Nguy cơ IS chế 'bom bẩn' từ nguyên liệu phóng xạ ở châu Âu

Nếu chế tạo được "bom bẩn", Nhà nước Hồi giáo có thể thực hiện các cuộc tấn công trên diện rộng, kích động sợ hãi và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh minh họa: Huffington Post.
Nếu chế tạo được "bom bẩn", Nhà nước Hồi giáo có thể thực hiện các cuộc tấn công trên diện rộng, kích động sợ hãi và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh minh họa: Huffington Post.
Nhà nước Hồi giáo có thể đang nhắm tới nguồn nguyên liệu phóng xạ ở các nước châu Âu, đặc biệt là Bỉ, để chế tạo "bom bẩn" nhằm kích động hoảng loạn.

Ẩn mình giữa những bụi cây um tùm, chiếc camera nhỏ âm thầm ghi lại mọi hoạt động bên ngoài ngôi nhà của một người đàn ông sống tại Brussels, Bỉ. Hàng đêm, hai người mặc đồ đen lại lặng lẽ tới đúng chỗ ấy để lấy chiếc máy quay rồi lái xe phóng đi.

Cảnh sát Bỉ tìm thấy đoạn phim bí mật này vào ngày 30/11 năm ngoái trong lúc lục soát nơi ở của một nghi phạm có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thị trấn Auvelais. Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng khi người ta phát hiện mục tiêu bị ghi hình là nhà nghiên cứu cấp cao tại một trung tâm hạt nhân của Bỉ, nơi sản xuất lượng lớn đồng vị phóng xạ cung cấp cho thị trường toàn cầu, theo Foreign Policy.

Được sử dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện hay nhà máy, tuy nhiên các đồng vị phóng xạ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại khi có khả năng gây nên tình trạng ngộ độc hay bệnh liên quan đến bức xạ. Vì thế, giới chuyên gia an ninh luôn lo ngại nguy cơ các tổ chức khủng bố dùng đồng vị phóng xạ để chế tạo cái gọi là "bom bẩn", thứ vũ khí nguy hiểm chết người, có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng và kích động hoảng loạn.

Vụ việc ở Bỉ là bằng chứng cho thấy mối lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở. Giới chức nước này nghi ngờ IS đang cố tìm cách thu thập nguyên liệu phóng xạ từ các trung tâm hạt nhân để phục vụ cho mưu đồ chế tạo "bom bẩn", loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường để phát tán chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.

Bà Laura Holgate, giám đốc chuyên trách vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt của khủng bố từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đánh giá việc các nhóm cực đoan dùng "bom bẩn" chứa vật liệu phóng xạ để tiến hành các cuộc tấn công gieo rắc sợ hãi là khó tránh khỏi.

Theo Holgate, cơ chế hoạt động của "bom bẩn" rất đơn giản và dễ nắm bắt, vì thế bà "thấy ngạc nhiên khi đến giờ này mà nó vẫn chưa xảy ra".

"Không nhất thiết phải huy động đến một nhóm các nhà vật lý hạt nhân hay mạng lưới tội ác đặc biệt tinh vi để biến nguyên liệu phóng xạ thô thành vũ khí", một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ hồi năm 2013 cảnh báo. "Trong nhiều trường hợp, một kẻ tấn công theo kiểu 'sói đơn độc' hay một nội gián bất mãn là tất cả những gì chúng cần".

Dù vậy, chính quyền các nước đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về việc các tổ chức khủng bố đang theo đuổi âm mưu chế tạo "bom bẩn".

Nguy cơ an ninh

Chuyên gia ước tính thế giới hiện có khoảng 70.000 thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ, phân bố tại 13.000 tòa nhà, nằm rải rác khắp nơi. An ninh tại một số địa điểm thậm chí rất sơ sài.

"Nếu IS thực sự nhắm tới vũ khí hạt nhân thì khả năng xảy ra các kịch bản xấu sẽ vô cùng lớn", William H. Tobey, người từng là phó giám sát chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc phòng thuộc Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ, nhận xét.

Nhiều người còn cho biết họ cảm thấy bất an trước sự việc xảy ra ở Bỉ bởi không ít cơ sở hạt nhân tại quốc gia này từng nhận nhiều lời phàn nàn về vấn đề an ninh.

Mohamed Bakkali, người đứng tên thuê ngôi nhà nơi cảnh sát phát hiện các đoạn băng ghi hình trong cuộc đột kích hồi năm ngoái, bị bắt ngày 26/11 với cáo buộc tham gia hoạt động khủng bố và giết người. Bakkali có liên quan tới vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris, Pháp, hôm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng cùng hàng trăm người bị thương.

Nhà chức trách Bỉ cho hay họ đang tiến hành điều tra xem mục đích thực sự của Bakkali cùng đồng bọn là gì, song kết quả ban đầu đã phơi bày nhiều thực tế đáng lo ngại.

Những kẻ khủng bố có lẽ muốn bắt cóc thành viên gia đình của nhà nghiên cứu trên hòng ép ông này giao nộp cho chúng các thiết bị, vật liệu phóng xạ, Nele Scheerlinck, phát ngôn viên thuộc Cơ quan Kiểm soát Hạt nhân Liên bang Bỉ, suy đoán.

Scheerlinck nói thêm rằng dù kế hoạch của khủng bố có là gì đi chăng nữa thì cuối cùng chúng cũng sẽ thất bại bởi nguyên liệu phóng xạ ở Bỉ được kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây lại không đồng tình. Họ cho rằng chính sách quản lý hạt nhân của Bỉ hiện còn lỏng lẻo, ẩn chứa nhiều rủi ro an ninh.

Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Bỉ (SCK-CEN) là nơi mà nhà nghiên cứu bị theo dõi làm việc. Nó nằm gần Bocholt-Herentals Canal 53, phía đông bắc thủ đô Brussels. Đây cũng là nơi xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân lớn, hoạt động từ năm 1961. Công trình này hồi năm 2004 bị Tổng thống Mỹ George W. Bush chỉ trích vì áp dụng những biện pháp an ninh "không thỏa đáng".

Nơi đây từng thường xuyên nhận các lô hàng urani làm giàu cao từ Mỹ để phục vụ việc sản xuất chất đồng vị dùng trong y tế. Nhưng chính quyền Mỹ năm 2004 quyết định ngừng việc chuyển hàng cho tới khi các biện pháp bảo đảm an ninh được thắt chặt.

Nguyên nhân dẫn tới động thái trên xuất phát từ sự việc xảy ra vào năm 2003 khi cựu cầu thủ bóng đá Bỉ Nizar Trabelsi bị kết tội âm mưu gài bom căn cứ không quân Kleine Brogel, cách trung tâm SCK-CEN khoảng 29 km. Cơ sở này chứa khoảng 10 đến 20 vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, đồng thời là nơi tập kết một phi đội F-16.

Năm 2010, hàng rào bảo vệ của SCK-CEN lại bị phá vỡ. Một số nhà hoạt động hòa bình thậm chí có thể đi lại tự do quanh trung tâm, quay video để đăng lên mạng và dán các thông điệp phản đối phổ biến hạt nhân.

Phải đến năm 2013, nhà chức trách Bỉ mới ban hành những điều luật nhằm củng cố các thủ tục, quy trình an toàn hạt nhân và áp dụng hình phạt nặng đối với hành vi vận chuyển, sử dụng trái phép đồng vị phóng xạ hay đột nhập vào các cơ sở hạt nhân an ninh nghiêm ngặt.

Một đội điều tra do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cử tới SCK-CEN hồi tháng 12/2014 kết luận "hệ thống bảo vệ vật lý ở đây tương đối tốt" nhưng vẫn gợi ý một vài biện pháp bổ sung để tăng cường an ninh.

Theo Matt Bunn, chuyên gia an toàn hạt nhân, cựu quan chức Nhà Trắng, không riêng gì Bỉ mà tất cả các quốc gia sở hữu cơ sở hạt nhân đều cần tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh.

Các nghiên cứu của chính phủ chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp kẻ tấn công có thể nhanh chóng tiếp cận những địa điểm nhạy cảm bên trong các nhà máy hay trung tâm nghiên cứu hạt nhân, Bunn giải thích và nhấn mạnh "rất khó để thiết kế ra những hệ thống" có khả năng ngăn cản được những cuộc đột nhập phối hợp. Đây là lý do vì sao Anh, Canada, Pháp, Đức hay Mỹ đều triển khai lực lượng vũ trang canh gác tại các khu vực hạt nhân.

Ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp an ninh phòng ngừa theo lời thúc giục của Mỹ, Bỉ, quốc gia sở hữu 7 lò phản ứng hạt nhân, vẫn để xảy ra vài sự cố đáng chú ý trong năm 2014. Hồi tháng 8, ai đó đã mở không đúng cách một ống dẫn chất bôi trơn turbine tại lò phản ứng hạt nhân Doel, cách SCK-CEN 90 km về hướng tây, khiến lò ngừng hoạt động, gây thiệt hại hàng triệu USD.

Tháng 10/2014, nhà chức trách Bỉ phát hiện một công dân 26 tuổi gốc Morocco của nước này thiệt mạng ở Syria trong khi chiến đấu cho IS. Người đàn ông tên Ilyass Boughalab, từng công tác tại một khu vực nhạy cảm thuộc nhà máy điện hạt nhân Doel. Vụ việc tiếp tục khiến giới chuyên gia an ninh phải lo âu trước nguy cơ IS dụ dỗ, lôi kéo những người làm việc trong ngành nghiên cứu, chế tạo, sử dụng chất phóng xạ, năng lượng hạt nhân để làm việc cho tổ chức.

Theo một số báo cáo, những chiến binh cực đoan IS xuất thân từ Bỉ chiếm số lượng nhiều hơn so với các nước châu Âu khác. Vậy nên, khả năng IS lấy được nguyên liệu chế tạo "bom bẩn" từ quốc gia này cũng cao hơn bình thường.

Dù Bỉ đã áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho nguồn nguyên liệu hạt nhân nhưng "những thành tựu họ đạt được không đáng kể", Scheerlinck nói.

Tuy nhiên, Didier Vanderhasselt, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bỉ, lại cho rằng các chuyên gia chống khủng bố nước này "vẫn liên tục theo dõi tình hình của những mục tiêu tiềm ẩn nhạy cảm, bao gồm cả các khu vực hạt nhân". Theo ông, các biện pháp phòng ngừa an ninh mà Bỉ đang sử dụng đáp ứng được tiêu chuẩn của IAEA. Vì thế, các tổ chức khủng bố, đặc biệt là IS, khó lòng có thể tiếp cận những nguyên liệu hạt nhân mà họ nắm giữ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG