> Hà Nội họp HĐND: Nóng chuyện nhà, đất, cây xăng
Dẫn hàng loạt số liệu từ báo cáo của thành phố, ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân) lo ngại việc thu ngân sách đạt thấp liên tiếp trong nhiều năm. “Thu ngân sách 6 tháng chỉ bằng 38,8% kế hoạch năm, lạm phát hai năm qua khá cao, nợ xấu, hàng tồn kho lớn, mặc dù thành phố đã đưa ra 7 nhóm giải pháp nhưng kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi” - ĐB Thành đánh giá.
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) và một số ĐB khác cho rằng nguồn thu của thành phố thiếu bền vững, bởi chủ yếu vẫn là thu từ đất. Trong khi đó, thị trường nhà đất đang đóng băng, chưa biết khi nào mới phục hồi.
“Người dân làm nghề phải vay được vốn với lãi suất thấp. Chúng ta cứ nói rằng sẽ có chính sách hỗ trợ, mà không làm được, không tăng được tín dụng thì không có ý nghĩa gì”
ĐB Phùng Thị Hồng Hà
Vì vậy, thành phố cần chủ động rà soát, điều tiết nhu cầu về nhà ở, kể cả nhà ở xã hội, nếu không năm 2013-2014 cũng chưa có lối thoát. Hiện trong khoảng 8 nghìn tỷ đồng các DN còn nợ ngân sách, có tới 4.800 tỷ đồng nợ từ đất đai. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến ngân sách thành phố giảm thu hàng ngàn tỷ đồng trong năm nay.
“Thành phố cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với những DN dây dưa, nợ thuế” - Giám đốc NHNN Việt Nam (chi nhánh TP Hà Nội) Nguyễn Thị Mai Sương kiến nghị.
Huy động 7% ngân hàng vẫn kêu lỗ
Nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn cho DN bất động sản đang bế tắc. Các ngân hàng thông báo cho vay với lãi suất thấp, nhưng lượng tiền cho vay không đáng kể.
Đáp lại băn khoăn trên, Giám đốc NHNN Việt Nam (chi nhánh TP Hà Nội) Nguyễn Thị Mai Sương (ĐB Đông Anh) cho biết, thành phố đã vận động các ngân hàng hạ lãi suất vay cũ còn 13%, các khoản vay mới thuộc các lĩnh vực ưu đãi (nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ...) ở mức 9%. Tuy nhiên nhiều DN không đủ điều kiện hoặc cũng không muốn vay vốn, vì khả năng hấp thu vốn rất yếu.
Một số ĐB cho rằng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của thành phố đối với DN và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế. “Trong thời điểm hiện nay, cần ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bởi lĩnh vực này vẫn còn khả năng hấp thụ vốn tốt. Tuy nhiên cần tháo gỡ cơ chế vay vốn thì người dân mới vay được” – ĐB Nguyễn Văn Phong kiến nghị.
Ngày 2/7, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến tháng 5/2013, số lượng căn hộ chung cư tồn kho là 5.789, tương ứng với hơn 566 nghìn m2. Trong đó có tới hơn 5.400 căn trên 90 m2. Ngoài ra, số lượng nhà thấp tầng đang tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 3.483 căn, tương ứng với 878 nghìn m2 sàn. Trong đó, có 763 căn có diện tích từ 60 - 90 m2; 2.720 căn hộ có diện tích trên 90 m2. Nhà ở dành cho người thu nhập thấp hiện cũng đang tồn 330 căn. Diện tích văn phòng đủ điều kiện cho thuê hiện cũng tồn kho rất lớn, khoảng 175 nghìn m2.