Nguyễn Huy Thiệp - Còn đó hương thiền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với hai tác phẩm tiêu biểu là truyện ngắn “Tướng về hưu” và tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát”. Tất nhiên, đây là những tác phẩm tiêu biểu của ông, còn người yêu văn Nguyễn Huy Thiệp nhớ đến ông với rất nhiều truyện đặc sắc khác. Trong đó, có khá nhiều câu chuyện, chi tiết đậm màu Phật giáo.

Nghe tin Nguyễn Huy Thiệp nhận được giải thưởng cao quý, những người yêu mến ông chắc đều cảm thấy hài lòng, và lại thầm nhắc với nhau về những truyện ngắn đặc sắc của ông. Đó là những truyện ngắn tạo dựng một lối đi riêng, không hề giống bất cứ tác giả nào khác, với những dòng văn có vẻ rất “dửng dưng” khi mô tả về cái ác, về cái chết, về luật Nhân – Quả mà người gieo rắc cái ác thường phải lĩnh hậu quả nặng nề… nhưng ẩn đằng sau những dòng văn đó, vẫn khơi gợi trong độc giả lòng trắc ẩn về nhân tính ở mỗi người.

Nguyễn Huy Thiệp không viết về tôn giáo, nhưng trong truyện của ông, luôn có mạch của “đạo” chảy ở trong. Có người nói, Nguyễn Huy Thiệp “trước Phật, sau Trang”. Phần ông Thiệp theo Trang Tử phía sau không được thể hiện rõ lắm, như trong truyện “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, có những Trang Sinh, Hồ Điệp xuất hiện khá mơ hồ, nhưng trong những truyện ngắn hay nhất của ông thời 10 năm đầu, thì triết lý Phật giáo, Thiền, xuất hiện rất thường xuyên.

Nguyễn Huy Thiệp - Còn đó hương thiền ảnh 1

Điển hình nhất, có lẽ chính là truyện ngắn “Sang sông”. Câu chuyện đọc xong, cảm giác như vừa đọc một “công án thiền”, mà chỉ cần nghe câu thành ngữ “đánh chuột vỡ bình” là được giác ngộ vậy! Độc giả chắc sẽ luôn nhớ đến chi tiết cuối truyện, khi chứng kiến cảnh hành động của tên tướng cướp cứu được tính mạng cháu bé, nhà sư cũng không còn muốn sang sông, ông nói với chị lái đò một câu mà chắc chị chẳng thể nào hiểu nổi:

- Không sao! Muốn đi là được. Ngày xưa, đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên một cọng cỏ cơ mà...

Và khi nghe tiếng chuông ngân nga êm đềm, nhà sư đã thầm thì đọc câu thần chú:

- Gate gate! Para gate! Para para san gate!

Câu thần chú ấy nguyên bản là “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”, mà âm Hán Việt gần gũi hơn: “Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha”. Nghĩa là: “Qua rồi, qua rồi, qua bờ rồi, qua bờ hết rồi, giác ngộ rồi, vậy đó!”. Và đó chính là câu cuối cùng của Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh là lời dạy cốt lõi thiêng liêng về trí tuệ tối hậu đưa chúng ta vượt sông vô minh để đến bờ giác ngộ. Đó cũng chính là ý nghĩa tổng thể của truyện ngắn “Sang sông” mà chúng ta có thể “Ngộ” ra.

Nói đến kinh Phật, chúng ta lại nhớ đến truyện “Không có vua”. Khi chứng kiến lão Kiền đau đớn vì u não, bà Hiền đã bắt Khiêm đèo lên phố, đến nhà bà bạn để chép kinh Vô thường. Khiêm mang kinh về, bảo Đoài, người anh trí thức làm công chức ở Bộ Giáo dục: “Anh giỏi chữ, anh đọc đi”. Nhưng Đoài không đọc được, cuối cùng chỉ mỗi anh đồ tể Khiêm là đọc kinh suốt đêm bên bố.

Cả đoạn văn thể hiện sự màu nhiệm của kinh Vô thường với linh hồn người sắp chết:

“Lão Kiền lúc đầu vật vã, rồi nằm yên. Mười một giờ đêm, mọi người đi ngủ. Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại. Đại ý bài kinh xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho người sống chịu, lời lẽ khó hiểu. Suốt đêm Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng. Đến bốn giờ sáng hôm sau, lão Kiền tắt thở, trên môi thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền lành, trung hậu. Khiêm vuốt mắt bố rồi vào gọi Cấn”.

Đặc biệt, trong một truyện ngắn “sặc mùi”, là “Chuyện ông Móng”, thì triết lý Nhân – Quả của đạo Phật được thể hiện rõ nét nhất. Anh lính Móng, vì muốn chiếm đoạt sự trinh trắng của cô gái Chăm, đã thề thốt trước linh vật Linga:

- Nếu tôi không chung thuỷ với em thì suốt đời tôi đi hót cứt!

Và tất nhiên, lão quên ngay lời thề. Rồi từ đó, cả đời lão ngập trong đống phân, nhưng lại với một tinh thần tình nguyện, say mê, không vụ lợi.

Nguyễn Huy Thiệp lý giải điều cặn kẽ này qua lời bàn của một nhà sư, về nhu cầu sám hối của con người:

- Sám hối vẫn thường là một nhu cầu tâm linh của người ta khi đã về già. Thế nào gọi là sám? Thế nào gọi là hối? Sám có nghĩa là ăn năn về những lỗi lầm mình đã phạm từ trước. Các nghiệp ác, các tội ngu si mê chấp, kiêu ngạo khinh mạn... hoàn toàn xin ăn năn hối lỗi, từ nay về sau không còn gây ra nữa. Thế gọi là sám. Hối có nghĩa là hối cải những điều lỗi có thể phạm phải sau này. Các nghiệp ác, các tội ngu mê, kiêu ngạo, ngông cuồng, ghen ghét... đã được giác ngộ sẽ phải dứt bỏ hẳn, không gây ra nữa. Thế gọi là hối, gọi chung là sám hối. Kẻ phàm phu mê chấp chỉ biết ăn năn những tội lỗi đã phạm phải từ trước mà không biết hối cải những tội lỗi về sau của mình thế là tội trước chưa diệt, lỗi sau lại sinh, vậy chưa thể gọi là sám hối được. Mỗi một thiện trí thức phải nung nấu lắm!

Trong truyện “Quan Âm chỉ lộ”, Nguyễn Huy Thiệp hài hước viết bằng tiếng Anh: “Kiểm đúng là Quan Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn “save from misfortune and danger””. Cuối truyện, khi được giải oan, ông viết: “Trên khuôn mặt Quan Thế Âm Bồ tát hình như có một giọt nước mắt trong veo lăn xuống khóc cho số phận trớ trêu của mỗi con người”.

Trong “Thương nhớ đồng quê”, kể chuyện tìm đạo của sư Thiều, ông Thiệp cho nhân vật đi du phương nhiều nơi, tìm hiểu qua nhiều bậc thiện tri thức nhưng chẳng ngộ. Sư Thiều nói: ”Nay Phật ở nơi không có Phật” rồi tự làm chùa thờ Phật. Sư kết luận: “Phật dạy con người tu một cách thực tế, tìm lại bản lai diện mục của mình, Phật quá thực tế nên không phải ai cũng hiểu”.

Còn trong “Những bài học nông thôn”, triết lý đạo Phật được thể hiện đơn giản qua lời kể của bà Lâm: “Sáng nào tôi cũng đi chùa, lạy Phật tổ Như Lai cho chết mà Ngài cứ lắc đầu, Ngài chưa nhận. Chung quy vì tôi mải lam mải làm, đáng lẽ ngày xưa tôi phải chơi vung tàn tán thì đâu đến nỗi… Còn tôi, cả đời chỉ biết mỗi một con b., mang tiếng thủy chung đức hạnh, chẳng biết báu cho ai, chỉ biết về già sống lâu khổ con khổ cháu”.

Cuối cùng, Nguyễn Huy Thiệp thể hiện Phật tính rõ nhất trong nhân vật chị Thắm của truyện ngắn “Chảy đi sông ơi”, người đã cứu không biết bao nhiêu người chết đuối, khi nghe chú bé trách bọn đánh cá đêm độc ác, chị nói với em một câu đầy tinh thần bác ái: “Đừng trách họ thế… Có ai thương họ đâu”.

Nhận ra rằng “có ai thương họ đâu”, nên Nguyễn Huy Thiệp vẫn để lại những lời nhắc nhở “đừng trách họ thế…”, một lời dặn tuy không phải là lời Phật nhưng chứa đầy tính Phật!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.