Nguyên nhân TPHCM không muốn lập siêu sở

Nguyên nhân TPHCM không muốn lập siêu sở
TP - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo một số sở liên quan không đồng tình với đề xuất sáp nhập thành “siêu sở”.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho biết quản lý nhà nước của từng sở đôi khi vẫn còn chồng chéo. Đơn cử như quản lý đường giao thông. Đoạn qua khu vực nội thành thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng, ra đến ngoại ô là của …Sở Giao thông Vận tải. Tuy nhiên ông Hùng cho rằng nếu vì lý do chồng chéo mà sáp nhập các sở lại thành siêu sở thì cần hết sức cân nhắc. Hoạt động của các sở ở TPHCM đã đi vào nền nếp, khối lượng công việc và đối tượng quản lý của mỗi sở rất lớn, tính chất phức tạp.

Đơn cử như tại Sở Xây dựng, trong ba năm, từ 2014 -2016, sở đã cấp trên 200.000 giấy phép xây dựng (bình quân 70.000 giấy phép/năm). Sở bắt đầu triển khai dịch vụ công cấp độ 3, cho phép doanh nghiệp và người dân làm hồ sơ qua mạng để đơn giản quy trình cấp phép từ 3 bước còn một bước (ba trong một), rút ngắn thời gian cấp phép từ 136 ngày xuống còn 48 ngày. Ngoài nhiệm vụ đang thực thi, từ nay đến năm 2025, Sở Xây dựng còn phải tập trung thực hiện công tác di dời, tái bố trí hơn 20 nghìn hộ dân sống trên và ven kênh rạch, cải tạo, xây mới 375 chung cư cũ xuống cấp...

“Nhiệm vụ của Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải cũng rất nặng nề. Khối lượng công việc tăng, ngày càng nhiều nhưng biên chế ngày càng giảm. Do áp lực công việc quá lớn nên từ chỗ có 5 phó giám đốc, Sở Xây dựng hiện chỉ còn ba người. Hai phó giám đốc sở lần lượt xin vào diện tinh giản biên chế nhưng không được vì năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xin mãi không được, một người phải xin nghỉ việc, một người xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe”, ông Hùng nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết: TPHCM nhiều lần bị “vấp” vì sự thay đổi chính sách từ trung ương dẫn đến ách tắc trong thực hiện. Đơn cử như công tác quản lý đất đai. Trước kia, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đặt tại 24 quận huyện. Sau này, trung ương yêu cầu sáp nhập, chỉ còn một văn phòng duy nhất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. “Việc sáp nhập dẫn đến việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện tập trung về sở. Nếu công tác này không gắn với chính quyền địa phương thì sẽ ách tắc. Đó l à lý do dẫn đến bồi thường giải toả chậm, quy hoạch treo, dự án chậm triển khai…”, ông Lắm nói.

Làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 27/3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng việc sáp nhập các sở sẽ hình thành “siêu sở” và gây ách tắc trong giải quyết công việc.

Trong khi đó, trao đổi về đề án hợp nhất một số cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, thành phố Bộ Nội vụ đề xuất, đại diện một Ban Quản lý Dự án của thành phố Hà Nội cho rằng, việc hợp nhất lúc đầu có thể gặp phải nhiều khó khăn nhưng là điều cần thiết, đảm bảo cho việc triển khai các kế hoạch của thành phố diễn ra thông thoáng hơn. Vị này cho biết, điều khó nhất khi thực hiện sáp nhập nhiều đơn vị vào với nhau là công tác sắp xếp cán bộ sau sáp nhập.

MỚI - NÓNG