Nguy cơ sập cầu Long Kiểng từng được cảnh báo

Nguy cơ sập cầu Long Kiểng từng được cảnh báo
TPO - Gần hai tháng trước, tiếp xúc với Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhiều cử tri huyện Nhà Bè đã từng lưu ý hiểm hoạ sập cầu Long Kiểng làm nhiều người đi đường rơi xuống sông và đến nay cảnh báo này đã thành sự thật.

Đến rạng sáng nay (20/1), lực lượng người nhái vẫn còn tìm kiếm những nạn nhân có thể rơi xuống sông sau khi cây cầu Long Kiểng bị sập do xe ben chở đá vượt gấp nhiều lần tải trọng cố tình lưu thông qua cầu.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cũng có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn và sửa chữa cầu nhằm phục vụ nhu cầu đilại của người dân.    

Điều đáng nói, hiểm hoạ sập cầu đã từng được người dân cảnh báo nhiều lần. Gần đây nhất là vào ngày 29/11 khi Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Huỳnh Văn Mẫm (ngụ xã Phước Kiểng) phản ánh tại hai xã Nhơn Đức và Phước Kiểng còn 4 cầu sắt xây từ thời Pháp xuống cấp nghiêm trọng, tải trọng chỉ còn 2,5 tấn. Ngày ngày đi qua cầu sắt Long Kiểng cứ bần bật rung lên vì xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Mẫm cảnh báo đường Lê Văn Lương thường xuyên kẹt xe. Trên cầu Long Kiểng, hàng trăm chiếc xe đi tới không được, đi lui không xong, đứng một chỗ. Phụ nữ qua cầu mặt mày xanh lét, chỉ sợ cầu sập rơi xuống sông.

“Người dân lo lắng khi đi những cây cầu này, sợ không biết sập lúc nào, nhất là lúc kẹt xe cả ngàn người đứng ở trên cầu”, ông Mẫm bày tỏ.

Còn cử tri Võ Ngọc Dũng (xã Nhơn Đức) thì bức xúc bày tỏ, rằng TPHCM dẫn đầu kinh tế cả nước nhưng 4 cây cầu sắt cũ kỹ, nguy hiểm thì mãi không làm nổi. “Lỡ sập cầu, tính mạng người dân ai chịu trách nhiệm”, ông Dũng bức xúc bày tỏ.

Theo Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu, trong 4 cầu yếu cử tri phản ánh, cầu Phước Lộc đang được duyệt giá bồi thường, sau khi bồi thường sẽ thi công.

Dự án ảnh hưởng đến 88 hộ ở 2 bờ thuộc xã Phước Kiển và Phước Lộc, trong đó có 26 hộ đồng tình, các hộ chưa chịu do giá bồi thường thấp, xã sẽ vận động thuyết phục.

Riêng cầu Long Kiểng đã hoàn chỉnh thiết kế, Sở GTVT đã giao ranh mốc để huyện bồi thường, 6 tháng sau bàn giao mặt bằng và dự kiến trong Quý II/2018 Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 sẽ thi công.

Cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi trước đây dự kiến sẽ đầu tư bằng nguồn vốn BT nhưng hiện bị gián đoạn nên huyện làm việc với Sở GTVT đồng ý kiến nghị sử dụng ngân sách TP để xây dựng 2 cây cầu này để chủ động về nguồn vốn.

Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè gửi danh sách tất cả dự án đầu tư, bao gồm cả những dự án chưa làm nhưng đã hết hiệu lực để sắp tới Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc với UBND TPHCM tìm hướng giải quyết.      

Bí thư Thành uỷ chỉ đạo đến tháng 4/2018, UBND TPHCM, các đơn vị liên quan có hướng xử lý và thông tin đến người dân. Đến tháng 5/2018 giải quyết cơ bản những vấn đề về đền bù, không để người dân bức xúc.

Chưa đến hạn giải quyết thì nguy cơ sập cầu Long Kiểng đã thành sự thực. Rất may, đến thời điểm này vẫn chưa có ghi nhận thiệt hại về người.

MỚI - NÓNG