Nguy cơ lỡ nhịp kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung vắc-xin

0:00 / 0:00
0:00
Nguy cơ lỡ nhịp kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung vắc-xin
TPO - Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.

Thông báo kết luận tại phiên họp thứ 57, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu và các giải pháp chủ yếu cho 6 tháng cuối năm 2021.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, một số quốc gia đã đạt kết quả bước đầu trong triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19, kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh, đang tiến dần tới miễn dịch cộng đồng và dần mở cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, chiến lược vắc-xin của Việt Nam gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng phòng COVID-19 còn thấp. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.

Uỷ ban Thường vụ cũng lưu ý rủi ro về tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới và trong nước có thể tăng cao, gây áp lực lên lạm phát; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng, cần đánh giá đúng, thực chất nợ xấu do cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, nợ xấu tín dụng của các dự án BOT giao thông, vấn đề lãi dự thu của các ngân hàng thương mại...

Gỡ vướng trong mua sắm công, nhất là vắc- xin

Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, giảm mạnh các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, các hoạt động phô trương, hình thức. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc mua sắm công, nhất là vắc-xin phòng COVID-19, vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống COVID-19; tài sản, trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp công lập; giao nhiệm vụ, đặt hàng đấu thầu dịch vụ công; tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19.

Về việc giải ngân vốn đầu tư công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân; kịp thời điều chuyển vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, khắc phục tình trạng chuyển nguồn quá lớn, hoàn trả lại vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả.

Về kỳ họp Quốc hội tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý nghiên cứu bố trí chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV theo hướng xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự trước khi tiến hành các nội dung khác của kỳ họp; không bố trí trình bày các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại phiên khai mạc để dành thời gian cho công tác nhân sự.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.