Nhà đất Hưng Yên tăng nóng, đất dự án bị 'thổi giá' chóng mặt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia, việc giá đất nền dự án ở Hưng Yên tăng tới 50 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tháng là một dấu hiệu về sự bất thường của thị trường, do đó không loại trừ khả năng có một số đối tượng dàn trò "hàng khan hiếm" để đẩy giá nhà đất lên cao.

3 tháng giá đất tăng gấp đôi

Theo số liệu từ các đơn vị bất động sản, thời gian gần đây thị trường đất nền dự án tại Hưng Yên có xu hướng "tăng nóng". Trong đó, "sức nóng" của thị trường dồn về các khu vực giáp ranh Hà Nội như huyện Văn Giang, Mỹ Hào hay Văn Lâm, nơi có các đại dự án và các khu công nghiệp đang và sắp triển khai.

Điển hình, đất nền KCN Phố Nối (Mỹ Hào) thời điểm cuối năm 2020 có giá 17-21 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 25 - 33 triệu đồng/m2.

Nhà đất Hưng Yên tăng nóng, đất dự án bị 'thổi giá' chóng mặt ảnh 1

Đất nền ở Hưng Yên, nhất là khu vực giáp ranh Hà Nội hầu hết đều đã thiết lập mặt bằng giá mới từ cơn “sốt đất” vào cuối năm 2021 đến đầu năm nay. (Ảnh: Lộc Liên)

Đáng chú ý, phân khúc shophouse ở khu chợ thương mại Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) thời gian gần đây được đẩy lên mức giá cao ngất.

Một môi giới ở huyện Văn Lâm cho biết: "Hiện tại nguồn hàng về shophouse ở khu vực này rất khan hiếm, và tỉ lệ lấp đầy đã đạt khoảng 60 - 70%. Trong đó, những căn 4 tầng diện tích 60m2, đã hoàn thiện việc xây thô, đã có sổ đỏ thì tài chính rơi vào khoảng 5,8 tỷ đồng (hơn 96,6 triệu đồng/m2), và đây là mức giá chung tại khu vực này, thậm chí các căn ở mặt ngoài đường 5 còn có giá hơn 100 triệu đồng/m2. Hồi khoảng tháng 3, thì các căn chỉ có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 nếu ở mặt trong và 40 - 50 triệu đồng/m2 đối với căn ở mặt ngoài đường lớn".

Cẩn trọng khi giá nhà đất bị "thổi" cao

Nhận xét về việc giá shophouse tại khu chợ thương mại Như Quỳnh được đẩy cao trong thời gian ngắn, một nhà đầu tư khu vực Hưng Yên cho rằng, hiện tượng này một phần xuất phát từ tâm lý đón đầu quy hoạch của các nhà đầu tư, khi thấy các đại dự án của "ông lớn" bất động sản ở khu vực xung quanh có động thái rục rịch triển khai.

Nhà đất Hưng Yên tăng nóng, đất dự án bị 'thổi giá' chóng mặt ảnh 2

Shophouse tại khu chợ thương mại Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) đang được đẩy lên với giá hơn 100 triệu đồng/m2 (Ảnh: Lộc Liên)

"Nếu là nhà đầu tư, thì việc giá đất nền dự án tăng tới 50 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tháng ngắn ngủi là một dấu hiệu về sự bất thường của thị trường, do đó không loại trừ khả năng có một số đối tượng dàn trò "hàng khan hiếm" để đẩy giá nhà đất lên cao, nên khi vào tiền những khu vực này rất rủi ro, vì rất có thể bạn đang phải mua bất động sản ở đầu, rồi sau này phải bán ra ở chân", một nhà đầu tư khác cảnh báo.

Theo các chuyên gia, giá đất nền Hưng Yên tăng lên là theo xu hướng chung của thị trường, do tác động của các thông tin quy hoạch, dự án hạ tầng - giao thông. Đồng thời, do nguồn cung dự án mới tại Hưng Yên và trung tâm Hà Nội ngày càng khan hiếm, trong khi đại dịch COVID -19 thúc đẩy nhu cầu sống trong các không gian xanh nhiều hơn, nên giá nhà đất Hưng Yên biến động mạnh, đặc biệt là ở các loại hình đất nền, nhà mặt phố. Tuy nhiên, có những nơi giá tăng gấp đôi có sự "bất thường"

Chính vì vậy, trước khi quyết định xuống tiền, nhà đầu tư cần cân nhắc bài toán đầu tư hợp lý, nhất là trong trường hợp có sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh rủi ro khi giá bất động sản tăng nóng. Đồng thời, luôn luôn tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng trước các quyết định đầu tư, không chạy theo tâm lý đám đông mà đổ xô đầu cơ, trữ đất...

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.