Nguy cơ châu Âu thành 'điểm nóng' COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Ông Seehofer nói rằng quyết định của Anh cho phép khán giả vào sân là “hoàn toàn vô trách nhiệm” Ảnh: BBC
Ông Seehofer nói rằng quyết định của Anh cho phép khán giả vào sân là “hoàn toàn vô trách nhiệm” Ảnh: BBC
TP - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở châu Âu đã gia tăng trở lại sau 10 tuần giảm mạnh.

Theo Hans Kluge - Giám đốc Khu vực châu Âu của WHO, tuần trước, số ca mắc mới tăng 10% do nhiều nguyên nhân như người dân đi du lịch, tụ tập, và nới lỏng các biện pháp giãn cách.

Một nguyên nhân khác là do biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ). Kluge cảnh báo Delta có thể trở thành biến thể trội ở châu Âu vào tháng Tám. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của châu Âu (ECDC) mới đây cũng ước tính biến thể Delta có thể sẽ chiếm hơn 90% số ca bệnh mới ở Liên minh Châu Âu (EU).

Mặc dù chiến dịch tiêm chủng đã được đẩy mạnh ở châu Âu, nhưng theo ông Kluge, việc triển khai vắc-xin ở khu vực này vẫn “chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ để tạo hàng rào bảo vệ”. Tỉ lệ tiêm vắc-xin trung bình ở khu vực châu Âu của WHO mới chỉ đạt 24%. Khu vực này bao gồm 53 quốc gia/vùng lãnh thổ trải dài từ Bồ Đào Nha đến biên giới phía Đông của Nga.

Ở một số nơi (ví dụ Anh), tỉ lệ tiêm chủng cao đã giúp giảm số ca tử vong do COVID-19, ngay cả khi số ca mắc mới tăng vọt lên mức hơn 25.000 ca/ngày. Ngày 30/6, Anh ghi nhận gần 26.000 ca mắc mới COVID-19, nhưng chỉ báo cáo thêm 14 ca tử vong. Ngày 1/7, số ca mắc mới là gần 28.000 ca và 22 ca tử vong. Cách đây sáu tháng, khi số ca mắc mới cao tương tự, Anh ghi nhận tới hơn 1.200 người tử vong mỗi ngày. Theo Our World in Data, khoảng một nửa dân số Anh được tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, hôm thứ Năm, Bộ trưởng Nội vụ Đức chỉ trích Anh vì cho phép tới 40.000 người hâm mộ đến sân Wembley (London) để xem trận đấu vòng 1/8 giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2020) giữa đội nhà với tuyển Đức.

Theo AP, đây là đám đông lớn nhất được ghi nhận ở Anh kể từ khi đại dịch bùng phát. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer nói rằng quyết định cho phép khán giả vào sân là “hoàn toàn vô trách nhiệm”, theo DW.

Bắt đầu từ thứ Năm, “giấy thông hành” COVID-19 của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực. Văn bản - với mã QR - có thể cho biết một người đã tiêm vắc-xin, đã khỏi bệnh hoặc vừa có kết quả xét nghiệm âm tính. “Giấy thông hành” được triển khai đúng thời điểm bắt đầu mùa du lịch mùa hè của EU, và đúng lúc Euro 2020 bắt đầu bước vào vòng Tứ kết, theo DW.

Khi được hỏi liệu các trận đấu có nguy cơ trở thành sự kiện “siêu lây lan” hay không, Kluge cho biết ông không thể loại trừ khả năng này. “Tôi hy vọng là không,” ông nói. “Nhưng kịch bản này không thể loại trừ”.

MỚI - NÓNG