Chợ Việt tại Nga trước giờ “G”:

Người Việt về nước “nghỉ đông” tìm đối sách

Người Việt về nước “nghỉ đông” tìm đối sách
TPO - Từ hôm nay, 15/1/2007, Chính phủ Nga quyết định giảm 40% số người nước ngoài bán lẻ tại các chợ Nga và sau 1/4 đến hết năm 2007 không cho phép tất cả lao động nhập cư đứng sau các quầy hàng.
Người Việt về nước “nghỉ đông” tìm đối sách ảnh 1
Trưng biển “Người địa phương bán hàng ở đây”

Động thái này của Chính phủ Nga ảnh hưởng trực tiếp đến người nước ngoài đang buôn bán ở Nga nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng. Người Việt và người Hoa có lẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phần lớn trong số họ đang trực tiếp bán hàng ở chợ và các kiốt.

Nước đã đến chân…

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hầu hết những người Việt mà chúng tôi gặp trong thời gian gần đây đều chưa thực sự nhận thức đến hậu quả có thể của “cơn bão” đang đến sát gáy.

Một trong nhiều lý do là phần đông chỉ nắm thông tin lơ mơ. Anh Khôi Nguyên, quê Hà Nội, là người bán hàng lâu năm và có vốn liếng lớn ở chợ Vòm, cho đến giờ vẫn không muốn tin là sẽ có chuyện cấm đoán “lạ đời” như vậy.

Những ai biết rõ chuyện thì cũng chưa tìm ra đối sách. Chị Hồng Thắm, quê Nam Định, cũng bán hàng ở chợ, tâm sự: “Mấy tháng nay bọn em nghe quá nhiều tin xấu rồi, giờ không muốn nghe thêm một cái gì nữa. Đến đâu hay đấy. Biết trước cũng không thay đổi được gì”.

Lời nói của chị Hồng Thắm thể hiện tâm trạng chung của cộng đồng người Việt ở Nga. Nước đến chân, cứ chờ xem. Đến đầu gối mới… nhảy. Với lại “nhảy” đi đâu khi xung quanh đều “ngập nước”.

Một đại diện của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, trao đổi với PV :

“Phần đông bà con ta rất thụ động, kinh doanh theo thói quen. Tình hình nước Nga thay đổi nhiều nhưng cách buôn bán của ta không thay đổi. Hội Doanh nghiệp đã cảnh báo rằng lối “kinh doanh chợ” dù đang thích hợp và đem lại thu nhập không nhỏ nhưng về lâu về dài sẽ phải thu hẹp lại.

Lý do chính là người Nga mỗi năm một giàu hơn, họ hướng đến các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên như nấm ở các thành phố lớn. Khách hàng Nga ngày càng khó tính, họ không chỉ đòi hỏi hàng hóa phải chất lượng, đẹp, an toàn mà còn chuộng thương hiệu nổi tiếng và xuất xứ rõ ràng. Giá cả không phải là điều quyết định.

Thực tế cho thấy các chợ bán hàng tiêu dùng ở Mátxcơva chủ yếu phục vụ khách các tỉnh xa thông qua những người buôn chuyến. Một lý do nữa là chính quyền liên bang và thành phố Mátxcơva đã nhiều lần lên tiếng về việc phải lập lại trật tự các khu chợ, giảm bớt chợ, biến chợ thành các trung tâm thương mại văn minh.

Quyết định ngày 15/11 của Thủ tướng Mikhain Phrátcốp không đơn thuần là bảo vệ lợi ích người bản địa tại các chợ mà còn là một bước trong tiến trình văn minh hóa khâu tiêu thụ hàng hóa”.

Lời đáp cho câu hỏi: “Anh, chị sẽ làm gì sau ngày 15/1 hoặc 1/4/2007?” mà chúng tôi nhận được chủ yếu là “Không biết”, “chưa nghĩ đến”, “chắc nói thế thôi chứ thực tế sẽ không như vậy”, “Chờ xem rồi tính”...

“Thuê Tây” và “nghỉ đông”

Người Việt về nước “nghỉ đông” tìm đối sách ảnh 2

“Người địa phương” ở ngoại ô Mátxcơva tự ý kiểm tra các chợ, cản trở người nước ngoài bán hàng. Trong ảnh : “Thanh niên tự quản” kiểm tra giấy tờ của người nhập cư.

Phương án thuê người Nga bán hàng cũng được tính đến. Anh Mười Tân, quê Hưng Yên, cho biết trước đây có thời kỳ người nước ngoài cũng không được bán hàng ở chợ và thế là người Việt, người Hoa, người Thổ Nhĩ Kỳ, Ápganixtan... thuê những người có ngoại hình Xlavơ bán thay.

Tuy nhiên, có thể sắp tới mọi việc không đơn giản như vậy. Bởi lẽ các đối tượng bán hàng mà “người nước ngoài xa” (không nằm trong SNG) thường nhằm đến là công dân Ucraina, Bêlarút, tiếp đến là người Mônđôva thì sau 15/1/2007 cũng thuộc diện bị hạn chế đứng sau quầy hàng.

Mà thuê người Nga thực sự, dù là ở tỉnh xa, cũng không dễ vì phải trả lương cao, tuân thủ chặt chẽ Luật Lao động... và hơn nữa, những người này ít có “năng khiếu bán hàng”, không thật chiều khách, mà như vậy thì việc kinh doanh sẽ không đem lại lợi nhuận nữa. Chưa tính đến chuyện cách làm này có được hợp pháp hóa hay không, chỉ riêng việc tìm ra vài triệu người Nga ra chợ bán hàng đã khó khả thi.

Một lượng lớn người Việt làm ăn lâu năm ở Nga và có ít nhiều vốn liếng đã quyết định về nước “nghỉ đông”, sau ngày 15/1 sẽ quay lại xem tình hình ra sao rồi tính tiếp.

Bình thường, trừ những người chuyên kinh doanh hàng da, lông thì mùa đông không phải là dịp làm ăn thuận lợi. Nhưng năm nay mọi việc còn khó khăn hơn. Lượng hàng từ Việt Nam “đánh” sang không đáng kể, người Việt ở Nga chủ yếu trông chờ vào hàng Trung Quốc và hàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời gian gần đây cả hàng Trung Quốc lẫn hàng “Thổ” đều khan hiếm trong khi sản phẩm phục vụ mùa đông đang vào chính vụ. Mùa đông năm nay khác thường, giữa tháng giêng mà không có tuyết, nhiệt độ cao nên mặt hàng áo ấm khó bán.

Anh Bình Trung, quê Thanh Hóa, làm ở một Cty chuyên đảm trách khâu vận chuyển hàng hóa của cộng đồng, thông báo rằng có vẻ cộng đồng người Hoa có sự thống nhất chung về việc “đánh” hàng sang Nga, lượng hàng Trung Quốc hiện nay giảm hẳn.

Có thể đó là chiến lược để bán cho hết hàng tồn kho, cũng có thể các chủ hàng Trung Quốc đang nghe ngóng tình hình, chờ mọi việc rõ ràng mới tiếp tục hoạt động.

Rõ ràng thông tin về hạn chế dần người nước ngoài bán hàng ở chợ đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh từ khá lâu trước khi quyết định của Chính phủ Nga có hiệu lực.

Quang Vinh
Từ LB Nga

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.