Ngay từ đầu giờ chiều 10/12, tại nhà cầu thủ Hà Đức Chinh ở khu Dụ, xã Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) đã có nhiều người thân của gia đình đến cùng tham gia làm cơm để mời bà con làng xóm.
"Mọi người đến để giúp gia đình mổ lợn, làm cỗ. Phụ nữ thì nhặt rau, đàn ông thì mổ lợn, pha thịt. Gia đình sẽ làm hơn 10 mâm cỗ để chiêu đãi họ hàng, làng xóm và người hôm mộ đến gia đình cổ vũ bóng đá. Nếu trận chung kết hôm nay Việt Nam chiến thắng, gia đình sẽ tiếp tục mổ trâu để khao mọi người", bà Hạ Thị Uyện, mẹ của Hà Đức Chinh chia sẻ.
Chị Diện (SN 1984), chị họ của Đức Chinh có mặt từ sớm để phụ giúp gia đình làm cỗ. Chị Diện kể, năm trước, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu, gia đình tôi cũng mổ 1 con bò, 1 con lợn để phục vụ người hâm mộ, hàng xóm sang ăn cơm cổ vũ bóng đá.
“Có những gia đình xa lạ cũng đi xe khách từ các tỉnh lên đây. Họ vào nhà, bắt tay nhau và ngồi vào mâm cơm như người trong gia đình. Người đến đông quá làm sập cả hàng rào cũ của nhà’, chị Diện cười nói.
Theo bà Uyện, Chinh có rất nhiều điểm giống bố, ít nói và chịu khó lao động., dù đã lên tuyển, tập luyện, thi đấu liên miên, nhưng cứ về đến nhà là Chinh lại lao vào quét dọn nhà cửa, ra đồng cày bừa, cuốc đất, nhổ mạ, gánh lúa. “Bố mất sớm, Chinh là con cả nên mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình Chinh đều phải cáng đáng. Chính vì vậy, Chinh làm được rất nhiều việc, từ nấu ăn, chăn trâu, cày cấy", bà Uyện nói.
Bà Uyện cũng cho biết, thời điểm Chinh phong độ xuống, bị dân mạng chỉ trích, khoảng thời gian đó rất khó khăn với con. Bà thường khuyên Chinh: "Lúc con còn bé, khó khăn nào mẹ con mình cũng vượt được mà Chinh ơi" để động viên con đi tiếp".
Gần đến giờ thi đấu, mâm cỗ đã được gia đình chuẩn bị tươm tất phục vụ người hâm mộ.
"Hôm nào thi đấu, con được ra sân, tôi không chỉ vui mà còn lo con không ghi được bàn, phụ lòng hi vọng người hâm mộ. Mỗi trận đấu diễn ra, tôi sợ nhất 2 điều là con bị chấn thương và sợ con thi đấu không tốt, phụ lòng người hâm mộ. Bất cứ trận nào, khi kết thúc, con không chấn thương tôi mới thở phào, ngủ ngon.
Hôm Chinh đá trận đầu tiên SEA Games, qua ti vi, tôi thấy con đi vào phòng thay đồ, cầm giày trên tay, chân chườm đá, tôi lo lắng. Lúc con điện thoại về, tôi hỏi thì Chinh nói đá trên sân cỏ nhân tạo, bàn chân rất nóng nên phải chườm đá. Lúc đó, tôi mới an tâm", bà Uyện kể về con đầy tự hào.