Nhà đầu tư phải tự cứu mình

Nhà đầu tư phải tự cứu mình
TP - VN-Index và HASTC - Index vẫn “tuột dốc không phanh”! Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng chứng khoán giảm chủ yếu do yếu tố tâm lý, nhưng tâm lý ấy bắt nguồn từ đâu?

Ngay từ cuối tháng 10/2008, Cty chứng khoán SSI đã khuyến nghị các nhà đầu tư (NĐT) nên tối đa hóa lượng tiền mặt nắm giữ.

Khi chứng kiến VN - Index, HASTC - Index “ rủ nhau” cùng thiết lập hết đáy này đến đáy khác thì NĐT vẫn chưa muốn tung tiền vào TTCK bởi họ chờ cho chứng khoán giảm giá thêm.

Nhà đầu tư Vũ Văn Hải (sàn ACBS TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Khi các Cty chứng khoán đưa ra nhận định VN - Index có thể rơi xuống dưới 300 điểm thì chẳng mấy ai nhảy vào mua lúc này”.

Phó Tổng GĐ Cty chứng khoán VIS Phạm Linh nhận định giờ đây NĐT nhìn vào thực tế giao dịch chứ họ hầu như không còn tin vào những khuyến cáo kiểu như “đã đến lúc mua vào” nữa.

Với diễn biến TTCK Việt Nam và các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, địa ốc, NH… thì giữ tiền mặt được coi là khôn ngoan. TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng phân tích: “Giá vàng hạ, địa ốc vẫn giảm, lãi suất NH mất hấp dẫn, tỷ giá lên xuống thất thường và các mặt hàng nói chung đang có xu hướng hạ thì NĐT khôn ngoan nào cũng giữ tiền mặt chờ giao dịch vào lúc giá hạ hơn nữa”.

Đối với TTCK thì TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng  TP Hồ Chí Minh) ví von 100 triệu hôm nay mua được 5.000 cổ phiếu A nhưng 1- 2 phiên sau có thể mua được 5.500 cổ phiếu đó, nên NĐT sẵn sàng chờ thêm.

Chiều 27/11, bản tin của Cty chứng khoán VIS nêu rõ: “ NĐT đang tỏ ra rất thận trọng trước những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đó là nguy cơ tốc độ tăng trưởng giảm sút khi cầu hàng hóa trong và ngoài nước đều sụt giảm, nguy cơ về nợ xấu của các ngân hàng thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính khi BĐS tiếp tục đóng băng”.

Đó cũng là lý do chính khiến nhiều NĐT e ngại năm tới các DN niêm yết sẽ làm ăn không thuận lợi, lợi nhuận giảm dẫn đến giá cổ phiếu xuống nên bán nhiều hơn mua và chờ đợi.

Ngoài ra, ngày 27/11, NĐT nước ngoài tiếp tục bán ra lượng cổ phiếu hơn gấp đôi mua vào (3,2 triệu so với 1,4 triệu) tiếp tục kéo dài chuỗi ngày bán ròng càng làm NĐT trong nước thận trọng giao dịch hơn.

Với tình hình như vậy thì thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán vẫn sẽ có hiệu lực từ 1/1/2009 như “ thêm dầu vào lửa”. Phó Tổng GĐ một Cty chứng khoán còn đưa ra một lý do: “Những lần trước, khi TTCK sụt giảm mạnh, UBCKNN hay Bộ Tài chính, NH đều có các biện pháp “vực dậy”, nhưng từ vài tháng nay chuyện ấy đã thành quá khứ và NĐT hiểu “nên cứu mình trước khi trời cứu”.

Cần trung thực và minh bạch

Từ đầu tháng 11 đến nay, thị trường niêm yết vốn cầu yếu lại nhận thêm  500 triệu cổ phiếu của Tổng Cty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVF) và tiếp tục “bội thực” với hàng tỷ cổ phiếu của khoảng 50 DN lên sàn từ nay đến cuối năm. Chỉ tính theo mệnh giá, nguồn cung hai tháng cuối năm 2008 lên đến gần 10.000 tỷ đồng.

GĐ một quỹ đầu tư nói: “Thị trường chứng khoán đang giống như người vừa ăn no lại phải ăn tiếp. Với lượng vốn hạn hẹp như hiện nay, nguồn cung khổng lồ trên không cách nào tiêu thụ nổi”.

Với NĐT thì họ lập luận khá đơn giản “nhiều là rẻ” và thực tế cũng cho thấy càng nhiều cổ phiếu lên sàn, VN-Index và HASTC- Index càng xuống. Dù UBCKNN đang xét khá kỹ các DN nộp đơn xin niêm yết nhưng chỉ với những hồ sơ đã được duyệt, TTCK Việt Nam đang quá thừa nguồn cung.

Các NĐT lo ngại điều gì nhất từ các DN niêm yết? Những cuộc thăm dò “bỏ túi” trên sàn SSI và ACBS TP Hồ Chí Minh cho thấy đó chính là minh bạch thông tin. Việc Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vừa “lòi” ra khoản lỗ 232 tỷ do biến động tỷ giá và hoãn trả cổ tức đang làm cho NĐT bức xúc.

Sở GDCK TP Hồ Chí Minh đã cảnh cáo nhưng với việc dù  DN “thú nhận” thông tin sai, thậm chí gian dối ảnh hưởng đến túi tiền của NĐT thì họ cũng chỉ nhận được những xử lý quá nhẹ mà Bông Bạch Tuyết (BBT) là điển hình đang làm mất thêm lòng tin của NĐT.

Ông Dominic Scriven, Tổng GĐ Dragon Capital khẳng định: “Lời lỗ không quan trọng, kinh doanh phải có lúc lời lúc lỗ nhưng cái quan trọng nhất là trung thực và minh bạch”.

Nhiều NĐT quá hiểu chứng khoán lên xuống là chuyện thường tình nhưng họ cần những chính sách, thông tin kịp thời, nhất quán và đúng, đủ, khi điều ấy chưa có thì TTCK Việt Nam phụ thuộc vào tâm lý NĐT như hiện nay cũng không có gì lạ.

MỚI - NÓNG