Chiều 6/11, Thường trực HĐND TPHCM đã có buổi làm việc khẩn với UBND thành phố, Sở Y tế cùng các sở, ngành liên quan nhằm giám sát công tác triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Diệt muỗi, lăng quăng nghe quen, nhưng rất kho
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến trưa 6/11, qua hệ thống giám sát 983 mẫu bệnh phẩm từ người có biểu hiện nghi ngờ, đã phát hiện 29 trường hợp có kết quả dương tính với virus Zika tại 11/24 quận, huyện của thành phố. GS- BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM- nhìn nhận, công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông để kiểm soát sốt xuất huyết và Zika, quan trọng nhất vẫn phải làm sao diệt lăng quăng, muỗi cho tận gốc. “Cách tốt nhất là phải tổng vệ sinh môi trường thường xuyên, liên tục hằng tuần. Tuy vậy, qua giám sát cộng đồng vẫn còn nhiều hộ gia đình thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác dọn dẹp, vệ sinh, diệt muỗi, lăng quăng”- GS Bỉnh nói. Bởi, theo người đứng đầu ngành y tế thành phố, ở các xã vùng ven, nhà nào cũng có lu, vại chứa đầy lăng quăng trong khi người dân thờ ơ, còn địa phương cũng thiếu nhắc nhở.
“Lúc mới nghe Zika ở Brazil hơi hoảng. Rồi nghe Zika lây như sốt xuất huyết qua muỗi nên càng hoảng. Lúc có ca Zika ở Việt Nam thì cuối cùng biện pháp lại là quay về diệt muỗi, lăng quăng nhưng ít người quan tâm, tham gia”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh -Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM
Cảnh quan môi trường với nhiều khu đất quy hoạch, công trình xây dựng bỏ hoang đang là điều kiện phát sinh mầm bệnh. Bên cạnh đó, hiện thành phố vẫn còn 68 ổ dịch sốt xuất huyết đang được giám sát nên nguy cơ dịch lan rộng rất lớn. Đáng báo động là theo ông Bỉnh, ngành y tế hết sức lưu ý tập trung vào các thai phụ, nhất là thai phụ nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu để có thể theo dõi, kịp thời ngăn chặn biến chứng xảy ra. Thành phố ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện truyền thông tới từng hộ dân.
Theo ngành y tế, để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, khi có ca bệnh nghi ngờ, không chờ kết quả xét nghiệm, ngành y tế sẽ phun hóa chất, làm sạch môi trường nơi ở. Với những nơi xuất hiện ca bệnh, thực hiện phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng toàn phường từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM nêu thực trạng, hiện ngành y tế ra quân rất mạnh, nhưng phía người dân vẫn chưa hợp tác tốt. “Ytế dự phòng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát để phát hiện thêm các trường hợp mắc mới. Trong tình thế hiện nay, ngành y tế đang làm thay người dân việc phòng chống, diệt muỗi, lăng quăng… và như thế khó đạt hiệu quả cao”, ông Dũng nói.
Chiến dịch diệt lăng quăng tại quận 10. Ảnh: Quốc Ngọc.
Phòng chống dịch bằng… văn bản?
Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika với nhiệm vụ cụ thể giao cho từng đơn vị. Thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh do Zika với sự tham gia của lãnh đạo các quận, huyện. Các địa phương phải báo cáo thông tin tình hình bệnh do Zika về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND thành phố hằng ngày. Tuy nhiên, theo bà Thu hầu hết các quận, huyện chủ yếu triển khai phòng chống dịch bệnh bằng văn bản. “Công tác kiểm tra xuống phường, xã chưa có sự chuyển động lớn, bất cập. Vì vậy cần kiểm tra giám sát, công tác phòng, chống bệnh tại các xã, phường”- bà Thu chỉ đạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM - lưu ý, với điều kiện môi trường của thành phố, nếu công tác phòng, chống không quyết liệt, khả năng dịch Zika bùng phát là rất cao. Hơn nữa, vì đây là căn bệnh gây biến chứng theo suốt cuộc đời của trẻ nhỏ, nên hậu quả tác động về mặt xã hội rất lớn, bà Tâm chỉ đạo phải huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi giá phải kiểm soát tình hình, không để dịch bùng phát.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm-thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khuyến cáo người dân không nên lo lắng thái quá về Zika. “Lúc mới nghe Zika ở Brazil hơi hoảng. Rồi nghe Zika lây như sốt xuất huyết qua muỗi nên càng hoảng. Lúc có ca Zika ở Việt Nam thì cuối cùng biện pháp lại là quay về diệt muỗi, lăng quăng nhưng ít người quan tâm, tham gia”, bác sĩ Khanh chia sẻ. Với thai phụ, bác sĩ Khanh cho rằng, ngành y tế thành phố đã họp và kịp thời đưa ra các bước để theo dõi và chăm sóc phụ nữ mang thai không may mắc bệnh do virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nêu quan điểm, quan trọng nhất trong chăm sóc phụ nữ mang thai mắc virus Zika là làm cho họ an tâm, giảm stress.
Để bảo vệ trẻ trước virus Zika, các thai phụ và phụ nữ dự định có thai nên thực hiện theo các khuyến cáo của WHO và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam).