Nguồn gốc bí ẩn của bộ sưu tập 10.000 bộ não người trong tầng hầm ở Đan Mạch

TPO - Có những lời đồn thổi trong nhiều năm. Những tin đồn, câu chuyện truyền miệng không phải điều gì bí mật, nhưng cũng không được nói đến công khai. Trong khi đó, những người biết rõ sự thật luôn muốn kể với thế giới.

Kirsten (giữa ảnh trên) và chị gái Inger (bên phải ảnh dưới) chụp ảnh cùng gia đình hồi những năm 1930

Họ muốn kể cho mọi người nghe sự thật, về những bộ óc cất trong tầng hầm.

Khi còn nhỏ, Lise Søgaard cũng biết về những lời đồn, dù có khác một chút, vì đó là bí mật gia đình mà những người trong nhà cảm thấy quá đau đớn khi nói ra.

Søgaard không biết nhiều, ngoại trừ chuyện liên quan đến một thành viên gia đình dường như chỉ tồn tại trong một bức ảnh trên tường nhà ông bà nội của cô ở Đan Mạch.

Cô bé trong bức ảnh tên là Kirsten – em gái của bà Inger - bà nội Søgaard.

“Tôi nhớ có lần nhìn vào ảnh tôi đã nghĩ ‘Cô bé là ai vậy nhỉ? Điều gì đã xảy ra?'” Søgaard kể.

Khi lớn thêm một chút, Søgaard vẫn thắc mắc. Vào một ngày năm 2020, cô về thăm bà. Bà cô giờ đã hơn 90 tuổi và đang sống trong một viện dưỡng lão ở Haderslev, Đan Mạch. Sau nhiều lần băn khoăn, cuối cùng cô cũng dám hỏi bà về Kirsten. Dường như chỉ đợi cô hỏi, bà Inger kể ra một câu chuyện rất dài, nằm ngoài trí tưởng tượng của Søgaard.

Kirsten Abildtrup sinh ngày 24/5/1927, là em út trong gia đình gồm 5 anh chị em. Hồi nhỏ, Inger nhớ Kirsten là một người trầm tính và thông minh. Hai chị em cực kỳ thân thiết. Sau đó, khi Kirsten 14 tuổi, có thứ gì đó bắt đầu thay đổi.

Kirsten trải qua những trận vỡ oà và khóc rất lâu. Inger hỏi mẹ rằng đó có phải lỗi của bà không, vì hai chị em vốn rất thân thiết.

“Dịp Giáng sinh, cả nhà đáng lẽ cùng đi thăm người thân. Nhưng bà cố và bố tôi ở nhà cùng với Kirsten và gửi tất cả những đứa con còn lại đi”, Søgaard kể.

Khi đám trẻ trở về, Kirsten không còn ở nhà nữa.

Đó là lần nhập viện đầu tiên, khởi đầu cho một hành trình dài và đau đớn, kết thúc bằng cái chết của Kirsten.

Kirsten được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Kirsten nhập viện vào giai đoạn chuẩn bị kết thúc Thế chiến 2, khi Đan Mạch và các nước châu Âu khác sắp có hoà bình.

Giống như nhiều nơi khác, Đan Mạch khi đó cũng đang vật lộn với căn bệnh tâm thần. Các cơ sở tâm thần được xây khắp cả nước để tiếp nhận bệnh nhân.

Tuy nhiên, hiểu biết hồi đó về điều xảy ra với não vẫn hạn chế. Cùng năm hoà bình đến cửa nhà Đan Mạch, hai bác sĩ ở nước này nảy ra một ý tưởng.

Khi các bệnh nhân chết trong bệnh viện tâm thần, họ thường được khám nghiệm tử thi. Hai bác sĩ nghĩ rằng nên lấy bộ óc của họ ra để lưu trữ.

Thomas Erslev, một nhà sử học về khoa học y tế và tư vấn nghiên cứu tại ĐH Aarhus, ước tính rằng khoảng một nửa bệnh nhân tâm thần ở Đan Mạch chết trong thời gian 1945 – 1972, đã hiến não. Não của họ được cất trữ trong Viện Bệnh lý não, có quan hệ với Bệnh viện tâm thần Risskov ở Aarhus, Đan Mạch.

Hai bác sĩ Erik Stromgren và Larus Einarson là hai người thiết kế bệnh viện. Sau khoảng 5 năm, nhà nghiên cứu bệnh học Knud Aage Lorentzen tiếp quản viện này, rồi dành 3 thập kỷ sau đó để xây dựng bộ sưu tập.

Con số cuối cùng là 9.479 bộ não người, được cho là bộ sưu tập não người nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

TS Martin Wirenfeldt Nielsen hiện là người quản lý bộ sưu tập óc người. (Ảnh: CNN)

Những chiếc xô đánh số

Năm 2018, TS Martin Wirenfeldt Nielsen nhận được một cuộc gọi. Bộ sưu tập não người phải chuyển đi nơi khác.

Thiếu tiền khiến bộ sưu tập này không thể tiếp tục ở lại Aarhus nữa, nhưng ĐH Nam Đan Mạch ở thành phố Odense muốn tiếp nhận.

Mỗi chiếc xô nhựa màu vàng xanh đựng một bộ não ngâm formaldehyde được đưa vào chiếc túi màu trắng và đánh số để tiện di chuyển đến tầng hầm rộng trong khuôn viên trường đại học.

Trong số đó có gần 5.000 bộ óc bị loạn trí, 1.400 bộ não bị tâm thần phân liệt, 400 bị rối loạn lưỡng cực, 300 bị trầm cảm, và những bệnh khác nữa.

Điều khiến bộ sưu tập này khác với bất kỳ bộ sưu tập nào tương tự trên thế giới là chúng được thu thập từ khi chưa có những loại thuốc hiện đại để chữa các bệnh về não.

Tuy nhiên, bộ sưu tập này cũng gây tranh cãi. Trong những năm 1990, dư luận Đan Mạch bắt đầu biết về chúng, dẫn đến những cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức khoa học.

TS Knud Kristensen cho biết, khi đó có quan điểm cho rằng nên tiêu huỷ bộ sưu tập, bằng cách chôn hoặc từ bỏ theo cách hợp đạo đức. “Ý kiến khác cho rằng dù sao chúng tôi cũng đã gây hại một lần, vậy giờ điều nên làm là bảo đảm những bộ óc đó được sử dụng cho nghiên cứu”, TS Knud Kristensen kể.

Sau nhiều năm tranh cãi, Hiệp hội quốc gia về các bệnh tâm thần Đan Mạch thay đổi ý kiến, quay sang ủng hộ mạnh mẽ việc giữ lại.

Cho đến năm 2018, cuộc tranh cãi về đạo đức đã lắng xuống. Wirenfeldt Nielsen trở thành người phụ trách quản lý bộ sưu tập.

Vài năm sau, ông nhận được tin nhắn từ Søgaard. Cô hỏi rằng liệu ông có giữ bộ não của một phụ nữ tên là Kirsten?

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và chắp nối nhiều manh mối, Søgaard cuối cùng tìm thấy bộ não bà dì của mình trong chiếc xô có số thứ tự 738. Từ đó, Søgaard cố gắng phá vỡ sự kì thị đối với những người bị rối loạn tâm thần bằng cách chia sẻ những câu chuyện tình cảm cá nhân và gia đình với cả thế giới.

“Bà tôi rất cảm động. Bà cũng nói rằng đến giờ bà cảm thấy gần gũi hơn với em gái mình”, Søgaard kể.

Theo CNN