Nguy hiểm khi phát ấn bị thổi thành tín ngưỡng

Khai ấn và phát ấn hiện nay được đẩy thành tín ngưỡng, các chuyên gia đề nghị các cấp cần vào cuộc để dẹp loạn.
Khai ấn và phát ấn hiện nay được đẩy thành tín ngưỡng, các chuyên gia đề nghị các cấp cần vào cuộc để dẹp loạn.
TP - Biến tướng của lễ hội được nhắc đến hiện nay bên cạnh sự cuồng tín của người dân còn là sự thương mại hóa, trục lợi. Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo sự nguy hiểm của hiện tượng, phong trào phát ấn tràn lan, thậm chí bị đẩy lên thành tín ngưỡng.

Núp bóng truyền thống

“Phát ấn ngày xưa là nghi thức mang tính văn hóa. Chẳng hạn đầu năm mới quan lại có nghi thức khai ấn đầu xuân, tự mình khai ấn để khởi đầu năm mới cho công việc hanh thông. Nhưng khoảng chục năm gần đây khai ấn được đẩy lên trở thành tín ngưỡng. Ban đầu chỉ là mượn nghi lễ khai ấn, nhưng họ nhanh chóng đẩy lên thành nghi lễ thuộc thành phần trung tâm của lễ hội”, TS Trần Trọng Dương nói. Đáng nói nhất là lễ hội đền Trần được thổi phồng và nâng cấp trong hơn chục năm trở lại đây, dẫn đến sự ăn theo của nhiều đền Trần ở Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng.

“Theo tôi được biết, nhiều nhà chuyên môn lịch sử, khảo cổ, văn hóa và khoa học mỹ thuật chưa thấy có bằng chứng thực sự rõ ràng nào trong chính sử hay ngoại sử cho cái chúng ta đang gọi là truyền thống khai ấn”, nhà thư pháp và khắc ấn triện Xuân Như nói. TS Nguyễn Hồng Kiên còn thẳng thắn gọi nghi lễ khai và phát ấn là sự xuyên tạc lịch sử. Thế mà Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức lồng ghép khai ấn vào lễ khai bút đầu xuân từ năm 2014. Việc này chẳng những góp phần đưa khai và phát ấn trở thành phong trào thậm chí thành bệnh dịch, mà một số nhà chuyên môn phát hiện lỗi chính tả khắc trên ấn.

Còn nhớ năm ngoái Hoàng thành Thăng Long thử nghiệm khai ấn mảnh gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong một đợt khai quật, sau có hẳn hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành và giới nghiên cứu sử, khảo cổ và Hán Nôm. Bên cạnh nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt về tính xác thực của mảnh gỗ này, GS Phan Huy Lê và các chuyên gia khác phản đối chuyện khai ấn, phát ấn ở Hoàng thành, bởi không có sử liệu ghi chép lại càng không thể để lặp lại sự hỗn loạn như ở đền Trần.

TS Trần Trọng Dương trao đổi với Tiền Phong rằng mới đây anh có bài viết chuyên sâu về “Sắc mệnh chi bảo” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đặt hàng, theo đó sau khi khảo sát khoảng 15 triệu lượt chữ viết từ khoảng 1.500 năm trở lại đây cho thấy mảnh gỗ này “rất khó có thể là thời Trần”. Theo anh, tới nay chỉ còn hai chiếc ấn đời Trần, một chiếc ấn đồng Môn Hạ sảnh ấn, một chiếc còn lại lưu lạc ở Trung Quốc. Môn Hạ sảnh ấn là chiếc ấn đồng tạo tác năm 1377 thời vua Trần Duệ Tông, mới đây được công nhận Bảo vật quốc gia và lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chiếc ấn này cũng được nhắc đến trong cuốn sách Ấn chương Việt Nam của PGS.TS Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là cuốn sách đầu tiên về ấn chương Việt Nam, bước đầu công bố các sưu tập ấn chương Việt Nam từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19, kết quả nghiên cứu giới thiệu những quả ấn điển hình và những hình dấu tiêu biểu ở hệ thống ấn chương thu thập được.

Hướng đến giá trị thật

TS Trần Trọng Dương nói anh biết chắc chắn có hiện tượng đóng hẳn container chở các lá ấn vào phía Nam để bán cho những tín đồ. “Việc khai ấn, phát ấn như thế được thể hiện qua hai hình thức. Thứ nhất là thương mại hóa, đó là khi lá ấn dùng để bán và phát lộc. Thứ hai là khía cạnh tương tác của tín ngưỡng phát ấn đương đại với hiện tượng sân khấu hóa, chính trị hóa các lễ hội truyền thống”, TS Dương nói. Anh nói thêm, nhiều khi người ta núp đằng sau danh từ “lễ hội truyền thống” và biến nó thành công cụ để vừa đạt được mục đích kinh tế, lại vừa mở rộng tầm ảnh hưởng của địa phương.

Người ta đồn đại rồi thổi phồng quan niệm ấn đền Trần là “thăng quan tiến chức” “cầu tài cầu lộc”, nên một bộ phận càng đổ dồn về đây. Nhà thư pháp Xuân Như cho rằng khi cuộc sống khó khăn, nhiều giá trị xã hội dễ bị thay đổi và biến tướng. “Khi chưa có định hướng rõ ràng con người ta bằng bản năng muốn tìm sự cân bằng, khi chưa biết cậy vào đây thì yếu tố tâm linh giúp họ giải quyết tốt vấn đề này. Tuy nhiên đó là suy nghĩ không tích cực, tại sao không dựa vào năng lực của bản thân và những thứ thiết thực khác thay vì lực lượng siêu nhiên”, anh nói.

Nhiều chuyên gia văn hóa khẩn thiết mong quan chức không nên tham gia lễ hội mang tính chất như khai ấn, phát ấn hoặc không dự hội với tư cách lãnh đạo. Sự lo ngại này có căn cứ bởi các chuyên gia nhận thấy nhiều người coi ấn như dạng bùa mang lại tài lộc, quyền lực cho con người khiến không thể kiểm soát sự tràn lan của tín ngưỡng phát ấn. “Cần cân nhắc việc phát ấn, phải có chính sách và thiết chế quản lý cụ thể bởi nó thành bệnh dịch và ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, đời sống lễ hội và chỉ một nhóm người được hưởng lợi”, TS Trần Trọng Dương nói. Thư pháp gia Xuân Như còn nhấn mạnh: “Cần cẩn trọng, cần sự vào cuộc của những người có chuyên môn chứ không thể vội vã. Không nên mượn danh văn hóa truyền thống làm những việc chưa được giám định và công nhận. Nếu các cấp xử lý không khéo nó dễ biến tướng như lễ hội, phải làm dần dần mới dẹp yên được và đưa nó trở về đúng bản chất”, anh nói.

Thư pháp gia Xuân Như kể từng nhận được lời đề nghị khắc ấn để người ta đem ra khai và phát ấn, tuy nhiên anh từ chối vì không chấp nhận tiếp tay cho hành động này. Anh hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khắc triện, thư pháp với mong muốn “hướng đến giá trị thực tế rõ ràng, hướng tới nghệ thuật”. Anh hy vọng trở thành một trong những người đầu tiên đưa nghệ thuật ấn chương Việt Nam trở lại.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.