Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người đặt nền móng xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ mới

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người đặt nền móng xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ mới
TP - Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người đã quyết liệt khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới, nêu quan điểm, chỉnh đốn Đảng phải từ trên xuống dưới,“tắm từ đầu tắm xuống”, chứ không phải “tắm từ vai tắm xuống”.

“Tắm từ đầu tắm xuống”

Nói đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là nói đến Nghị quyết T.Ư lần 2, khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vậy vì sao khi đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại tập trung vào công tác chỉnh đốn Đảng, theo ông?

Cuối năm 1997, tại hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ông Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư. Khi đó, tôi khá bất ngờ khi ông được bầu làm Tổng Bí thư vì vốn dĩ ông là một người dày dạn trận mạc, gần như cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp. 60 tuổi mới vào Trung ương Đảng và sau đó vào Bộ Chính trị, được bầu làm Tổng Bí thư. Một vị tướng nay làm công tác chính trị, đứng đầu Đảng là việc mới, song ông thể hiện là con người rất chịu khó, rất cầu thị, và luôn suy nghĩ làm thế nào để tiếp cận vấn đề mới.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người đặt nền móng xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ mới ảnh 1

Ông Vũ Quốc Hùng

Thời đó, có rất nhiều vấn đề quan trọng, từ kinh tế đến xã hội, nhưng ông tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Ông quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới. Ông cũng đề xuất phải có một nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Việc này thực ra, Điều lệ Đảng cũng nêu rồi, Bác Hồ cũng dựng nền móng cho công tác này rồi, nhưng trong bối cảnh cơ chế thị trường sau đổi mới thì điều này là hết sức cần thiết. Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình. Như thế, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không phải chuyên gia xây dựng Đảng nhưng lại có công rất lớn chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như thế rất đúng với Đảng cầm quyền trong điều kiện đất nước bắt đầu đổi mới với đầy rẫy những khó khăn.

Đâu là những dấu ấn, cách làm đặc biệt của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong quá trình thực hiện chỉnh đốn Đảng?

Bằng tinh thần cầu thị, lắng nghe và bằng thực tiễn năng lực, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đề xuất ngay đổi mới trong sinh hoạt Đảng. Sinh hoạt Đảng là ra sinh hoạt Đảng chứ không phải sinh hoạt câu lạc bộ, vui vẻ. Sinh hoạt Đảng phải họp, phải tiến hành phê bình và tự phê bình; bàn về lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Từng đảng viên một, từ đảng viên thường cho tới lãnh đạo phải thường xuyên xem xét, soi rọi mình, tự phê bình, tự báo cáo những vấn đề ưu, khuyết điểm và những vướng mắc.

Đặc biệt, chỉnh đốn Đảng trước kia là từ dưới lên trên cho nên mới có câu nói là “tắm từ vai tắm xuống”. Nhưng Tổng Bí thư quan điểm “tắm từ đầu tắm xuống”, chứ không chỉ từ vai xuống. Vì tinh thần này, Bộ Chính trị khi đó kiểm điểm 10 ngày và thường kết thúc mỗi ngày rất muộn.

Trong kiểm điểm, Tổng Bí thư chủ trì, mỗi Ủy viên Bộ Chính trị phải làm kiểm điểm, đứng lên bục tự trình bày kiểm điểm của mình để các đồng chí khác góp ý rất thẳng thắn. Việc kiểm điểm không chỉ nói những vấn đề đường lối, quan điểm mà nhấn mạnh đến lối sống, quan liêu, lãng phí; gia đình anh thế nào, vợ con anh ra sao, quan hệ với mọi người thế nào, có gần quần chúng không, có quan liêu không…?

Còn với các Ủy viên Trung ương Đảng thì lập ra một tổ giúp việc tập hợp tất cả dư luận của quần chúng, đảng viên của các ban Đảng về cá nhân đó. Bản thân các Ủy viên Trung ương phải tự nguyện, tự giác kiểm điểm và có kèm bản mẫu để trả lời từng câu hỏi mà Trung ương đưa ra cho mỗi ủy viên.

Khách quan, không có “vùng cấm”

“Các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phân công ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí quan liêu. Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”.


Trích Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCH T.Ư Đảng (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Với cách làm như vậy thì có chuyện “mất lòng”, “vùng cấm” không?

Khi đó, việc kiểm điểm, phê bình rất nghiêm túc, song không hề là cuộc đấu đá nhau. Kiểm điểm trên tinh thần thẳng thắn, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, xây dựng tổ chức Đảng mạnh lên. Không khí khi đó rất hồ hởi.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người khiêm tốn, lắng nghe. Khi kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng, ông rất khách quan, không thiên vị ai cả. Ông luôn tạo điều kiện cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định, với tinh thần “không có vùng cấm”, ai có vấn đề đều làm việc.

Có thể nói, ông là linh hồn và tác giả của Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Lúc đó, bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi về kinh tế, xã hội, song nhờ Trung ương 6 lần 2 nên cũng giảm bớt đi những chuyện này chuyện khác, nhất trong công tác xây dựng Đảng, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Mặt khác, nghị quyết cũng tạo nền móng để sau này tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Những mặt chiến đấu, chấn chỉnh Đảng thì Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII có bước kế tiếp với Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII.

Ngoài dấu ấn về xây dựng chỉnh đốn Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn dấu ấn nào với ông?

Là vị tướng, song Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn cầu thị, gần gũi mọi người, luôn lắng nghe, tiếp thu. Trước lời phê bình của dư luận, ông luôn bình tĩnh, không bao giờ bực bội. Đó là bản lĩnh. Khi đã nghĩ hưu, ông vẫn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thường xuyên góp ý để làm sao thực hiện được hiệu quả công việc này.

Cảm ơn ông.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

  

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong Quân đội, trong đó có chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; mang cấp bậc hàm Trung tướng, Thượng tướng. Tháng 6/1991 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1992 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa VII) của Đảng, ông được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 1/1994, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1996, tại Đại hội VIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị. Tháng 12/1997 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.