Nguyễn Quốc Vương: Dạy sử, cuốc đất và phơi sách

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Chỉ là một cách dạy mới cho môn lịch sử, một môn phụ, song ngay từ những bài manh nha đầu tiên trên facebook của Nguyễn Quốc Vương đã thu hút hàng ngàn lượt quan tâm, chia sẻ và xin phép học hỏi từ đồng nghiệp, phụ huynh.

Làm cho học trò thích học môn phụ

Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982, là giảng viên khoa lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Đầu tháng năm, cuốn sách “Môn Sử không chán như em tưởng” (NXB Phụ Nữ) của Vương xuất bản đã thu hút sự chú ý của rất đông giáo viên và học sinh một cách “không theo lẽ thường”.

Cuốn sách chỉ có 290 trang, xoay quanh những câu hỏi rất dễ gây nhàm chán như: Học sinh có thích học lịch sử không? Học lịch sử thì có ích gì cho đời sống? Người giáo viên sẽ phải dạy lịch sử như thế nào để học sinh không chán học?

Điều khác biệt ở cuốn sách này là nó được tổng kết từ thực tiễn giáo dục của cá nhân giáo viên ở trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (trường thực hành của trường Đại học Sư phạm Hà Nội) từ năm 2011 đến năm 2014. Một nửa cuốn sách đăng những bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà của học sinh. Những độc giả được đọc thử cuốn sách đều cảm thấy sốc khi tiếp cận những vấn đề mà một đề bài kiểm tra 45 phút có thể ra. Chẳng hạn: “Trước tình trạng đất nước ngày một nguy khốn, từ 1863-1873, Nguyễn Trường Tộ đã gửi lên triều đình ba mươi bản điều trần phân tích toàn diện tình hình đất nước ta và đưa ra các đề nghị cải cách. Nếu em là một vị quan đại thần trong triều đình nhà Nguyễn đương thời, em sẽ có suy nghĩ như thế nào sau khi đọc ba mươi bản điều trần nói trên?”. Hay: “Vào ngày kỉ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, học sinh Nhật Bản thường tới thăm Công viên Hòa Bình ở Hiroshima thả hạc giấy lên trời kèm theo thông điệp hòa bình. Hãy tưởng tượng em được đến Hiroshima vào ngày đó và đưa ra thông điệp hòa bình của bản thân”.

Độc giả sốc tập hai khi đọc những lý giải và suy nghĩ của những học sinh lớp 6 hoặc lớp 8 trước những vấn đề mang tầm vĩ mô có thể trở thành cả một công trình nghiên cứu.

Trước đó, khi Quốc Vương đăng tải những ví dụ này trên facebook cá nhân, rất nhiều giáo viên ở các tỉnh đã xin phép áp dụng mô hình này. Riêng ở trường Nguyễn Tất Thành, theo phiếu kín thăm dò ý kiến học sinh, tỷ lệ hài lòng và yêu thích dành cho cách dạy “đưa ra vấn đề và học trò phải tự tổng hợp tư liệu để lý giải” thấp nhất là 87%, cao nhất lên tới 92%. Điện thoại riêng của thầy Vương cũng rất hay bất chợt nhận được tin nhắn cảm ơn từ các phụ huynh học sinh vì “cháu kể rằng thích học môn của thầy”!

Một cô giáo dạy Toán từng “dọa kiện” thầy Vương vì trong giờ Toán, một học sinh cá biệt trước nay chưa từng quan tâm việc học lại lúi húi ngồi làm bài lịch sử.

Có người hỏi: “dạy theo cách đưa ra vấn đề cho học sinh thì giáo viên nhàn quá?” thầy Vương bảo ngược lại. Bởi học sinh hứng thú về vấn đề gì thì đều sẽ tìm hiểu rất kỹ và đưa ra những câu hỏi rất khó. Không ít lần thầy giáo phải “xin khất” để tra cứu tìm hiểu thêm với những thắc mắc vô cùng bất ngờ của học sinh.

Cô Lê Thị Thu (tổ trưởng tổ Sử trường Nguyễn Tất Thành) kể: “Khi Vương tham gia giảng dạy đã đề xuất một cách tiếp cận mới. Cụ thể đó là "đa dạng nhận thức" lịch sử, trên cơ sở "tiếp cận với các sử liệu gốc", học sinh được hướng dẫn các kĩ năng phân tích, so sánh, phản biện, phê phán... nói cách khác các em được đóng vai là "nhà sử học nhỏ tuổi". Chương trình được triển khai, có ý này, ý kia nhưng học sinh thì "phát cuồng", phấn khởi, "làn sóng cải cách từ dưới lên" lan khắp trường. Cách tiếp cận mới này đã "phá băng" cho rằng học lịch sử chỉ là học thuộc lòng, con số, ngày tháng khô cứng”.

Nguyễn Quốc Vương: Dạy sử, cuốc đất và phơi sách ảnh 1 Quốc Vương là người mê sách.

Cuồng sách đi bán sách

Hai đợt làm nghiên cứu sinh của Nguyễn Quốc Vương đều diễn ra ở Nhật. Anh kể: mỗi lần di chuyển từ Nhật về Việt Nam những cuốn sách trở thành mối bận tâm hàng đầu sau sức khỏe của vợ con. Số sách ấy do anh tích lũy trong suốt mười năm học tập ở Nhật, có cuốn phải mua đắt bằng nửa tháng lương ở nhà.

Rất nhiều người cho hành động ấy của anh là điên khùng. Lần học xong cao học trở về anh gửi đường biển 5 thùng các-tông toàn sách. Phí gửi hồi đó mất chừng 20 triệu đồng tiền Việt Nam (lương anh lúc ấy ở Việt Nam là 1.8 triệu/tháng).

Hành trình sách trở về mất hơn một tháng. Về đến nhà, trước ánh mắt tò mò của ba ông anh bưu điện và một hai người hàng xóm đến chơi, Quốc Vương rút dao mổ tung tất cả các thùng lôi ra toàn sách “chữ nghĩa lổm ngổm như cua bò”. Một tuần sau, có một ông bác họ đến nhà chơi, sau khi biết “nghiên cứu sinh” chẳng mang gì từ Nhật về ngoài sách, ông chân tình bảo bố anh: "Thằng này học nhiều bị ngơ rồi chú! Nhật đầy máy móc thì không biết mang về bán mang sách về làm gì"?

Tính đến nay, Nguyễn Quốc Vương là tác giả của 6 cuốn sách, trong đó chủ yếu là sách về giáo dục, có một tập tản văn, và duy nhất một tập thơ thiếu nhi anh tự bỏ tiền in.

Anh bảo, giờ về quê nhiều người hay hỏi "cháu giờ làm gì?", "cháu làm đến chức gì rồi. Chắc làm to lắm có gì thì giúp đỡ con cháu ở làng nhé". "Mày đi nước ngoài bằng ấy năm lắm tiền thế mà cứ giả nghèo giả khổ đi xe đạp thế? Chơi con siêu xe đi". Xưa khi bị hỏi như thế thường anh gãi đầu, gãi tai không biết đáp thế nào hêt như khi ngồi xuống mâm cơm ở quê bị người làng mời rượu. Nhưng giờ anh đáp tỉnh bơ "cháu làm nghề bán sách và chơi sách". Anh bảo, giai đoạn này, ngoài dạy học sẽ chuyên tâm vào hai công việc mà anh thích: bán sách (chỉ bán những cuốn sách tự viết và dịch) và chơi sách (đọc, cho mượn miễn phí tại nhà).

Mới về Việt Nam không lâu, đường chưa thạo, vì thế mỗi lần “ra phố”, Quốc Vương sẽ thông báo trên facebook: hôm nay đi cung đường nào, trong ba lô có những cuốn sách nào, ai cần mua sách có chữ ký thì alô.

Có ngày, anh đi bộ 5km trong khói bụi, còi xe đinh tai nhức óc bán được bốn cuốn sách. Bù lại, có một khách hàng học sư phạm Toán đạp xe mồ hôi nhễ nhại đến chỉ để mua một cuốn lịch sử học.

Người thân than anh vất vả, Vương chỉ cười: cho vui thôi, chứ muốn mưu sinh thì có thể dịch tiếng Nhật là sống ổn!

Cuốc đất và phơi sách

Để cổ vũ cho văn hóa đọc tại quê nhà (Thôn Sấu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Quốc Vương đã lập riêng tủ sách tên là Đồi Chẹm hoan nghênh tất cả bạn đọc trong vùng đến mượn sách miễn phí (“trừ trường hợp tôi không dám chắc có trả lại sách cho tôi không” – chủ tiệm sách nói thêm).

Những ngày thảnh thơi mà Quốc Vương thích nhất là nhàn rỗi ở nhà đọc sách và phơi sách những hôm có nắng để chống ẩm mốc. Một việc yêu thích nữa của “thầy Vương” là làm những công việc đồng áng nặng nhọc.

Hồi còn là sinh viên sư phạm hay cả khi đã làm thầy giáo mỗi lần về quê gặp việc, anh đều vui vẻ đi gánh lúa cho mẹ. Những lúc đó, gặp người làng thế nào cũng có người cảm thán: "Người ta trốn chẳng được mày lại cứ thích làm mấy việc này".

Anh giải thích: làm những công việc của nhà nông có cái hay là tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên và tinh thần được tự do. Nhưng có lẽ rất ít người nông dân có ý thức mạnh mẽ để hưởng thụ cái sung sướng của tinh thần tự do ấy! Họ thích cái cảnh ngựa xe xe ngựa và chỗ ngồi làm sạch sẽ có vẻ mát mẻ của những người ở văn phòng. Cái đó vừa có lý vừa... vô lý mà chỉ có ai ngồi trong đó rồi mới hiểu nỗi khổ của mình.

Trong những năm đầu làm nghiên cứu sinh ở Nhật, có một năm Nguyễn Quốc Vương phải tự túc học phí và sinh hoạt vì kéo dài thời gian học tiếng. Khi đó, anh đã trải qua tất cả những công việc tay chân nặng nhọc nhất của những người lao động phổ thông ở Nhật. Vương từng làm bốc vác từ 9h tối đến 9h sáng hôm sau, công nhân ở nhà máy mì tôm, nhà máy cơm hộp, nhân viên văn phòng trực điện thoại v.v… Cho đến khi tiếng Nhật khá hơn, anh mới có thể nhận việc phiên dịch tiếng “vừa đỡ mất sức vừa lương cao”.

Có ngày, Nguyễn Quốc Vương đi bộ 5km trong khói bụi, còi xe đinh tai nhức óc bán được bốn cuốn sách. Bù lại, có một khách hàng học sư phạm Toán đạp xe mồ hôi nhễ nhại đến chỉ để mua một cuốn lịch sử học.

Không chủ trương tự dạy con ở nhà

Nguyễn Quốc Vương có con trai hai tuổi, và anh bảo sẽ cho con học trường công chứ không chủ trương tự dạy con ở nhà dù anh biết hệ thống giáo dục công ở Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề.

Anh bảo: Đối với giáo dục cần bình thản. Nếu bố mẹ tự học hỏi để có hiểu biết cơ bản về giáo dục cũng như có nhận thức xã hội tốt thì họ sẽ tự tìm được con đường tốt nhất cho con mình bất kể xung quanh người ta "lên đồng" thế nào đi nữa.

Người ta thế nào mình thế ấy là một tư duy cổ lỗ và ngớ ngẩn đơn giản vì mình khác người ta từ trong... trứng.

Mỗi đứa trẻ là một thực thể riêng, mỗi gia đình là một thế giới riêng và mỗi cá nhân có giá trị riêng.

Bản thân anh không bài xích nhưng cũng không cổ súy cho việc tự dạy con học ở nhà. Ý kiến của anh là: nếu bố mẹ muốn tự dạy con, hẳn phải có hiểu biết thực sự về giáo dục. Ngoài ra, bố mẹ cũng phải học hỏi không ngừng, và phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhà sư phạm, những người có chuyên môn, thậm chí các chuyên gia tâm lý v.v… Ngược lại sẽ chỉ chữa lợn lành thành lợn què.

MỚI - NÓNG