Nguy cơ căng thẳng Hàn Quốc - Nhật Bản leo thang thành khủng hoảng

TPO - Mâu thuẫn về quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang nóng lên đến mức các nhà phân tích lo rằng có thể làm tổn hại tình hình địa chính trị vốn mong mang ở Đông Bắc Á, nếu hai bên không thể tìm ra giải pháp.

Mâu thuẫn bắt đầu từ ngày 20/12 sau vụ đối đầu giữa một tàu của Nhật mà Tokyo nói đang thu thập thông tin tình báo với một tàu khu trục của Hàn Quốc mà Seoul nói là đang thực hiện nhiệm vụ nhân đạo. 

Hai bên bất đồng về diễn biến sau đó. Nhật Bản nói rằng phía Hàn Quốc chĩa radar tấn công tên lửa vào máy bay của họ, còn Hàn Quốc nói máy bay Nhật khi đó bay thấp ở mức nguy hiểm và radar của họ “không định bám theo bất kỳ máy bay nào của Nhật Bản”. 

Bất đồng này nhanh chóng leo thang, xởi lại cả những mâu thuẫn lịch sử và đe dọa cho ổn định của khu vực. 

Ông Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng tình hình hiện nay là Trung Quốc đang tìm cách đẩy Mỹ ra, còn Triều Tiên dùng nhu thuật bằng cách tận dụng ngoại giao thượng đỉnh để củng cố địa vị nhà nước hạt nhân của mình, cho dù khẳng định mục đích là phi hạt nhân hóa, và tương lai của Mỹ ở khu vực đang trong tình trạng bất định nhất kể từ những năm 1970. 

“Trong những hỗn loạn này, các thù oán bị đè nén đang bắt đầu tạo ra vết nứt trên khắp khu vực”, ông Jackson nói. 

Hàn Quốc và Nhật Bản là kẻ thù lịch sử nhưng bị nhốt trong một cuộc hôn nhân sắp đặt. Quan hệ của họ vẫn chưa thoát khỏi ký ức về sự chiếm đóng của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thế kỷ 20. 

Căng thẳng mới nổi lên vào thời điểm tồi tệ đối với Mỹ, khi chính quyền Trump đang chuẩn bị một cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với Triều Tiên, trong khi vẫn đang nhích từng bước trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. 

Không lâu sau vụ việc ban đầu, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức gặp cấp làm việc để cố giải quyết vấn đề trong phòng kín. 

Nhưng cách này có vẻ không tác dụng, và không bên nào tin vào giải thích của bên kia. 
Nhật Bản tung ra video ghi lại vụ việc theo quan điểm của họ vào ngày 28/12. Hàn Quốc cũng công bố đoạn phim của mình vào ngày 4/1. Mỗi bên cáo buộc nhau gây hiểu nhầm cho dư luận và bóp méo sự thật. 

Sau đó, Nhật Bản đã triển khai 3 chuyến bay áp sát tàu Hàn Quốc trong tháng này. Seoul công khai lên án đây là “hành động khiêu khích rõ ràng” đối với một nước đối tác. 
Nghị sĩ Hàn Quốc Song Young-gil thậm chí còn cho rằng Seoul nên rút khỏi Thỏa thuận thông tin quân sự chung – thỏa thuận cho phép hai nước chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm. 

Thiếu vai trò của Mỹ

Dù có nhiều khác biệt lịch sử, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày nay chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Về địa chính trị, cả hai đều là đồng minh của Mỹ, đều muốn phi hạt nhân hóa Triều Tiên, và đều coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối lo. 

Nhưng những vấn đề của lịch sử như sự chiếm đóng của Nhật Bản và chuyện “phụ nữ mua vui” vẫn gây tranh cãi qua lại đến tận ngày nay. 

Hai nước cũng chưa giải quyết được tranh chấp suốt 50 năm qua về chủ quyền đối với quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật gọi là Takeshima.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước dường như không bị tác động bởi những tranh cãi đó. Nhưng lần này có vẻ khác. 

Hai ngoại trưởng Nhật và Hàn Quốc đã gặp nhau bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, vừa qua để thảo luận về vấn đề. Nhưng cuộc gặp của họ kết thúc với tuyên bố có vẻ không giải quyết được gì. 

Đồng minh chung của họ là Mỹ không có mặt tại diễn đàn đó, dù Washington có thể giúp hòa giải. Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn chuyến đi đến Davos để ở nhà giải quyết chuyện chính phủ đóng cửa. 

Một số nhà phân tích cho rằng Nhà Trắng không coi trọng đúng mức việc điều phối và quản lý quan hệ đồng minh. 

Các nhà phân tích như ông Jackson lo rằng tranh cãi hiện tại giữa Nhật và Hàn Quốc là biểu hiện của sự lãnh đạo đi xuống của Mỹ, giúp Triều Tiên và Trung Quốc hả hê vì hai nước này lâu nay vẫn tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực bằng cách chia rẽ Washington và các đồng minh. 

Theo theo CNN