Người yếu thế lao đao trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Mẹ vợ và con anh Nguyễn Văn Tuấn trong căn phòng trọ ở quận 11. Ảnh: DUY QUANG
Mẹ vợ và con anh Nguyễn Văn Tuấn trong căn phòng trọ ở quận 11. Ảnh: DUY QUANG
TP - TPHCM có hàng triệu người nhập cư, từ quê nghèo lên kiếm sống, góp phần mình vào sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, họ bỗng chốc trở thành người yếu thế không việc làm, không thu nhập.

Sống trong âu lo

Hai giờ chiều 16/8, tiếp PV Tiền Phong trong căn phòng trọ rộng chưa tới 6m2, ông Thiệu Kiến Đồ vừa chế mì tôm vừa nói, đây là bữa ăn đầu tiên trong ngày.

Trước đây, ông Đồ là tài xế xe du lịch nhưng dịch COVID-19 ập đến, ông thất nghiệp rồi mang chiếc xe máy cà tàng ra đầu hẻm chạy xe ôm, ngày được ngày mất nhưng cũng có đồng ra đồng vào.

Rồi Sài Gòn trải qua 3-4 đợt giãn cách, người lao động nghèo như ông Đồ đang thắt ruột lo sắp cuối tháng phải đóng tiền nhà, hũ gạo trơ đáy không biết sống bằng gì trong 30 ngày tới. Ông nói, TPHCM có mấy đợt hỗ trợ, 28 phòng trọ nơi ông ở với gần trăm con người chưa ai nhận được gì. Ông Đồ đứng tên, viết đơn gửi UBND phường 5, quận 11 và Phòng LĐ-TB-XH quận 11 nhưng sau 1 tháng, lá đơn gửi đi rồi bị trả về dù ông tổ trưởng khu phố 2, phường 5 ở cách khu trọ vài bước chân.

“Tôi ra phường gửi đơn tập thể xin cứu trợ, chủ tịch phường nói về gửi cho tổ trưởng khu phố. Tôi gặp ông tổ trưởng thì họ lại chỉ lên phường. Phần lớn người thuê trọ ở đây là công nhân, lao động tự do, buôn bán… nên rất khó khăn”, ông nói.

Theo ông Đồ, nhiều người ở khu trọ nơi ông ở (49/4 Trịnh Đình Trọng, phường 5, quận 11) phải vay tiền bên ngoài, cầm cố giấy tờ để lấy tiền mua đồ ăn, nhưng cũng không biết cầm cự được bao lâu.

Không để ai thiếu đói

Thường trực Thành ủy TPHCM đã yêu cầu 21 quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ cũng như lương thực, thực phẩm, không để ai lâm vào cảnh thiếu đói. Đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt) trong tháng 8 và 9. TPHCM xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3-7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh. Nội dung từng gói hỗ trợ có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, TPHCM cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói như vậy để hỗ trợ người dân. DUY QUANG

Anh Nguyễn Văn Tuấn (quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) buôn bán tự do, thất nghiệp từ cuối tháng 5 tới nay.

Tại căn phòng trọ chưa tới 10m2 ở quận 11, TPHCM, 4 người trong gia đình anh Tuấn căng thẳng bàn tính về hay ở.

Đứa con mới 10 tháng tuổi khóc dặt dẹo trên tay bà ngoại vì thiếu sữa. Vợ anh Tuấn làm công nhân cũng thất nghiệp vì dịch COVID-19.

“Tháng trước, chủ nhà giảm 30% tiền trọ. Tháng này, tôi định xin chủ nhà cho nợ tiền trọ mà không biết như thế nào. Tiền hai vợ chồng dành dụm đã cạn rồi. Giờ về quê là không được nhưng ở lại thì không biết lấy gì ăn”, anh Tuấn nói.

Khi nghe tin Sài Gòn giãn cách thêm 1 tháng, anh Hồ Trà Thanh (quê ở Quế Sơn, Quảng Nam) đã xếp đồ, trả phòng trọ, chở vợ con khăn gói về quê nhưng ra tới TP Thủ Đức thì bị chặn lại. Anh nói đã “chịu hết nổi” rồi mới tính tới chuyện chạy xe máy 1.000 cây số về nhà nhưng ở lại thì chông chênh quá.

Khi chưa dịch, thu nhập gia đình anh tầm 12 triệu đồng/tháng. Nghe thì nhiều nhưng trả tiền trọ hết 2 triệu đồng, tiền gửi trẻ cho con hết 1 triệu đồng, rồi ăn uống, phụ giúp gia đình ở quê… nên hết veo.

Gia đình anh sống gối đầu theo từng tháng; lĩnh lương xong, cầm cự được một thời gian là hết tiền. Dịch ập xuống, cả gia đình quýnh quáng nhưng nhà ở quê cũng khó khăn nên cứ nán lại, chỉ mong hết dịch để làm kiếm tiền. Nào ngờ!

Treo biển cầu cứu

Hơn 2 tháng nay, dịch liên miên khiến vợ chồng anh Huỳnh Văn Hận (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) không làm gì ra tiền. Trước khi Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập từ công việc thu nhặt ve chai của anh Hận và việc bán vé số của vợ dù ít ỏi nhưng cũng tạm đủ chi tiêu qua ngày.

Tuy nhiên, dịch ập đến khiến cuộc sống gia đình anh trở nên khó khăn. Số ve chai, giấy lộn anh mang về nhà vẫn nằm chơ vơ trên căn gác xếp vì tắc đầu ra. Cuộc sống khó khăn khiến hai năm nay anh Hận không dám về quê nhà ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau, trong khi trước kia còn về 1-2 lần mỗi năm.

Có chính sách hỗ trợ thiết thực

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị số 16 căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách. Khi thực hiện giãn cách không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý. Các địa phương không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch. (Văn Kiên)

“Ngày trước dịch, cố chắt bóp lắm thì cũng sống tạm bợ qua ngày. Nhưng từ ngày giãn cách đến giờ, hai vợ chồng thất nghiệp hoàn toàn, không còn tự lo liệu được.

Có những ngày vợ chồng tôi không có ngàn nào trong túi, sống chật vật nhờ vào bó rau, bịch gạo của bà con xung quanh và nhà hảo tâm”, anh Hận nói.

Vợ chồng anh thiếu tiền trọ đã sang tháng thứ 3. Chủ trọ thương cảm nên cũng cho nợ, nhưng giờ đây tiền ăn ba bữa cũng là nỗi trăn trở mỗi ngày của hai vợ chồng. Khổ quá mới viết bảng treo trụ điện cậy nhờ sự giúp đỡ.

Khi được hỏi về gói cứu trợ của Nhà nước, anh Hận nói rằng, từ đầu dịch đến nay, vợ anh có nhận được 1,5 triệu đồng từ chính quyền địa phương, còn anh chưa được hỗ trợ gì ngoài đôi lần được nhà hảo tâm gửi tặng ít rau củ, mắm muối ăn từng bữa.

Nghe tin TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng, anh Hận viết thông tin cá nhân lên tấm bìa giấy xin cứu trợ từ người đi đường.

“Thiếu đói đã hơn 2 tháng nay, giờ phải tiếp tục thất nghiệp thêm ít nhất một tháng nữa chắc không xong rồi. Nói thật là hết chịu nổi cảnh khổ hiện tại nên tôi mới viết bảng xin cứu trợ từ cộng đồng”, anh Hận chia sẻ. Điều anh mong mỏi nhất lúc này là có được đồng ra đồng vào để trả tiền trọ và trang trải bữa ăn hằng ngày.

MỚI - NÓNG