Nhà đầu tư thận trọng xuống tiền trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng nhà đầu tư luôn luôn phải thận trọng khi đưa ra quyết định xuống tiền trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp với số ca mắc liên tục tăng như thế này.

Có nên đầu tư bất động sản giữa đại dịch?

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Thị trường Bất động sản (BĐS) 2021 – đâu là cơ hội đầu tư ngay giữa tâm dịch”, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư luôn luôn phải thận trọng khi đưa ra quyết định xuống tiền trong bối cảnh đại dịch ngày càng phức tạp với số ca mắc liên tục tăng như thế này.

Tuy nhiên, có thể thấy mặc dù dịch bệnh nhưng Chính phủ vẫn thúc đẩy các hoạt động đầu tư công, đầu tư vào hệ thống hạ tầng, nghĩa là cơ hội của thị trường BĐS luôn có. Đồng thời lực cầu của thị trường BĐS đang nằm ẩn, nằm phục chờ thời vẫn rất lớn.

Cũng theo ông Đính, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư lỡ “ôm hàng” quá nhiều giờ đang gặp khó khăn về tài chính nên buộc phải đẩy hàng bán rẻ để thu hồi vốn, trả nợ lương. Nhiều địa phương trước đây đẩy giá các dự án lên rất cao giờ đang điểu chỉnh về mức giá thực để tăng tỉ lệ hấp thụ. Và đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư...

Nhà đầu tư thận trọng xuống tiền trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp ảnh 1
Theo ông Nguyễn Văn Đính, nếu dự án BĐS đảm bảo được đầy đủ các yếu tố về pháp lý, chất lượng sống, cơ sở hạ tầng, tính kết nối vùng, giá cả hợp lý và chủ đầu tư uy tín thì người đầu tư có thể cân nhắc đầu tư, nhưng cần phải tìm hiểu kĩ càng và hết sức cẩn trọng, nhất là thời điểm dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp.

"Ở bất kì thời điểm nào, kể cả giữa đại dịch COVID -19 như hiện tại, nếu phát hiện dự án đảm bảo được đầy đủ các yếu tố về pháp lý, chất lượng sống tốt, cơ sở hạ tầng và kết nối hạ tầng thuận lợi, giá cả phù hợp và chủ đầu tư uy tín thì nhà đầu tư vẫn nên đầu tư, không cần phải đợi thời điểm thích hợp. Bởi vì khi dịch được khống chế, dự án mà đảm bảo được những yếu tố ông vừa nói sẽ có lực hấp thụ rất mạnh, nhà đầu tư khi ấy mới tham gia sẽ phải mua lại với mức giá cao hơn", ông Đính phân tích.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho hay: “Đối với thị trường thứ cấp, do tình hình dịch bệnh nên có nhiều người muốn thanh khoản căn hộ đang sở hữu, tạo cơ hội để nhà đầu tư mua nhà với giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5% - 10%. Còn với thị trường sơ cấp, theo báo cáo của CBRE Việt Nam, giá căn hộ vẫn tăng trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua và cũng sẽ có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới, do chi phí đầu tư, chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng và được tính vào giá bán sản phẩm. Do đó, nếu thực sự có nhu cầu mua nhà thì tốt hơn hết thì nên mua nhà tại thời điểm hiện tại”.

Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàn phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Theo ông Tuấn, nhìn về dài hạn BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng, là “nơi trú ẩn” tài sản an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.

Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung, có thể thấy, đại dịch COVID-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS. Bởi theo số liệu của Batdongsan.com.vn, mỗi năm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019. Do đó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua vẫn có nhiều cơ hội phát triển.

Lực cầu bất động sản vẫn mạnh

Tại tòa đàm, TS Nguyễn Văn Đính cho biết, theo nghiên cứu và quan sát của Hiệp hội từ năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường BĐS mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19 nhưng các yếu tố nội lực vẫn được đánh giá cao, đặc biệt là lực cầu của thị trường BĐS vẫn rất lớn.

Nhà đầu tư thận trọng xuống tiền trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp ảnh 2

Mặc dù dịch bệnh nhưng lực cầu của BĐS Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn rất lớn, thậm chí mạnh hơn cùng kỳ những năm cao điểm như 2018, 2019.

Cụ thể, năm 2020 ghi nhận hơn 100.000 giao dịch thành công từ hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư về BĐS và chỉ kém năm 2019 gần 20%.

Đối với phân khúc đất nền, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhà ở thấp tầng ghi nhận 40.000 sản phẩm được chào bán và đã giao dịch thành công gần 25.000 sản phẩm, đạt tỉ lệ hấp thụ tới 61,5%. Đây là một tỉ lệ đáng mơ ước, cho thấy mặc dù dịch bệnh nhưng phân khúc này không bị ảnh hưởng nhiều.

Ở phân khúc nhà chung cư có sự sụt giảm về nguồn cung lẫn tỉ lệ giao dịch vì sự tăng giá quá mạnh. Trong đó giá chung cư ở TP. Hồ Chí Minh tăng rất cao nên các nhà đầu tư dần rời bỏ phân khúc này để tìm đến những điểm trũng khác có lợi thế về giá và lực hấp dẫn.

Tổng lượng giao dịch BĐS Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tăng 46,2% so với cùng kì năm 2019 và tăng 132% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm thấp tầng có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 47,3% trong khi các căn hộ cao cấp thì tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 10,9%.

"Những con số trên cho thấy thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang hoạt động, chuyển biến và chứng minh rằng lực cầu 6 tháng đầu năm nay còn mạnh hơn cùng kì những năm cao điểm như 2018, 2019. Một trong những nguyên nhân tăng lực cầu là do dòng vốn đầu tư đổ về từ các lĩnh vực kinh doanh khác đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19", ông Đính nói.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.