sinh, nhớ giọng anh trên các giảng đường. Giọng nói trong, rõ, pha chút hài hước, ngôn ngữ giàu hình ảnh.

Nhà nghiên cứu, nhà giáo Văn Giá đã kêu gọi mọi người, học trò, bạn bè cùng nhau sưu tầm lưu giữ tất cả những bài giảng của thầy giáo Chu Văn Sơn. Nhiều học trò của nhà giáo Chu Văn Sơn đã cẩn thận ghi các bài giảng của thầy mình. Thật ngạc nhiên, những bài giảng ấy cũng chỉn chu và chặt chẽ, sinh động và biến hóa như những tác phẩm viết trên 

giấy vậy. 

Người ta thường so sánh Chu Văn Sơn với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, người thầy mà anh yêu quý. Chính nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn là người sưu tầm chọn in các tác phẩm Nguyễn Đăng Mạnh trong cuốn: “Tuyển tập Nguyễn Đăng Mạnh”. Tôi có may mắn quen biết cả hai người. Trong một lần đón giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh về Trường Đại học Vinh, giáo sư đã nhận xét với tôi về Chu Văn Sơn là “Một người tài hoa và lãng mạn”. Những năm 1980, khi chúng tôi còn ngồi trên ghế giảng đường, chúng tôi không có nhiều dịp được nghe giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh giảng trực tiếp (vì giáo sư đang ở Hà Nội). Khi ấy Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh đã chiếu băng hình các buổi giảng của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho chúng tôi học những bài giảng về đổi mới văn học. Giờ đây, sau nhiều năm, các sinh viên trẻ lại xem băng hình và băng ghi âm các bài giảng của tiến sĩ Chu Văn Sơn như  những tài liệu bổ ích, quan trọng. 

Trên tạp chí “Văn hóa Nghệ An”, một học trò của tiến sĩ Chu Văn Sơn là Lương Minh Chung có viết một bài về thầy của mình. Lương Minh Chung kể rằng lúc còn là sinh viên năm thứ ba, để mưu sinh, anh này đã làm nghề bơm xe trên vệ đường. “Tôi còn nhớ, có một hôm bơm xe xong, đang lúi húi cho thêm nước vào cái chậu còn lưng thì bắt gặp một giọng nói rất ấm:

- Em có muốn vào khoa Văn Đại học Sư phạm Qui Nhơn công tác không? Thầy sẽ nói các thầy trong đó giúp cho. Vào đó sau hai năm, ra Hà Nội học Văn (học cao học) với thầy.

Ngước mắt nhìn lên, tôi bắt gặp một nụ cười hiền hậu. Lúc ấy, tôi chẳng cần chú ý là chậu nước đã đầy hay chưa nữa. Tôi thả cái can nhỏ xuống làm nước văng tung tóe và cảm thấy có một chân trời hy vọng, một niềm vui mới mở ra trước mắt mình”. 

Đi tìm cái đẹp
Đã là người nghiên cứu văn học, sáng tạo văn học dĩ nhiên phải hướng tới cái đẹp, song có người mê cái đẹp văn chương và say cái đẹp cuộc sống đến mức chính các đồng nghiệp, các nhà phê bình khác cũng thán phục như trường hợp tiến sĩ Chu Văn Sơn là điều hiếm. 

Không chỉ làm thức dậy những vẻ đẹp tưởng đã ngủ quên trong văn chương, Chu Văn Sơn còn rất tài hoa trong viết bút ký về thiên nhiên, các di sản văn hóa khi anh ngao du đây đó trong những ngày tháng an nhàn. 

Nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá, khi viết về “Chu Văn Sơn tùy bút” cho rằng: “Chu Văn Sơn về cơ bản là một kẻ duy mỹ. Với nghiên cứu phê bình, anh sắm vai săn tìm, phát hiện Cái đẹp trong những áng văn. Đến lượt tùy bút, anh thủ vai kiếm tìm và biểu đạt Cái đẹp ngoài cõi sống”.

Tiến sĩ Phan Huy Dũng, trong bài viết: “Tùy bút Chu Văn Sơn” tâm đắc: “Đọc Sơn, tôi thật quý một thái độ trước thời thế. Cái đẹp của thiên nhiên, của cảnh quan văn hóa hút hồn ta mê mải. Nhưng cũng chính nó không ngừng nhắc ta phải có thái độ cảnh giác. Cảnh giác với lòng tham, cái ác, sự vô minh cố hữu của con người. Cảnh giác với những hành động khó lường do ngu muội về văn hóa. Cảnh giác với những nhân danh trong một thời tao loạn bởi 

nhân danh”.

Nhà giáo, Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn luôn đắm chìm trong cái đẹp, nhưng ở anh vẫn luôn có một thứ ánh sáng trí tuệ tỉnh táo và quyết liệt. Trong bài viết: “Cách tân: đi tìm cái mới hay cái tôi?”, tiến sĩ Chu Văn Sơn viết: “Cái mới muốn giành quyền sống không thể không đương đầu với cái cũ. Và cuối cùng, thắng thế bao giờ cũng thuộc về những cái mới thực sự, cái mới 

chân chính”. 

Nhà giáo, nhà phê bình văn học tài hoa Chu Văn Sơn: Ngọn đèn sáng nơi đồng xa ảnh 1

 Tiến sĩ Chu Văn Sơn (trái) và nhà nghiên cứu Văn Giá ( Ảnh: Tư liệu)

Nhà nghiên cứu, nhà giáo, Tiến sỹ văn học Chu Văn Sơn vừa rời cõi tạm (1962-2019). Anh quê ở Thanh Hóa, giảng dạy tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1988 đến nay.  Các công trình nghiên cứu của anh được các giáo viên, sinh viên, học sinh rất yêu thích như Ba đỉnh cao Thơ Mới, Thơ điệu hồn và cấu trúc, Hàn Mặc Tử - một hành trình sáng tạo, Nguyễn Đăng Mạnh tuyển tập... Ngoài ra, ông biên soạn chung một số sách như: Xuân Diệu tác giả và tác phẩm trong nhà trường, Từ điển tác giả Văn học Việt Nam hiện đại, Chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại, Giảng văn Văn học Việt Nam hiện đại, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học trong nhà trường...
Bài viết cuối cùng trên trang cá nhân của Nhà nghiên cứu, nhà giáo Chu Văn Sơn viết ngày 22/1/2019 có tên: “Liêm chính học thuật – Một ảo vọng của thời nay?”. Bài viết nói về nạn đạo văn lộng hành và tiến sĩ đặt những câu hỏi đau đớn: “Hỏi rằng ở ta có còn sự liêm chính học thuật hay không? Hỏi rằng giới mũ cao áo dài của học thuật hàn lâm có liêm sỉ hay không? Có đạo đức nghề nghiệp hay không?”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.