Nhà báo sẽ ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội

Nhà báo sẽ ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội
TP - Đó là nhận định của nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tin giả trên mạng xã hội và vai trò của phóng viên” do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức cuối tuần qua. Các ý kiến đã tập trung làm rõ vai trò của báo chí dưới áp lực chạy đua thông tin với mạng xã hội.

Bàn về thực trạng tin giả (Fake News) tại Việt Nam, ông Cao Hoàng Nam, Điều phối viên Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) đã đưa ra một loạt ví dụ điển hình về tin giả diễn ra trên mạng xã hội thời gian vừa qua như: sự việc “Nữ giáo viên tiếp khách” xuất phát từ một tài khoản Facebook mang tên Nguyễn Liên sử dụng hình ảnh giả từ một trang mạng Trung Quốc; vụ việc đưa tin giả về “Học sinh chết tại Tuyên Quang” lấy hình ảnh từ một trang báo của Pakistan; thông tin giả về “Xoài nhiễm độc khi dùng bao của Đài Loan” khiến giá xoài giảm 50%... Những tin giả trên ít nhiều đã gây hậu quả cho xã hội. Ông Nam cho rằng vấn nạn tin giả sẽ ngày càng nở rộ nếu không có các giải pháp ngăn chặn.

Tham gia buổi tọa đàm, ông Timothy Stoker Large, cựu phóng viên hãng Reuters, Giám đốc chương trình “Báo chí và Truyền thông” đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tin tức số toàn cầu thông qua Báo cáo về Tin tức số 2016 - Digital News Report 2016 của Viện nghiên cứu Reuters. Báo cáo về Tin tức số 2016 khẳng định vị thế của mạng xã hội, cụ thể là Facebook và Youtube trong vai trò là nền tảng thông tin chính trong cộng đồng. Xu hướng trong năm 2017 sẽ diễn ra mâu thuẫn ngày một sâu sắc giữa các phương tiện truyền thông truyền thống và các phương tiện truyền thông mới. Ông Timothy đưa ra nhận định, sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đã góp phần lan truyền và làm gia tăng tầm ảnh hưởng của tin giả tới cộng đồng. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của tin giả sẽ là cơ hội cho các phương tiện truyền thông truyền thống khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc ngăn chặn.

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Vietnam Plus, tin giả là hiện tượng đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, nay được sự hỗ trợ từ các mạng xã hội nên có cơ hội lan truyền mạnh và gây ảnh hưởng sâu rộng. Mục đích khi sử dụng tin giả có rất nhiều nhưng tựu trung là nhằm kiếm lợi thông qua quảng cáo. Cũng theo ông Minh, thực trạng hiện nay không chỉ dừng ở mức báo động mà chúng ta đang thực sự ở trong một cuộc chiến với tin giả. Trong cuộc chiến đó, vai trò của người làm báo chưa thực sự được nêu cao. Ông Minh đưa ra nhận định rằng trong thời gian tới, những người làm báo sẽ giữ vai trò là một trong những nhóm có tác động lớn tới việc ngăn chặn sự tràn lan của tin giả.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại diện đến từ các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo đã đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả xoay quanh vấn đề xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội tại Việt Nam. Điều này không chỉ hữu ích trong việc quản lý tin giả mà có thể trở thành bộ khung giúp cho việc xây dựng môi trường mạng ngày càng tốt đẹp tại Việt Nam. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.