Nhà đầu tư nước ngoài đang rơi vào một 'rừng luật'

Nhà đầu tư nước ngoài đang rơi vào một 'rừng luật'
TP - Tại Hội nghị  20 năm đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cảnh báo tình trạng nhà ĐTNN đang bị rơi vào một “rừng luật”.

Ngày 24/1, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị  20 năm đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Hiện, khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã tham gia vào hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp ở nước ta, trong đó phần lớn các ngành công nghệ cao như: khai thác dầu khí, lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp điện tử, thiết bị văn phòng, máy tính... đều có sự tham gia quan trọng của các doanh nghiệp ĐTNN.

Thử thách còn ở phía trước

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường:

“Từ thực tiễn phát triển với một đạo luật chuyên ngành về ĐTNN tại Việt Nam 20 năm trước đây tới nay, chúng ta đã có cả khuôn khổ pháp luật về đầu tư nói chung và ĐTNN nói riêng khá đồ sộ, với hàng chục đạo luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động ĐTNN tại Việt Nam.

Nhà đầu tư và doanh nghiệp của họ tại Việt Nam cần phải sống và hoạt động như một cơ thể sống, kể cả quan hệ, giao dịch với các cơ quan và đối tác trong và ngoài nước.

Nếu cộng thêm cả các văn bản dưới luật, tức là các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương thì số lượng các văn bản mà nhà ĐTNN cần tuân thủ khi đầu tư tại Việt Nam là rất đồ sộ.

Điều này đem lại hệ quả là nhà ĐTNN có thể đang bị rơi vào một rừng luật, dễ bị lạc đường, vấp ngã. Thêm vào đó, với thực tiễn và năng lực xây dựng pháp luật hiện nay của nước ta thì khả năng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật khác nhau là có, thậm chí là rất nhiều”.

Theo Tiến sỹ Nick J. Freeman (Chuyên gia Tư vấn Đầu tư cao cấp Cty Vietnam Holding Asset Management Ltd), khi các nhà ĐTNN được hỏi liệu họ mong muốn gì nhất ở quốc gia mà họ tới đầu tư, câu trả lời chung là “mong muốn được đối xử bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước”.

“Trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài để tạo dựng nên một môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và hấp dẫn. Tất nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Việt Nam đã đạt được những thành quả đầu tiên của công cuộc đổi mới và tự do hóa kinh doanh, nhưng thử thách để đạt được những thành quả cao hơn còn đang ở phía trước.

Việt Nam cần phải vượt qua những thử thách đó nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ĐTNN ổn định trong 10 năm tới”- Tiến sỹ Nick J. Freeman nói.

Tiền vào nhiều nhưng không dễ “tiêu hóa”

Về định hướng thu hút ĐTNN trong thời gian tới, Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng ĐTNN (Bộ KH&ĐT) cho biết, sẽ mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI.

Dự kiến, từ 2006-2010, Việt Nam  sẽ huy động khoảng 25 tỷ USD từ nguồn vốn FDI để đầu tư cho phát triển. “Với tốc độ gia tăng mạnh mẽ dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm qua và tiếp tục tăng cao trong những năm tới, chúng tôi có đủ cơ sở để cho rằng mục tiêu này sẽ sớm thành hiện thực” - Ông Thắng khẳng định.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, trong thời gian tới, vốn FDI tăng 50% hay thậm chí 100% là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra không chỉ là tiếp nhận được bao nhiêu vốn FDI mà là khả năng hấp thụ các dòng vốn đó.

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng lo ngại rằng, các luồng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam có thể gây ra những rủi ro và bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Tình hình thu hút ĐTNN cuối năm 2006 và năm 2007 đã cho thấy quá nhiều tiền thì cũng không dễ gì “tiêu hóa” được.

Sau 20 năm ĐTNN (1988-2008), Việt Nam đã thu hút được hơn 9.500 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 98 tỷ USD từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có trên 100 tập đoàn lớn thuộc danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới có đầu tư tại Việt Nam. Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2008, hoạt động ĐTNN liên tiếp nhận được tin vui.

Lần đầu tiên, 3 chi nhánh ngân hàng hải ngoại được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam (Industria Bank of Korea, Commonwealth Bank of Australia, Taipei Fubon). Việc mở 3 chi nhánh ngân hàng này rất có ý nghĩa, vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai nhanh các dự án của hai đối tác lớn đang dẫn đầu về vốn FDI đăng ký tại Việt Nam là Hàn Quốc và Đài Loan.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.