Nguy cơ phá đáy

Nguy cơ phá đáy
Với 5 phiên giảm điểm liên tục, VN-Index của sàn HoSE đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của mức đáy thấp nhất 313,63 điểm - ngày 28/10 vừa qua và HaSTC-Index của sàn HaSTC với đáy 98,86 điểm.
Nguy cơ phá đáy ảnh 1
VN-Index của sàn HoSE đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của mức đáy thấp nhất.

Bên nắm giữ CK bắt đầu có biểu hiện mất kiên nhẫn khi lượng bán sàn tăng cao.

Chứng khoán Mỹ hốt hoảng

TTCK Mỹ đang phản ứng trước những động thái mới liên quan đến chính sách hỗ trợ các tập đoàn sản xuất xe hơi vốn đang gặp khó khăn, khi có quá nhiều quan điểm trái ngược của các nghị sĩ hai đảng tại phiên điều trần hôm 19.11 (giờ Mỹ).

Ba đại gia trong ngành công nghiệp ôtô của Mỹ là General Motors, Ford Motor và Chrysler LLC đang hi vọng có được khoản "cứu trợ" khẩn cấp trị giá 25 tỉ USD từ chính phủ. Tuy nhiên, kết thúc 2 ngày điều trần, cả ba đại gia đã phải ra về tay trắng khi quốc hội bác bỏ kế hoạch bỏ phiếu trong tuần này.

CK Mỹ ngày 19.11 đã có ngày tồi tệ nhất trong vòng 5 năm gần đây, khi chỉ số Dow Jones xuyên thủng mức đáy 8.000 điểm - vốn được lập cuối tháng 10 vừa qua khi "đại kế hoạch" 700 tỉ USD được thông qua.

Thông tin xấu đến với ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Mỹ đã giáng mạnh vào TTCK, khi các CP ngành này chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường. CP của General Motors giảm 10%, trong khi CP của Ford Motor giảm 25%. Hàng loạt CP ngân hàng lớn cũng mất giá khủng khiếp như Citigroup giảm 23%, Bank of America giảm 14%, JPMorgan giảm 12%.

Các TTCK chính trên thế giới cũng đỏ rực từ Âu sang Á. CK Nhật kết thúc ngày 20.11 giảm 6,89%. CK Hồng Kông giảm 4,04%. CK Châu Âu mở cửa ngày 20.11 cũng không có hi vọng khi rớt trên 2% với FTSE 100 của Anh và các thị trường Pháp, Đức đều giảm trên 3%.

Sát đáy

TTCKVN mở cửa ngày 20/11 trong tình trạng tiêu cực sau chuỗi 5 phiên liên tiếp giảm trên sàn HoSE. VN-Index mở cửa đã mất 10,33 điểm, mặc dù giá trị giao dịch đã được cải thiện với 80,37 tỉ đồng, cao gấp đôi phiên trước. Tuy nhiên, diễn biến tồi tệ nhất lại diễn ra trong đợt khớp lệnh liên tục sau đó khi bên mua kiên quyết chỉ đặt giá sàn.

Mọi tâm điểm của thị trường chú ý vào STB của NH Sacombank, khi hoạt động mua lại 25 triệu CP quỹ được tiến hành từ hôm 18.11. STB không chỉ là CP dẫn dắt thị trường mà còn là chỉ báo tâm lý khi NH này tung ra tới trên 500 tỉ đồng mua CP quỹ. STB được mua tối đa 1,25 triệu CP/phiên, tức là khoảng 1/5 lượng bán ra trung bình 5 phiên.

"Chiến sự" đã thực sự xảy ra tại STB khi trên 1,2 triệu CP chặn mua giá sàn sau đợt khớp lệnh mở cửa bị giải quyết rất chóng vánh chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, với khoảng 40 lệnh bán khối lượng tối đa 19.000 CP/lệnh và một số lệnh bán nhỏ hơn. STB chấp nhận giảm sàn lúc đóng cửa và vẫn còn dư bán khoảng 358.000 CP. Việc bán ra mạnh của STB khiến NĐT cảm thấy bối rối vì theo tâm lý thông thường, việc mua lại CP quỹ với khối lượng quá lớn như vậy sẽ khiến NĐT găm giữ hơn là tháo chạy mạnh mẽ như vậy.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,15 điểm, nhưng biên độ giảm mạnh nhất là 11,99 điểm do ảnh hưởng từ hoạt động bán ra mạnh mẽ với một số blue-chips khác tại giá sàn. Rơi xuống mức 325,74 điểm, VN-Index đang đứng trước ngưỡng hỗ trợ của ngày 28.10 và cũng là mức đáy thấp nhất trong gần 3 năm qua.

Sàn Hà Nội cũng không khả quan hơn khi HaSTC-Index giảm 3,98%, xuống mức 106,49 điểm. Đáy thấp nhất trong lịch sử sàn Hà Nội là mức 98,86 điểm - cũng được lập trong ngày 28.10. Khối lượng bán ra phiên này đã tăng mạnh trên cả hai sàn, chứng tỏ sự mất kiên nhẫn của bên cầm CP.

Thông tin giảm lãi suất cơ bản được đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm này có thể được xem như nhân tố hỗ trợ củng cố mức đáy trên cả hai sàn. Tuy nhiên, mọi diễn biến còn phụ thuộc vào đánh giá của thị trường. Nếu các mức đáy này không được giữ, rất có thể sẽ xảy ra hoạt động cắt lỗ ồ ạt trên diện rộng.

Theo Hoàng Nguyên
Lao động

MỚI - NÓNG