Nguyễn Văn Bảy, như tôi biết

TP - Trong cuộc đời sáng tác của mình, tôi đã đi nhiều nơi, gặp được nhiều anh hùng, nhưng người anh hùng như ông Nguyễn Văn Bảy, mãi đến đầu năm 2019 tôi mới gặp.
Nguyễn Văn Bảy, như tôi biết ảnh 1 Đại tá, Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy

Tiếng là ở thị trấn, nhưng nơi hai vợ chồng ông Bảy đang sống ở nông thôn yên ả thanh bình. Nơi đây, xưa kia là chiến trường, chỉ mới thật sự đổi thay hơn mười năm nay, nghĩa là có đường ô tô, có cầu đúc, có điện, có nước sạch. Nhưng cầu chỉ mới là cầu tạm, chỉ đủ sức cho xe năm tấn đi qua. Còn đường chỉ mới làm xong bước một, hai bên đường bà con trồng rất nhiều cây lấy gỗ. Cái tính của nông dân mình là vậy. Nhà nước chưa cấm thì cứ trồng cây. Tấc đất tấc vàng. Tận dụng được đến đâu hay đến đấy. Bao giờ nhà nước nâng cấp thì tính sau.

Xe chúng tôi là xe mười bảy chỗ, nên khi còn cách nhà ông Bảy khoảng hai cây số, bị kẹt đường, vì có hai cây bạch đàn quá lớn lấn ra. Chiếc xe bị kẹt giữa một bên là cây, một bên là gờ đất cao hơn nửa mét được đắp làm con lươn chống lũ. Vậy là  ông Bảy lại chạy xe máy ra chở từng người trong đoàn về nhà. Về tới nhà, vợ ông đã dọn sẵn bàn trà, còn ông Bảy khệ nệ bưng ra một thùng bia. Tôi nghe ông Bảy hối thúc vợ lấy mồi. Một khách tỏ ra e ngại:  “Bày vẻ bia bọt chi cho mất thời gian chú Bảy”!  Ông Bảy phẩy tay. “Tụi bay đến thăm tao thì tao tiếp. Tao quen vậy rồi”. 

Tôi ngồi ngắm dáng ngồi thẳng lưng của ông Bảy. Tôi ngồi lắng nghe từng câu chuyện của ông Bảy. Đôi mắt đã có dấu hiệu của người cao tuổi, nhưng vẫn còn tinh anh lắm. Giọng nói rổn rảng.Từng mẩu chuyện từ đời năm nảo năm nao ông vẫn còn nhớ vanh vách. Có vẻ như ông Bảy đang sống lại những kỷ niệm của một thời. Ông nói bằng ánh mắt. Ông nói bằng gương mặt. Ông nói bằng hai bàn tay. Ông nói. “Tao học lớp ba chưa xong, làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia chưa rành, nhờ có Đảng, nhờ có cách mạng, nhờ Bác Hồ, mà tao được học hết kiến thức lớp 10, được làm phi công lái máy bay phản lực. Tới ông bà cố nội tao, tía má tao còn không dám nghĩ tới điều ấy. Nếu nhà nước không tin tưởng tao, không giao máy bay Mig17 cho tao, làm sao tao trở thành Anh hùng.”

Vâng! Ông Bảy Anh hùng phi công đấy. Ông Bảy bằng xương bằng thịt đang ngồi ngay trước mặt tôi, đang rót bia mời chúng tôi uống, rồi ông kể chuyện. Ông Bảy chẳng những lái máy bay, mà còn là phi công lái máy bay chiến đấu huyền thoại. Chính ông là người sáng tạo ra lối đánh cận chiến trên không. “Quân giải phóng miền Nam nắm thắt lưng địch mà đánh. Còn ông Bảy thì áp sát máy bay địch mà đánh”, ông Bảy kể.

“Mấy đêm liền tao không ngủ được”. Ông Bảy hồi tưởng. Ra trận mà không nhìn thấy kẻ thù thì làm sao mà bắn. Bám sát đội hình phi đội là một chuyện. Còn quan sát phát hiện máy bay đối phương lại là chuyện khác. Chong mắt căng đầu suy nghĩ mãi, cuối cùng tao cũng tìm ra cách của tao.Ông Bảy cười khà khà. “Nói tụi bây hổng tin, nhưng đánh giặc cũng có năng khiếu đấy. Không có năng khiếu cũng đánh được, nhưng đánh dở òm. Cũng như cầu thủ đá banh, năng khiếu là trời cho nha tụi bây”. Châm điếu thuốc bastion rít liền mấy hơi, ông Bảy kể tiếp.

Mig17 chỉ trang bị vũ khí là một khẩu 37 ly, một khẩu 23 ly, với tất cả là hai trăm viên đạn. Súng là bạn nhưng đạn là vàng. Nước mình nghèo thấy mồ, làm sao dám bắn vung tay như tụi Mỹ. Tao tự hạ quyết tâm. Không bắn thì thôi, nhưng đã bắn thì phải trúng, bởi vậy tao mới nghĩ ra cách đánh cận chiến. Tức phải tìm ra đối phương,tiếp cận đối phương khoảng một trăm mét mới nhả đạn. Khẩu 37 ly chỉ có 40 viên, quý còn hơn vàng mười. Nhìn thấy máy bay đối phương rồi, tao phán đoán đón lõng đường bay của nó, nhào tới với góc 90 độ, khi cầm chắc chỉ cách trăm mét tao mới bắn. Bắn từng viên một. Viên này bay thấp thì viên thứ hai nâng cao lên. Viên này bay cao thì viên thứ hai hạ thấp xuống. Bóp cò một hai viên là tao cho nó lộn mèo, rơi ngay tại trận. Ăn thua là tao biết cách phán đoán để đón lõng, tiếp cận thật gần. Thần Sấm, Con Ma của Mỹ là phản lực siêu thanh, Mig17 của tao chỉ là con rùa bò trên trời. Năng khiếu của tao là biết cách bò tới đúng đường bay của nó. Khi đã thật gần, đã chắc ăn thì mày có chạy đằng trời cũng không thoát, chừng đó tao mới bắn. Tao bắn ba lần, tụi nó rớt ba chiếc. Tụi nó phong tao lên Thánh, nên khi giáp trận cứ í ới gọi nhau, phải tìm cho được máy bay của Thánh Việt Nam diệt cho bằng được. Nó không diệt được tao thì tao diệt nó. Bảy lần nhả đạn, tao bảy lần bắn hạ Thần Sấm, Con Ma của tụi nó. Tụi nó sợ tao, nhưng cung kính nâng tao lên hàng phi công ACE (Phi công bắn hạ từ 5 chiếc máy bay). Tụi Mỹ nó Mẽo cái gì không biết, nhưng tụi nó rất sòng phẳng, cứ phi công nào bắn hạ được năm máy bay đối phương, thì phi công đó được vinh danh lên đẳng cấp ACE trên thế giới. Tao thoắt ẩn thoắt hiện trên trời. Khi nó thấy tao thì ngay lập tức nó đã toi mạng nên tao là phi công ACE”...

Lúc ngắm hai ông bà Bảy đang ngồi cạnh bên nhau yên lành trong thời bình tự nhiên tôi nhớ đến nao lòng, câu ca dao mà tôi thuộc nằm lòng hơn bốn chục năm nay, lúc còn ôm súng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại - “Con cá làm nên con mắm -  Vợ chồng già thương lắm mình ơi”.

Hình như câu thơ rất hợp với gia đình ông Bảy. 

Người anh hùng phi công ACE huyền thoại, bây giờ đang ngồi trước mặt tôi đây. Bộ quần áo nhuốm màu phèn.Cái khăn rằn chít trên đầu. Y hệt một lão nông tri điền chánh hiệu. Ông uống bia. Ông hút thuốc. Ông hiền lành như đất ruộng đất đồng Lai Vung. Không, phải nói là ông ngon như quýt hồng Lai Vung, ngon như nem Lai Vung, như kẹo chuối Lai Vung mới đúng. Ông cám ơn vợ ông đã sinh cho ông ba người con, mà lần nào bả vượt cạn, ông cũng đang bay trên bầu trời, tìm cách áp sát máy bay thù để đã bắn là tiêu diệt. Vậy mà người phụ nữ miền Nam tập kết ấy, cứ lần nào nghe tin máy bay ta trúng đạn bị rơi cũng tất tưởi đạp xe từ Hà Nội qua sân bay Gia Lâm để hỏi thăm tin tức của chồng.

MỚI - NÓNG