> Cha đẻ 'Lão kẹo Gôm' được săn đón
Tất nhiên mượn loài vật để nói về quan hệ giữa con người với nhau. Nhất là ở đây, quan hệ giữa mèo với chuột vốn điển hình về sự tương phản vị thế, về kẻ mạnh và kẻ yếu, về sự sinh tồn.
Thêm vào đó, có sự hiện diện của con người. Kẻ mạnh là mèo Gấu cũng có người để yêu, kẻ yếu là chuột Tí Hon không kém cạnh, và oái oăm thay, hai nàng thơ của hai con vật này đều tên Hoa- Áo Hoa và Út Hoa.
Đây chính là cái cớ để hai con vật hành xử khác thường trong quan hệ với xung quanh và đi đến đồng cảm với nhau.
Cái hóm hỉnh của Nguyễn Nhật Ánh - cũng là cái võ không lẫn với ai - là lồng ghép truyện tuổi mới lớn vào các nhân vật như mèo Gấu, chuột Tí Hon hay Út Hoa.
Chuột mới lớn cũng rung động đầu đời để rồi liều mạng vì khí khái, vì không chịu làm điều không đẹp. Tất cả xoay quanh chuyện “cái đẹp” và “chất thơ”.
Những vần thơ của mèo Gấu dành cho nàng mèo Áo Hoa cũng na ná vô số thơ sổ tay học trò nhưng trong truyện này hiện lên duyên dáng, bởi vì nó khiến ta tin! Thơ thì có thể gọi là thơ…... thẩn:
Bé yêu yêu đã ngủ chưa
Anh yêu yêu cũng mới vừa ngủ xong
Nến yêu yêu cháy trong phòng
Tình yêu yêu chảy trong lòng yêu yêu...
Nhưng đấy là sự ngu ngơ ăn người, hoặc ăn mèo/ chuột tùy ngữ cảnh, theo một cách dùng từ ngữ kiểu Nguyễn Nhật Ánh đã chế tác “sống ác như thế thì mất hết cả tính chuột”!
Một câu chuyện dễ đi vào lối mòn nhưng tác giả vẫn chứng tỏ mình là nhà kể chuyện thông minh, để kết cục diễn ra có hậu mà vẫn thuyết phục, không bị vội hay gượng ép. Cuốn sách khá mỏng nhưng có một triết lý thấp thoáng về cách nhìn đời, khoan thai từ tốn với giọng cười nhè nhẹ.
Văn Nguyễn Nhật Ánh đẹp, mộng mơ và giàu cảm xúc. Những từ ngữ gần cuộc sống nhưng không rơi vào giễu nhại suồng sã, đôi chỗ gợi lên những từ là lạ, đủ khiến người đọc trẻ liên tưởng về những miền đất phiêu lưu đã được đọc ngày bé.
Cuốn sách dù gây cảm giác nhàn tản tiêu dao nhưng ẩn chứa một cái nhìn sắc sảo về sự chênh lệch giàu nghèo, về sự bất công và bình đẳng, về tự do và tình yêu, về biết bao điều phức tạp trong cuộc đời này.
Cái nhìn của Tí Hon về thế giới rộng lớn cũng hệt chúng ta thời mười mấy tuổi, tự tin dễ sợ mà cũng thảng thốt âu lo vô cùng. Vì sao tên truyện lại là “ngồi bên cửa sổ”?
Bởi vì không phải vô cớ mà từ những ô cửa thơ ấu, Tí Hon, mèo Gấu, công chúa Dây Leo... và chúng ta hồi ấy đều nhìn thấy những cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ. Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa… (Thời hoa đỏ, thơ Thanh Tùng)