Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
TPCN - Gian phòng khách giản dị của một căn hộ trong khu chung cư Phú Mỹ Hưng. Tấm chân dung của một người đàn ông chụp vào độ đứng tuổi, ánh mắt đang tỏa xuống cái nhìn nghiêm nghị và ấm áp...
Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ảnh 1
Vợ chồng Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (Rừng U Minh, năm 1950)

Một thuở một thời tôi đã từng thấy được treo ở vị trí trang trọng tại rất nhiều nơi. Nhưng lúc này, tôi có cảm giác tấm chân dung ấy đã được treo đúng chỗ nhất.

Đơn giản vì ông là chồng của nữ chủ nhân đây! Nhanh nhẹn xởi lởi, ở tuổi tám mươi mấy mà bà còn khỏe.

Tôi gần như là một người gặp may bởi mỗi lúc cứ dần dần xuất hiện rồi thường trực cung cách xởi lởi mặn chuyện của bà...

Phải nói vậy vì buổi đầu gặp, bà cứ lắc đầu rồi cười nhẹ vẻ khiêm nhường: “Chuyện tôi đâu có chi mà mấy chú bận tâm!”.

Bà là cả một kho tư liệu. Chuyện bắt đầu từ một cô gái miền Đông mảnh dẻ dám ra bưng hoạt động cách mạng...

Rồi một cuộc hôn nhân, nói theo cung cách của bà là do anh Sáu Thọ (đồng chí Lê Đức Thọ) làm mai và anh Hai Hùng (đồng chí Phạm Hùng) là chủ hôn, đám cưới ở chiến khu. Chú rể là anh Ba, người Quảng Trị mà sau này là Tổng Bí thư của Đảng ta...

I. Mối tình đầu

Bà đang ngồi trước tôi. Chất giọng khẽ khàng trầm ấm. Bà tâm sự, tánh bà ngang thẳng, từ bé  đã giống y chang cha mình. Ông nội, bà nội đều là những người tính cách mạnh, tiết tháo.

Pháp chặt đầu ông nội vì tội tham gia Cần Vương. Bà nội phải cõng cha bà khi ấy còn bé tí từ Đồng Nai  lên Bình Tây để tránh họa tru di tam tộc.

Bà kiếm sống bằng cách đi quét dọn cho mấy nhà máy xay xát ở Bình Tây vừa có tiền công vừa thu gom gạo đổ, đem về sàng sảy lại để nuôi sống cả nhà.

Ông già lên sáu tuổi đã được đi học trường Tây là cả một sự kiện. Đâu phải học cho mình mà là học thuê! Tây bắt con cai tổng con địa chủ phải đi học tiếng Tây.

Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ảnh 2
Gửi con gái Vũ Anh 3 tháng tuổi cho mẹ ở Sài Gòn

Thông minh lanh lẹ nên ông được một chủ đất mướn đi học cho con ông ta. Đi học thuê vừa có tiền nuôi bà nội vừa bồi bổ kiến thức. Dần dà ông đậu hạng nhất diplome trường Petrus Ký( nay là trường Lê Hồng Phong).

Ông học giỏi nên được chọn về làm thơ ký 3 năm trong Phủ Toàn quyền. Sau 3 năm Pháp bổ ông già đi làm tri huyện. Ông không ưng. Mặc dù bên ngoại nói, hễ đi làm tri huyện thì gả con gái cho.

Trái ý ông ngoại, nhưng vợ ông một cô gái đẹp con nhà giàu, đã bỏ cả đám cưới lẽ ra sẽ được tổ chức rình rang mà theo không ông già.

Ông già theo nghề viết báo. Ông viết báo giỏi. Chẳng bao lâu ông làm chủ bút tờ Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) nên cả vùng gọi ông là Ông chủ nhựt trình.

Tính ông ngang, thẳng. Ngoài việc bênh vực quyền lợi của dân nghèo bằng ngòi bút, trong đời sống hễ thấy Tây đi xe ngựa của dân không trả tiền, ông thộp ngực đánh liền.

Ông kịch liệt phản đối chính sách thuộc địa cụ thể là sưu cao thuế nặng bằng cả viết báo lẫn đăng đàn diễn thuyết. Toàn quyền Pháp phải thân chinh gặp ông mua chuộc bằng cách hứa cấp 500 ha đất cho vay vốn để trồng cao su.

Khi đó nhiều người phất lên bằng nghề này. Nhưng ông nói thẳng thà tôi cạp đất mà ăn chớ không khi nào ngửa tay xin tiền!

Ông già sống nghĩa khí. Một bận giắt súng cùng một tốp trai tráng lên tận biên giới Campuchia bắt một bọn chuyên chôm trộm bò của tá điền trong vùng.

Ông nọc tên trùm trưởng quật cho một trận nên thân bắt phải trả lại bò bắt trộm và hứa không bao giờ quấy nhiễu dân lành. Tiếc ông mất sớm khi mới 46 tuổi. Khi ông già mất, nhà cửa sa sút dần.

Tuy vậy bà cũng được theo học hết sơ học. Nhà tranh vách đất nhưng danh tiếng nghĩa khí của ông già vẫn như trước. Bà con rất kính nể. Lính không bao giờ dám xét nhà.

Vậy nên đầu những năm bốn mươi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, nhiều cán bộ hoạt động ở Nam Kỳ bị kêu án tử hình vắng mặt đã về nhà bà trốn tránh...

Dần dà cô bé Nguyễn Thụy Nga (tên khai sinh của bà) được mấy anh mấy chú giác ngộ cách mạng.Dưới sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Văn Tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (tên của nhà cách mạng này đã được đặt cho một con kênh lớn trong vùng) cô bé Nga tham gia làm liên lạc vận chuyển tài liệu mật, vũ khí từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, Tân An và ngược lại.

Nhiều bận suýt bị bắt nhưng may nhờ lanh lẹ thông minh, lại biết dùng tiếng Pháp (nhiều lần sắm vai con nhà giàu ăn mặc bảnh đi trên xe lửa toa hạng nhất hoặc xe nhà binh với sĩ quan Pháp) nên thoát.

Năm 16 tuổi, cô bé Thụy Nga đã trổ mã con gái được nhiều đám để mắt tới. Má và người nhà  nhắm nhe cho mấy đám khá giả nhưng cô đều từ chối.

Nhưng nhịp đập trái tim tuổi hoa niên ấy đã bao phen không bình thường vì một người! Đó là một cán bộ hoạt động bí mật từng bị kêu án tử hình đang bí mật ở ngay trong nhà Nga, thường xuyên được Nga dẫn đường cũng như trao các tài liệu mật.

Chất giọng bà đượm chút bồi hồi khi nhắc đến cái thuở vời xa ấy. Cứ hằng đêm Nga chờ người ấy về để mở cửa đóng cửa vì công tác bí mật.Một đêm, lối 2 giờ sáng,Nga vừa mở cửa, người ấy bước qua ngưỡng đã quàng tay ôm sát Nga. Người Nga run bắn lên.

Lần đầu tiên Nga biết thế nào là yêu. Rồi sau đó  người ấy chuyển vùng hoạt động lên Vũng Tàu, Đà Lạt nhưng thường xuyên thư từ cho Nga. Người ấy viết một chữ nguyệt và bảo Nga dùng những chữ đầu làm thành một bài thơ tặng người ấy. Cô bé 17 tuổi đó đã viết 6 dòng như thế này:

Nay anh cất bước ra đi
Giang hồ rạng mặt khách tu my
U uẩn nỗi lòng không dám tỏ
Yêu mà lặng lẽ tiễn nhau đi
Êm đềm dừng bước anh ngoảnh lại
Thôi đừng bịn rịn phút chia ly

Nghe chất giọng hơi run run khi bà nhẩm lại, tôi hơi sửng sốt chưa hẳn vì bà vẫn rành rẽ kỷ niệm mối tình đầu hơn sáu mươi năm trước mà như bà bình thản cho hay rằng người ấy khi ấy đã có vợ có con. Bà biết hết nhưng vẫn yêu!

Mối tình đầu ấy rồi chẳng đi đến đâu... Nhưng là niềm động viên khích lệ bà trong những tháng ngày hoạt động cơ cực gian nan.Kỷ niệm đẹp cũng lắm. Kỷ niệm thương tâm lại càng nhiều...

Trong tổ điệp báo của bà những ngày đầu khởi nghĩa năm 1945, có một cô nữ sinh trung học rất đẹp thông thạo tiếng Pháp. Cô có nhiệm vụ móc nối với một tên đồn trưởng người Pháp để du kích ta diệt đồn.

Nhiệm vụ gần hoàn thành cũng là lúc cô yêu viên đồn trưởng người Pháp đẹp trai. Nhiệm vụ sau chót của cô là phải dùng khẩu súng lục viên đồn trưởng để dưới gối để bắn nó.

Cô gái khóc ròng ra tín hiệu cho bộ đội vô diệt đồn thì được chớ cô không bao giờ cầm khẩu súng ấy lên! Trận công đồn thắng lợi. Viên đồn trưởng bị diệt.

Cô điệp báo ấy cũng bỏ đi biệt xứ! Một cô khác trong tổ tên Thảo. Cũng xinh xắn cũng thạo tiếng Tây như cô nọ. Cũng giao nhiệm vụ y chang. Nhưng Thảo khác. Cô khóc ròng khi cho bạn hay, một bận tên đồn trưởng đã ôm lấy cô mà hôn.

Khi Thảo bất ngờ bị bắt, cả tổ điệp báo tá hỏa bởi ý nghĩ mới bị nó hôn còn suy sụp cỡ đó thì làm sao Thảo chịu được những đòn tra tệ hại của kẻ thù?

Vậy nên anh em vội vã sơ tán hết. Nhưng Thảo đã chịu đủ cực hình và quyết không khai rồi cuối cùng bị bọn giặc tẩm dầu đốt đến thành mù mắt tay chân còng queo!

Mối tình đầu của Thụy Nga với người ấy chỉ đặt dấu chấm hết cho đến năm năm mươi, khi cô về Cần Thơ công tác và gặp Anh Ba.

II. Đám cưới  giữa Rừng U Minh

Lại những ngày gian nan với trách nhiệm tỉnh ủy viên, Đoàn trưởng phụ nữ Cứu Quốc tỉnh Bạc Liêu rồi Cần Thơ.

Nghe chất giọng đều đều bình thản của bà mà tôi hơi gai gai bởi tưởng tượng ra cái cảnh những cán bộ phụ nữ Nam Bộ phải bươn chải trong điều kiện nhà đạp nhà đá (những căn nhà dựng tạm bợ bằng lá bằng mảnh nilon khi di chuyển đi không ở thì đạp thì đá đi).

Gặp địch càn gặp giặc lùng nhịn đói đã đành. Muỗi đỉa nhung nhúc nằm nóp quanh năm thì khổ biết chừng nào. Thử tưởng tượng cô gái Thụy Nga khi ấy mới hơn hai mươi, đã phải dầm nước mặn rồi nằm phơi nắng dài dài cho da đỡ trắng để ra chợ hoạt động công khai.

Còn ở chiến khu thì  có thời gian suốt  năm trời chỉ độc một cái quần đen. Muốn giặt phơi thì phải ra chỗ vắng mà giặt rồi phơi. Trong lúc đợi khô, phải quấn cái khăn rằn không dám gặp ai hết.

Đó là những ngày nắng ráo. Trời mưa dầm dề suốt tháng còn cực tới cỡ nào! Khi Thụy Nga về miền Tây công tác thì đã xảy ra một sự kiện: Chuyện yêu đương của Thụy Nga với người cán bộ hoạt động bí mật ấy đã bị lộ.

Tỉnh ủy họp yêu cầu cô báo cáo và sau đó quyết định chuyển cô về Sài Gòn công tác để cắt đứt mối quan hệ đó!

Cũng chính vào thời điểm này, đồng chí Lê Duẩn với danh nghĩa là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ từ Đồng Tháp Mười xuống dự Hội nghị Tỉnh ủy đã nghe được câu chuyện tình éo le của Thụy Nga.

Nhưng như bà đã bộc bạch trong những dòng nhật ký (tôi thầm mong rằng đây sẽ là những tư liệu quý để manh nha cho một cuốn hồi ký dầy dặn và giá trị sau này của bà):

Lạ là anh Ba hổng nói chi ráo trọi... Sáng hôm sau, Tỉnh ủy tổ chức cho đồng chí ăn sáng có một mình, có cháo gà và hai hột gà luộc. Lúc đó ăn vậy là sang lắm rồi.

Tôi đến với nhiệm vụ là kiểm tra bữa ăn của đồng chí xem có thiếu gì không? Đồng chí đang ăn thấy tôi bước vào thì kêu người phục vụ lấy thêm chén đũa và kêu tôi cùng ăn. Có hai trứng gà đồng chí cũng chia tôi một cái.

Trong khi ngồi ăn, đồng chí hỏi tôi về việc xử lý của Tỉnh ủy và hỏi tôi nghĩ sao?

Tôi thẳng thắn “ Được phân công công tác ở Sài Gòn đối với tôi là công tác mới và khó nguy hiểm nữa nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì. Nhưng bảo tôi thôi người yêu mà mình đã yêu thì tôi khó làm được. Xa nhau cũng được nhưng yêu là do trái tim, đừng bắt buộc như vậy...’’.

Anh Ba nghe tôi nói vậy không nói gì... Nhưng hôm sau nghe đồng chí Lê Đức Thọ nói lại là anh Ba có nói mấy chị Nam Bộ có giới thiệu cho anh ấy mấy người nhưng ảnh không ưng. Nếu có lấy vợ thì thì ảnh thích người có tình nghĩa thủy chung như chị Nga...

Một thời gian sau, anh Sáu Thọ xuống Cần Thơ công tác, anh gặp tôi nói: “ Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ. Chị nên ưng anh ấy đi. Anh xa nhà đã 20 năm không có tin tức gì của gia đình. Gia đình anh ấy còn ở vùng địch.

Nếu chị làm vợ anh ấy, chị chăm sóc anh ấy để anh có sức khỏe làm việc đó cũng là một nhiệm vụ. Anh ấy hiện nay trong lãnh đạo, anh rất thông minh và sáng suốt.

Anh em thường gọi anh là 200 Bougies (200 nến). Khi có người kề cận chăm sóc thì anh sẽ trở thành 400 Bougies... Sự sáng suốt của anh ấy có lợi cho cách mạng tới chừng nào”.

Nghe anh Sáu Thọ nói tôi chưng hửng. Vì trong lòng tôi lúc nào anh cũng là một lãnh tụ mà mọi người kính yêu. Tôi cũng vậy. Lúc nào tôi cũng ghi chép đồng chí Lê Duẩn nói thế này, đồng chí Lê Duẩn nói thế kia...’’ vv... Thứ hai là chuyện tình cảm của tôi với một người, anh ấy đã biết rất rõ qua Hội nghị của Tỉnh ủy.

Tại sao anh lại đặt vấn đề với tôi? Tôi suy nghĩ mãi và quyết định gặp lại anh và muốn thổ lộ hết băn khoăn của mình... Nhưng tôi ngại gặp quá. Một lần tôi lấy hết can đảm hỏi anh “ Nếu bây giờ anh lấy vợ, sau này về gặp lại gia đình, phải giải quyết ra sao đây?”. Anh thẳng thắn “ Anh cưới vợ trước kia là do cha mẹ cưới cho…

Tôi suy nghĩ rất dữ, bởi vì tình yêu của tôi từ năm 16 tuổi với một đồng chí có vợ có con nên chúng tôi đã khổ quá rồi. Nếu bây giờ còn ưng người có vợ có con nữa thì sẽ ra sao đây?

Vả lại mối tình đầu còn nhức nhối trong tim tôi làm sao gỡ ra được để tìm tình yêu của người khác? Nhưng những lời của anh Sáu Thọ nói làm tôi phải suy nghĩ mãi.

Tôi lại gặp anh hai lần nữa. Mỗi lần như vậy lại gây cho tôi những ấn tượng mới. Anh mặc quần rách đít, áo rách cùi chỏ. Người anh lúc nào cũng 47 ký nhưng vì cao nên anh khô quắt khô queo. áo quần nhuốm màu phèn Đồng Tháp Mười.

Sinh hoạt của anh làm tôi xúc động. Những người như ông Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần. Lê Thành Vĩnh... trong ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ người nào cũng có nhà cửa, có người bảo vệ, người nấu bếp tuy ở nhà lá nhưng cũng đàng hoàng.

Còn anh chỉ có chiếc tam bản bốn chèo đi với hai đồng chí thư ký và bảo vệ. Đến cơ quan nào, đến nhà bà má nào thì anh em lên nhà ngủ, còn anh thì ngủ dưới ghe.

Anh nhường nhịn mọi điều kiện tốt cho mọi người. Con người anh bao giờ cũng thoải mái vị tha... Có lần tôi đi ghe nước ngược, vừa bị cạn vừa trời nắng chang chang.

Anh cùng anh em người đi hai bên bờ kéo, người lội dưới bùn đẩy ghe, tôi ngồi trong ghe mà mồ hôi còn vã như tắm. Ghe nhích từng chút, từng chút một. Trông anh em thật tội nghiệp. Tôi nghĩ, những người này ăn ở có tình nghĩa với nhau dám hy sinh cho nhau...

Có những lần anh nói chuyện với tôi về phụ nữ về bà mẹ của anh. Tôi nhận thấy vẻ bề ngoài của anh như ông đồ nho, nhưng tình cảm của anh thì rất đặc biệt.

Anh nhắc nhiều đến mẹ anh. Tôi hình dung mẹ anh là người nhân hậu hay giúp đỡ mọi người, thường nấu cao dán mụn nhọt theo toa gia truyền. Cả làng đều nhờ bà.

Bà được mọi người thương yêu kính trọng. Khi anh làm cách mạng, nhà rất nghèo. Cụ ông làm nghề thợ mộc. Mẹ anh để dành từng củ khoai lang, chờ anh về luộc cho mà ăn. Khi anh ra đi, bố anh khóc nhưng mẹ anh lại rắn rỏi động viên anh, tuy bà chỉ có mình anh là con trai.

Anh chỉ còn một người chị và một cô em gái. Lúc anh bị giặc bắt cầm tù, thư anh gửi về mẹ anh nhờ hàng xóm đọc cho nghe nhiều lần, xong bà may cái túi nhỏ xếp thư vào túi khâu lại và mang trên cần cổ như người mang bùa vậy.

Khi mẹ anh chết, anh không về được nhưng người nhà nói lại là thư anh vẫn đeo trên cổ mẹ. Những chuyện anh kể làm tôi vô cùng xúc động. Tình cảm của anh sao mà sâu đậm làm vậy.

Lòng tôi đã quyết. Sau đó tôi gặp lại người yêu cũ. Tôi nói với anh “Chúng ta yêu nhau hơn 11 năm rồi. Nhưng vì anh còn gánh nặng gia đình, chúng ta khó kết hợp được. Nay các anh làm mai cho anh Ba, anh nghĩ sao?’’

Anh nói anh rất buồn nhưng đành chia tay nhau vậy thôi...

Đám cưới tổ chức vào sau dịp phụ nữ Nam Bộ mở Hội nghị toàn Nam Bộ tại Văn phòng Trung ương Cục đóng ở miền Tây. Đồng chí Lê Đức Thọ làm ông mai. Đồng chí Phạm Hùng làm chủ hôn.

Có lẽ  là lần đầu, tôi nghe một người nói, đồng chí Lê Duẩn có làm thơ. Người ấy chính là bà. Thơ đồng chí Lê Duẩn đọc tặng bà trong đám cưới năm 1948 ấy như thế này:

Hỡi cô con gái Đồng Nai
Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?
Hôm qua gió lạnh đìu hiu
Lòng cô man mác trăm chiều nhớ 
                                            thương
Hôm nay trời tạnh mây quang
Gió xuân đầm ấm mùi hương đậm
                                              đà
Tự tình ta lại với ta
Say sưa bao xiết là ta với mình
Cho hay là giống hữu tình
Đố ai cắt được tơ mành làm đôi

Bà cũng cắt nghĩa tôi hay rằng, bài thơ đó tác giả có nhắc lại mối tình cũ của bà mà những người dự đám cưới ai cũng biết và không quên khẳng định tình yêu của hai người trong tương lai!

Giọng bà khẽ khàng mơ hồ như vọng về từ những năm tháng xa xăm ấy rằng hai người đã gặp nhau từ hai thái cực rất khác nhau nhưng sống với nhau rất hòa thuận đầm ấm.

Người vợ mới miền Nam chăm lo cho anh Ba từng miếng ăn miếng uống. May quần áo cho anh Ba vừa vặn bằng tơ tằm đen. Chả biết khi nào thì anh Ba trở thành 400 Bougies nhưng trông anh tươi tắn khỏe mạnh ăn mặc đàng hoàng.

Người vợ trẻ xét thấy ưng anh là đúng vì càng ở với nhau lâu càng biết giá trị tình cảm của người chồng. Có vô số những cử chỉ làm chị khó quên. Khi anh đi họp ở đâu về, anh ôm chầm lấy chị, đôi mắt anh sáng ra cười hết cỡ với hàm răng đều tắp có cái răng khểnh bên phải.

Có lần hai vợ chồng cùng tắm, cù nhau cười râm ran cả một quãng suối. Mặt anh có lần tái xanh vì lo cho vợ khi nghe vợ nói cho hay mấy đêm anh đi họp vắng, có cọp rình ngoài cửa...

Khi có mang con gái đầu lòng Vũ Anh, chị chỉ mới nhắc trong giấc mơ thèm xoài mà ban ngày anh đi lùng cho bằng được... Người vợ mới ngoan hiền dịu dàng nhưng cái gì chưa chịu là cãi.

Nhưng mọi cuộc tranh luận đều thu xếp êm thấm bởi lòng vị tha nhân ái và trí tuệ mẫn tiệp của anh. Vừa là đồng chí vừa là vợ chồng nên những tháng năm đó thật ngọt ngào, phong phú...

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.