Nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với việc xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye tiếp tục gây chú ý. Cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc rằng một khi nhà máy điện hạt nhân bị hư hại do các cuộc tấn công, có thể dẫn đến thảm họa khôn lường.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở đông nam Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga ngày 11/8 đã bị pháo kích lần thứ hai sau vụ đầu tiên hôm 7/8. Cả Nga và Ukraine đều xác nhận vụ việc, nhưng tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Công ty Điện hạt nhân Quốc gia Ukraine cùng ngày 11/8 cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và khu vực lân cận đã bị pháo kích liên tiếp trong cùng ngày. Ít nhất 5 quả đạn rơi gần văn phòng và 5 quả khác cạnh trạm cứu hỏa, gần tổ máy phát điện đầu tiên. Vụ tấn công khiến một đám cỏ bốc cháy, nhưng đã được kiểm soát.

Nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Ukraine ảnh 1

Toàn cảnh Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye

Ngoài ra, không có thương vong và mức độ phóng xạ tại nhà máy vẫn trong giới hạn bình thường. Nhưng công ty cũng cảnh báo rằng “tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, do sự cố xảy ra gần khu vực tiếp giáp và kho chứa vật liệu phóng xạ, làm một số cảm biến bức xạ bị hư hỏng.

Phía Nga cũng thông báo nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã bị tấn công và nói quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng và pháo hạng nặng để thực hiện vụ tấn công. Ông Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ Quốc gia Nga cho biết, ngày hôm đó quân đội Ukraine đã nã pháo từ hướng Nikopol ở Đông Nam Ukraine tới. Tuy nhiên, dưới sự bảo vệ của quân đội Nga, cuộc tấn công không gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng của nhà máy và hoạt động của lò phản ứng không bị gián đoạn, nhưng thiết bị nhiệt điện và đài phun nước của hệ thống làm mát của nhà máy đã bị hư hỏng.

Đồng thời, cộng đồng quốc tế đã quan ngại sâu sắc về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn trong ngày 11/8 để thảo luận về tình hình, lưu ý thiệt hại đối với nhà máy điện hạt nhân có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và kêu gọi áp dụng các biện pháp làm giảm căng thẳng. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ ra rằng nhà máy điện hạt nhân bị hư hại có thể “dẫn đến thảm họa” và tác động có thể rộng hơn. Ông kêu gọi đạt được “thỏa thuận khẩn cấp về một ranh giới an toàn phi quân sự ở cấp độ kỹ thuật”.

Tổng giám đốc Cơ quan nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói tình hình gần đây “xấu đi nhanh chóng đến mức rất đáng lo ngại”. Mặc dù hiện tại dường như không có một mối đe dọa an toàn hạt nhân trực tiếp nào, nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng và “tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào”. Ông Grossi cũng chỉ ra rằng 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã có sự đồng thuận về việc duy trì an ninh hạt nhân. Ông một lần nữa kêu gọi cho phép các nhân viên của IAEA vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye sớm nhất để kiểm tra.

Trương Quân, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, phát biểu tại Hội đồng Bảo an ngày 11/8 nói Bắc Kinh rất quan tâm đến sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân ở Ukraine và vô cùng quan ngại về cuộc tấn công gần đây vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11/8 cho biết chú ý đến “giao tranh nguy hiểm” xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và ủng hộ các lời kêu gọi thiết lập một “khu phi quân sự” trong khu vực.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nằm cạnh sông Dnepr ở thành phố Energodar, tỉnh Zaporozhye, Ukraine, được xây dựng từ thời Liên Xô và có 6 lò phản ứng. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Ukraine và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Châu Âu. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm nay, nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye do quân đội Nga kiểm soát, nhưng nó vẫn đang được Công ty điện hạt nhân Quốc gia Ukraine vận hành, khu vực Zaporozhye cũng bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine ở cấp độ chính trị.

Theo báo chí Nga, lãnh đạo tỉnh Zaporozhye, Baritsky mới đây đã ký lệnh tổ chức “cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo động thái này có thể đóng lại cánh cửa đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Với vị trí chiến lược quan trọng, khu vực Zaporozhye gần đây đã trở thành điểm nóng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Từ tháng trước, các cuộc tấn công đã xảy ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Theo bản tin của Russia Today ngày 20/7, hôm đó nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã bị máy bay không người lái tự sát của Ukraine tấn công khiến 11 nhân viên của nhà máy bị thương, tòa nhà văn phòng bốc cháy, nhưng nhà máy không bị hư hại. Phía Nga cho rằng mục đích của quân đội Ukraine là uy hiếp người dân địa phương, đặc biệt là các nhân viên nhà máy.

Kể từ đầu tháng 8, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nóng lên trở lại, Nga và Ukraine cáo buộc nhau thực hiện các cuộc tấn công. Một số ý kiến chỉ ra rằng, cho dù trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài hơn 5 tháng, hay trong các hoạt động quân sự khác trong những năm gần đây, rất hiếm khi gây nguy hại cho các nhà máy điện hạt nhân, đây có thể là một sự leo thang nguy hiểm.

Tuy nhiên, do Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau nên cuộc tấn công rơi vào tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Ông Peskov, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga ngày 8/8 nói, Nga hy vọng “những quốc gia có ảnh hưởng tuyệt đối đối với các nhà lãnh đạo Ukraine” có thể ngăn chặn các cuộc pháo kích nguy hiểm của quân đội Ukraine. Phía Ukraine lại cáo buộc Nga mưu đồ quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, biến nó thành một “pháo đài chiến đấu”, nhưng Nga đã thẳng thừng bác bỏ.

MỚI - NÓNG