Nguy cơ chập, phóng điện ngày mưa ẩm

Quạt chả gần tủ điện hạ ngầm (đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội)
Quạt chả gần tủ điện hạ ngầm (đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội)
TP - Việc lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện cao thế, hạ thế tràn lan tại Hà Nội đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong những ngày mưa phùn, ẩm thấp, khả năng xảy ra chập điện, phóng điện là rất lớn.

Trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, hàng chục tủ điện, tủ cáp quang được đặt san sát nhau trên vỉa hè. Không chỉ gây khó khăn cho người đi bộ, những tủ điện dạng “nguy hiểm cấm sờ” lại được người dân ở đây tận dụng triệt để.

Hầu như mặt tủ nào cũng có dán biển quảng cáo, rao vặt. Một số tủ điện được người bán trà đá dùng làm nơi cất đồ, để cốc chén. Tại ngõ 127 Hào Nam, thợ cắt tóc tận dụng tủ điện làm nơi treo gương, để gôm, keo xịt tóc lên trên. Đầu ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng, một hàng bún chả vô tư bê than và vỉ nướng ra cạnh tủ điện để quạt chả. 

Theo thống kê, năm 2014, tại Hà Nội xảy ra 874 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Vi phạm tập trung nhiều nhất ở khu vực Nguyễn Khoái và Hào Nam. Khu vực Nguyễn Khoái vẫn tồn tại 10 điểm vi phạm, có trường hợp bán quán nước ngay dưới chân cột điện cao thế.

Khu vực Hào Nam hiện có hơn 30 điểm vi phạm, chủ yếu là các hộ dân xây liếm vào hành lang an toàn lưới điện. Hộ dân tại 170 Hào Nam đã bị xử lý vì gây sự cố làm mất điện trên diện rộng tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình. 

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HN) thừa nhận, ở Hà Nội vẫn tồn tại một số trường hợp cá nhân buôn bán nhỏ lẻ như quán nước, rửa ôtô, xe máy, buôn bán quần áo, mũ dưới chân các cột điện cao thế; cá biệt có trường hợp treo quần áo, biển quảng cáo lên tủ điện hạ thế, hòm công tơ…

Tuy nhiên, đơn vị này cho biết, EVN HN là doanh nghiệp, không có chức năng xử phạt hành chính mà chỉ lập biên bản hiện trạng vi phạm, báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước như UBND phường, Thanh tra Sở Công Thương, UBND quận, huyện, thị xã và phối hợp để xử lý.

Xử lý nhanh, triệt để hay không phải dựa vào quyết tâm của cơ quan chức năng địa phương. Hầu hết các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trường lưới điện cao áp là do chủ công trình xây dựng cơi nới nhà, xưởng, xe cẩu, xe đào đường, lắp đặt cáp thông tin. Khi để xảy ra sự cố lưới điện, các đối tượng vi phạm thường bỏ chạy, xóa dấu vết, không hợp tác với ngành điện.

MỚI - NÓNG