NSND Quang Thọ là một trong những giọng ca nổi tiếng nhất của lớp nghệ sĩ xuất thân từ thời chiến. Khán giả quen thuộc với ông qua nhiều ca khúc cách mạng, thể hiện tình yêu, niềm tự hào với quê hương, đất nước. Hơn nửa thế kỷ hát và giảng dạy, ông vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với âm nhạc, góp phần đào tạo nên những tài năng âm nhạc mới cho đất nước ở dòng nhạc chính thống như Đăng Dương, Tùng Dương, Trọng Tấn, Khánh Linh,…
Trong cuộc phỏng vấn với VietNamNet, NSND Quang Thọ chia sẻ về cuộc sống ở tuổi 73 về người bà xã và 2 con trai là giảng viên âm nhạc.
- Cuộc sống tuổi 73 của NSND Quang Thọ và bà xã Ngọc Thanh như thế nào?
Ở tuổi này, chúng tôi bình yên, chăm sóc sức khoẻ cho nhau, lo cuộc sống hàng ngày. Thỉnh thoảng cuối tuần, hai ông bà xuống nhà 2 con trai để thăm, ăn uống và dạy dỗ các cháu nội. Cuộc sống nói chung vui vẻ, trọn vẹn.
Hiện tại, tôi sống với vợ ở Hào Nam, 2 con trai sống riêng ở chung cư. Chúng tôi không thể đi xa được, thứ nhất do dịch Covid-19, thứ hai là tuổi cũng đã lớn nên không thể ra nước ngoài như trước. Gia đình chỉ đi chơi ở các điểm du lịch xung quanh Hà Nội thôi.
Sau cơn tai biến nhẹ cuối năm 2020, sức khoẻ của ông ra sao?
Hồi tháng 11/2020, tôi biểu diễn ở Hải Phòng về nghỉ ngơi đến khoảng 3 giờ sáng thì bị tai biến, tắc một mạch máu trên não, khiến mình bị tê liệt, tê bì mất một chi bên phải. Tôi may mắn được cấp cứu kịp thời nên mọi thứ đều ổn. Bác sĩ khuyên tôi sinh hoạt và ăn uống theo chế độ nghiêm khắc, sức khoẻ sẽ gần như trở lại bình thường.
Sau khi bị tai biến hơn 20 ngày, tôi đã bắt đầu hát trở lại vào ngày Nhà giáo Việt Nam. Vào ngày sinh nhật 3/12/2020, tôi tổ chức chương trình “Mãi mãi tuổi 70” lần thứ 2 để vui cùng bạn bè. Tôi thấy mình vẫn hát bình thường, không có gì thay đổi. Ở tuổi này, tôi vẫn hát với tinh thần hảo sảng, khí chất và giữ được phong độ, cảm xúc khi lên sâu khấu. Nhiều học trò vẫn “nể” và vui mừng, không ít khán giả nhắn tin hỏi thăm và khen ngợi.
- Điều khiến ông tự hào nhất là gì?
Tôi đã có hơn 55 năm ca hát liên tục kể từ khi còn là công nhân ở mỏ than Quảng Ninh năm 1965. Năm 1971, 1972, tôi cùng đoàn văn công đi phục vụ chiến trường Trường Sơn và các chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972, tôi trở về đi học nhạc ở trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Kỷ niệm tôi nhớ mãi là tấm huy chương Vàng đầu tiên trong cuộc đời ca hát của mình tại Hội diễn Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1980 tại Hà Nội. Sau đó, tôi cũng có huy chương Vàng trong các hội diễn toàn quốc nhiều năm, giải thưởng lớn trong các cuộc thi quốc tế (giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Sinh viên Thế giới tại Đức; giải thưởng Liên hoan Ca nhạc tại Mông Cổ), vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2001.
- Điều gì là quý giá nhất trong sự nghiệp ca hát của ông?
Tôi cảm thấy rằng đã hát và làm được rất nhiều cho đời sống âm nhạc trong nước. Tôi mang tiếng hát phục vụ nhân dân ở khắp các vùng miền, động viên những anh công nhân, những người nông dân và những chiến sĩ hải đảo canh giữ vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Tiếng hát khắc sâu vào trong tâm khảm của người Việt Nam là điều tôi cảm thấy sung sướng nhất. Ý nguyện trong sự nghiệp ca hát của tôi đã đạt được. NSND là danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp ca hát của tôi.
- Ngoài những cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, NSND Quang Thọ còn được biết là “thầy giáo của những ngôi sao”. Ông rất khắt khe và nghiêm khắc, có phải vậy?
Ngoài sự nghiệp ca hát, nghĩa vụ của tôi là dạy dỗ các sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trở thành ca sĩ, nghệ sĩ phục vụ cho nền âm nhạc của nước nhà. Đó cũng là điều tôi đau đáu suốt cả cuộc đời.
Trên cương vị của một người thầy, tôi rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tình cảm với học sinh, sinh viên. Tôi dạy các em trau dồi kiến thức về thanh nhạc, về ca hát và điều cơ bản là dạy các em đối nhân xử thế với mọi người, đặc biệt là những người đồng nghiệp cần yêu thương, cùng nhau tạo ra những điều có ích cho nền âm nhạc nước nhà. Nhiều học trò của tôi thành đạt và nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả như Đức Long, Đăng Dương, Tùng Dương, Khánh Linh, …
- Vì sao ông nói nhiều về âm nhạc và học trò nhưng rất kiệm lời khi chia sẻ về gia đình và bà xã Ngọc Thanh?
Những thứ thuộc về gia đình luôn đẹp đẽ, bây giờ gọi bà Ngọc Thanh vì đã là bà của 4 đứa trẻ con của 2 con trai chúng tôi. Bà rất yêu thương chồng, con và các cháu, tạo mọi điều kiện cho tôi làm việc, ca hát hay công tác xa nhà. Bà là người phụ nữ đảm đang tháo vát, quán xuyến nhà cửa, bếp núc tươm tất để những người đàn ông tập trung trọn vẹn cho học tập và công việc.
Bà tạo điều kiện cho 2 đứa con trai học hành tử tế và thành đạt trong sự nghiệp, trở thành những người thầy giảng dạy tại các trường văn hoá nghệ thuật. Con trai lớn của tôi là Quang Tú đang dạy hát tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, con trai thứ hai Quang Tùng hiện là trưởng một bộ môn Guitar tại một trường sư phạm nghệ thuật.
Vượt qua “cửa tử”, ông nhìn nhận cuộc sống như thế nào?
Trải qua bạo bệnh, tôi thấy rằng sức khoẻ đối với con người và đặc biệt là đối với người cao tuổi rất quý giá bởi càng lớn tuổi, sức khoẻ càng yếu đi. Giờ đây, tôi thấy sức khoẻ là quan trọng nhất. Thế nên, tôi rất nghiêm khắc với bản thân mình, để làm sao sức khoẻ vẫn đảm bảo, vẫn có thể hát và dạy, sống vui vẻ với gia đình và con cháu.
Link gốc:
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/nguoi-vo-kin-tieng-dam-dang-cua-nsnd-quang-tho-809149.html?