Nguyễn Quốc Ân và bài văn mang độ chín làm người

Nguyễn Quốc Ân và bài văn mang độ chín làm người
TP - Buộc phải viết bài tập làm văn “Em hãy kể những công lao của chính phủ quốc gia do quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo và so sánh với chính phủ Việt Minh cụ Hồ”, Nguyễn Quốc Ân cầm bút viết một mạch ca ngợi cách mạng tháng Tám...

Tình cờ, trong dịp về thị xã Hưng Yên làm phim Danh nhân đất Việt “Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh”, tôi được gặp cụ Nguyễn Văn Ngọc. Cụ là nhà giáo về hưu, năm nay ngoài 70 tuổi nhưng vóc dáng vẫn vững chãi, khỏe mạnh.

Cụ dẫn chúng tôi thăm đền Mẫu, đền Mây… sang sảng đọc những bài thơ chữ Hán khắc trên các bức Châm, bút tích của nhà thơ lãng mạn tài hoa họ Chu. Lúc ngồi trên xe chạy trên một con phố nhỏ, cụ Ngọc tự giới thiệu:

- Tôi là em trai anh Nguyễn Quốc Ân.

- Ô!… - Tôi ngạc nhiên – Đây chính là phố Nguyễn Quốc Ân. Ngày trước nhà mình có ở gần đây không?

Và tôi nhớ lại…

Cách đây 57 năm, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… là vùng quân đội viễn chinh Pháp tạm chiếm. Chúng dựng nên một chính phủ tay sai do Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cầm đầu. Nhưng lòng người dân vẫn hướng về chính phủ kháng chiến ngoài Việt Bắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Năm ấy (1951), Nguyễn Quốc Ân là học sinh trường thị xã (cấp phổ thông cơ sở hiện nay), tuy còn ít tuổi nhưng sống trong một gia đình yêu nước, đã hiểu thế nào là cách mạng, là phản động.

Cho nên một buổi vào lớp, buộc phải viết bài tập làm văn “Em hãy kể những công lao của chính phủ quốc gia do quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo và so sánh với chính phủ Việt Minh cụ Hồ” thì Nguyễn Quốc Ân cầm bút viết một mạch ca ngợi cách mạng tháng Tám, ca ngợi những anh bộ đội, du kích dũng cảm xông pha tiêu diệt ngoại xâm và thẳng thắn lên án bọn người mà anh gọi là cam tâm làm chó săn, Việt gian bán nước.

Ngay lập tức, Nguyễn Quốc Ân bị bắt giam, bị tra tấn bằng đủ mọi cực hình độc ác và đưa đi thủ tiêu. Để phi tang, chúng đã mổ bụng anh, nhét đá vào rồi vứt xác anh xuống sông Hồng.

Những năm ấy, phong trào bãi khóa, đấu tranh đòi quyền học tập, chống giặc bắt đi lính ngụy của học sinh, sinh viên vùng Pháp chiếm đóng rất sôi nổi. Tiếp theo những tấm gương yêu nước của Nguyễn Sĩ Vân (học sinh Chu Văn An – Hà Nội, năm 1948 cắm cờ trên đỉnh tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm, bị bắt đi đày chết tại trại giam Khe Tù ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Trần Văn Ơn (học sinh trường Petrus – Ký, bị bắn chết trên đường phố Sài Gòn trong cuộc biểu tình bãi khóa lịch sử ngày 9/1/1950), rồi Nguyễn Quốc Ân ở thị xã Hưng Yên… đã nêu gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần trung kiên bất khuất cho tuổi trẻ học đường noi theo.

Báo Nhựa Sống, một tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội, in thạch, in ronéo tồn tại suốt từ 1950 cho đến số cuối cùng in typo bìa 4 màu chào mừng ngày giải phóng Thủ đô tháng 10/1954.

Tôi nói với bác Ngọc:

-Tôi cũng là một học sinh kháng chiến Hà Nội, bị Pháp bắt giam trong nhà tù Hỏa Lò những năm 1952 – 1953. Tôi biết một chuyện…

Vừa nhớ lại, tôi vừa kể chậm rãi: Hai tên mật vụ trực tiếp sát hại dã man anh Nguyễn Quốc Ân vì mắc tội ăn hối lộ nên bị dân tố cáo, bị đưa từ Hưng Yên lên giam ở nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò vẫn có chi bộ đảng lãnh đạo nhiều hoạt động có tiếng vang như cuộc tổ chức vượt ngục của 7 tù tử hình trong đêm lễ Thiên chúa giáng sinh năm 1951 dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội.

Hồi ấy, nhận được thông báo về tội ác của hai tên mật vụ ác ôn ở Hưng Yên, tù nhân Hỏa Lò đã tổ chức phiên tòa xử tội chúng. Một trong hai tên bị tuyên án tử hình và để trả thù cho anh Nguyễn Quốc Ân đồng thời răn đe những tên Việt gian cực kỳ nguy hiểm, gây nhiều tội ác với đồng bào, án được thi hành ngay trong đêm.

Sáng hôm sau, ban đại diện tù nhân báo cáo với xếp đề lao có vụ đánh nhau chết người và hai anh, theo sự phân công của tổ chức, đứng ra nhận tội. Các anh bị phạt cùm tại xà lim cách ly. Sở mật thám Liên bang biết là người của chúng bị đánh chết nhưng chỉ có thể đưa ra tòa làm án, và hai người nọ, một anh bị 3 năm tù, một anh nhận mình chủ mưu, thêm 5 năm tù chồng lên án cũ tổng cộng 10 năm biệt xứ. Cả hai đều bị đày ra Côn Đảo.

Tờ nhật báo Tia Sáng của Hà Nội thời đó có đưa một tin ngắn về phiên tòa này, nói rõ người bị đánh chết chính là viên cảnh sát đã giết hại học sinh Nguyễn Quốc Ân, kín đáo thông tin cho dân chúng biết đây là một vụ án chính trị.

Cụ Ngọc nói cảm động:

- Gia đình chúng tôi không biết chuyện này. Phải cảm ơn hai người tù anh hùng ấy. Nhưng số phận viên cảnh sát độc ác còn sống thì… Hình như năm 1954 ông ta cùng gia đình di cư vào Nam.

Tôi nói:

-Hơn nửa thế kỷ xa cách rồi. Chuyện cũ lắm rồi.

Và nhìn anh phóng viên truyền hình đang thu vào ống kính hình ảnh thị xã hôm nay, đẹp đẽ, nhộn nhịp, khác hẳn cái tỉnh lỵ Hưng Yên năm 1942 tôi sống ở đây: nghèo nàn, lụp xụp.

Tôi nói thêm với cụ Ngọc:

- Trong quá khứ, có những chuyện nên quên, cần phải quên. Nhưng có những chuyện phải luôn luôn nhắc lại, mãi mãi ghi nhớ. Lịch sử phong trào học sinh sinh viên Việt Nam có tên Nguyễn Quốc Ân, thị xã Hưng Yên có đường phố mang tên Nguyễn Quốc Ân, cậu học trò 16 tuổi với bài tập làm văn mang độ chín làm Người.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.