Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình giao lưu ra mắt hồi kí tại TP.HCM

Tác giả Nguyễn Thị Bình ký tặng sách cho độc giả tại TPHCM
Tác giả Nguyễn Thị Bình ký tặng sách cho độc giả tại TPHCM
TPO - Sáng 3-7, tại Nhà sách của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (quận 1, TPHCM), diễn ra cuộc ra mắt cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của tác giả Nguyễn Thị Bình.

Đông đảo người đọc các thế hệ và đồng chí của bà đã tới dự buổi ra mắt của tác giả nguyên là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại cuộc Hòa đàm Paris, nguyên là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch nước. Đến dự cũng có nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà văn như nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu…

Mở đầu buổi giao lưu, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông là một trong những người đọc bản thảo đầu tiên khi nó thậm chí chưa hoàn thiện. Cuốn sách chứa những chi tiết chân thực về cuộc đời bà Nguyễn Thị Bình “Tác giả là cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, nhưng bà có cuộc đời tự lập, một thân mình lo cho cuộc sống cả gia đình và đi làm cách mạng”, nhà văn Nguyên Ngọc nói. “Thời kỳ hoạt động ở Sài Gòn, tác giả đã sống bằng nghề bán gạo ở chợ Tân Định, TPHCM. Khi thấy bọn Tây ức hiếp người trong chợ, bà đã dùng tiếng Pháp để bảo vệ đồng bào mình, do đó bà bị lộ, phải chuyển sang làm việc khác”.

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết rất cân nhắc về việc viết hồi ký. Bà bắt đầu viết hồi ký từ lần sinh nhật lần thứ 80. Trong hai năm, từ 2007-2009, mỗi ngày bà viết một đoạn. Tác giả cân nhắc từng dòng trong cuốn sách: “Năm 2009, mọi người khuyên nên in. Tôi đắn đo lắm . Viết phải đem lại lợi ích gì cho bạn bè, cho nhân dân, cho đất nước”.

Cuốn sách của Nguyễn Thị Bình được bố cục ba phần, như tên gọi của cuốn sách, từ gia đình, bạn bè và đất nước.

Nguyên Ngọc nhận xét tác giả cuốn hồi ký là “người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia và thuộc nhiều chế độ chính trị”.

Giáo sư Trần Văn Khê nói, trong thời kỳ ở Pháp, ông từng được bà Nguyễn Thị Bình mời đi ăn cơm và bà khuyến khích ông giới thiệu văn hóa Việt Nam ra cộng đồng thế giới. “Từ đó, tôi đã không giới hạn mình trong việc dạy nhạc trong trường đại học nữa, mà tích cực tham gia các sinh hoạt giáo dục âm nhạc và giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra khắp năm châu”. Khi Trần Văn Khê về nước, ông được bà Nguyễn Thị Bình mời ra Hà Nội bàn chuyện đưa giáo dục âm nhạc truyền thống vào trường phổ thông, nhưng ý tưởng này chưa triển khai được “vì vẫn là ý kiến thiểu số”.

Tác giả cho biết: “Tôi viết cuốn sách này cũng là để tri ân bạn bè quốc tế đã đóng góp không nhỏ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của đất nước Việt Nam”. Bà cũng nói: “Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một sự ủng hộ giúp đỡ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế. Đó là bài học vẫn còn mang tính thời sự”.

Ông Chu Hảo, Giám đốc Nxb Tri Thức, nơi chủ trì việc in cuốn sách nói tác giả Nguyễn Thị Bình, nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rất quan tâm đến việc cải cách giáo dục.

Dường như kế tiếp truyền thống của ông ngoại mình là nhà cách mạng, nhà văn hóa Phan Châu Trinh, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng xã hội muốn phát triển thì không thể không phát triển giáo dục và phải hình thành những con người trong sạch và yêu nước. Trong cuốn sách của mình, bà viết: “Hãy nhớ những bài học quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đi theo con đường đã chọn, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta”.

Gặp gỡ các bạn đọc phía Nam, với tư cách từng là đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam, bà Bình cho biết bà dành một số trang để viết về lực lượng thứ ba - những người yêu nước nhưng chưa vào mặt trận. “Lực lượng thứ ba có vai trò của nó. Theo suy nghĩ của tôi là không được quên ai, dù đóng góp nhiều hay ít”. Cuốn sách cũng có một số trang viết về ông Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Nguyên Anh

Theo Viết
MỚI - NÓNG