Nhà báo Phan Quang góp phần làm nên thay đổi to lớn của báo chí

TPO - “Nhà báo Phan Quang có một hình thái tư duy năng động, đó là tư duy chính luận ở những nhà hoạt động báo chí chính trị, tư duy trừu tượng của một nhà triết học, tư duy hình tượng của một nhà văn. Tất cả đều uyển chuyển, giao lưu tạo ra sức sống sức mạnh, ở nhà báo Phan Quang không có giới hạn”, giáo sư Hà Minh Đức đánh giá.

Sáng 11/11, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”. Nhà báo Phan Quang, sinh năm 1928, năm nay 92 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (Khoá V), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI)… Ông là người có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

 Tọa đàm "nhà báo Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam" là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tôn vinh những nhà báo lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Phan Quang góp phần làm nên thay đổi to lớn của báo chí ảnh 1

Toàn cảnh tọa đàm

Đồng thời, toạ đàm còn góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu truyền thống báo chí về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng báo chí Việt Nam. 

Phát biểu tại toạ đàm, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng, nhà báo Phan Quang là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan toả nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập, tri ân.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, nhà báo Phan Quang là chứng nhân, là nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa góp phần làm nên những đổi thay to lớn và quan trọng của báo chí, văn hóa, văn nghệ nước ta thời kỳ đầu công cuộc đổi mới và nhiều năm sau đó.

92 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Phan Quang luôn lao động sáng tạo, viết hàng nhìn bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, chuyên luận, xã luận... góp sức làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam.

Nhà báo lão thành Hà Đăng ôn lại, bản thân ông và nhà báo Phan Quang không bao giờ quên cái thuở ban đầu, khi là những phóng viên nông thôn, đã cùng chiếc xe đạp tòng tọc lăn bánh trên khắp các nẻo đường, từ trung du và đồng bằng Bắc Bộ đến Liên khu 4 và giới tuyến.

“Không có cái thuở ban đầu ấy, không có một số giai đoạn tiếp theo, thì sao có được một Phan Quang am tường nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một Phan Quang có hiểu biết sâu rộng và toàn diện về các lĩnh vực khác, một nhà báo thông tuệ như ngày nay”, nhà báo Hà Đăng nêu.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định, với một người có nhiều trải nghiệm xã hội, vừa có tài vừa có tầm lại luôn cần mẫn ghi chép, viết bền bỉ, nhà báo Phan Quang viết về đề tài, lĩnh vực nào, thời kỳ nào cũng đều hấp dẫn, cho người đọc có thêm nhiều kiến thức…Theo ông Nghị, nhà báo Phan Quang là một tấm gương lao động, trên một nền tảng trí tuệ lớn lao.

Nhà báo Phan Quang góp phần làm nên thay đổi to lớn của báo chí ảnh 2

Nhà báo lão thành Phan Quang phát biểu tại tọa đàm

Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ, nhà báo Phan Quang là một nhà báo nhưng cũng tham gia vào những công việc của quản lý nhà nước ở cấp cao, một cuộc đời vẻ vang đáng tự hào, nhưng chưa hết, ông còn có một phần đóng góp rất quan trọng đó là đóng góp của trí tuệ, của sáng tạo, qua những tác phẩm viết về văn hóa về văn học về nghệ thuật.

 “Tôi cho rằng cái quan trọng nhất của nhà báo Phan Quang là trí tuệ, là tinh thần văn hóa vững chắc, cái đó sẽ giúp đỡ và nâng cao thêm các hoạt động. Một nhà văn mà trí thức không cao thì văn chương cũng sẽ vừa phải. Một dịch giả mà trí thức không cao thì có thể dịch sai. Một nhà ngoại giao mà trí thức không cao có thể sẽ bị dồn đến chân tường. Chính vốn tri thức uyên bác của nhà báo Phan Quang đã tạo điều kiện cho những hoạt động khác nâng lên một tầm vóc mới.

 Nhà báo Phan Quang có một hình thái tư duy năng động, đó là tư duy chính luận ở những nhà hoạt động báo chí chính trị, tư duy trừu tượng của một nhà triết học, tư duy hình tượng của một nhà văn. Tất cả đều uyển chuyển, giao lưu tạo ra sức sống sức mạnh, ở nhà báo Phan Quang không có giới hạn”, giáo sư Đức nêu.

MỚI - NÓNG