Người Việt và giấc mơ gây rừng dựng núi

Một góc hồ cảnh quan hồ nhân tạo tại Công viên Trung tâm New York
Một góc hồ cảnh quan hồ nhân tạo tại Công viên Trung tâm New York
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tản Viên Sơn Thánh lại được nhắc đến đầu tiên khi nói về bốn vị thánh bất tử của người Việt Nam. Gắn liền với thần thoại Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, câu chuyện “nước dâng đến đâu, đồi núi cao lên tới đó” là lời truyền cho thế hệ sau về khát vọng và tài năng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của tổ tiên người Việt.

Tiếp nối giấc mơ ấy, chúng ta ngày nay sáng tạo và dựng xây không phải chỉ để chinh phục mà là để chung sống và bảo vệ. Một sự hiện diện hợp pháp và văn minh của con người giữa tự nhiên không chỉ thay đổi đời sống của chúng ta mà còn góp phần bảo vệ tự nhiên khỏi những tác động tiêu cực từ chính con người.

Khai thác không gian rừng núi - không ngẫu nhiên mà là tất nhiên

Trong 233 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế  giới, Việt Nam đứng thứ hạng 14 về dân số - một con số không hề khiêm tốn và không ngừng tăng lên. Trong khi đó, diện tích Việt Nam chỉ ở thứ 65 – và gần như sẽ không còn thay đổi nào đáng kể. Một so sánh đơn giản với người láng giềng Thái Lan - vốn được mệnh danh là đất nước với những trận tắc đường “khét tiếng thế giới”: mật độ dân cư trung bình của Thái Lan chỉ bằng gần một nửa của Việt Nam (134 người/km2 so với 308 người/km2). Người sinh sôi, đất thì không như vậy. Nếu chỉ “trông cậy” vào không gian đồng bằng hay đô thị vốn có, quy hoạch nào chịu được sức tăng của dân số và áp lực đô thị hoá?

Đó là chưa kể đến, một phần lớn không gian đồng bằng phải ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp. Dưới áp lực của đô thị hoá, không ít không gian sản xuất nông nghiệp đã bị hạn chế và chuyển đổi. Hệ quả để lại ở khía cạnh kinh tế và xã hội là điều chúng ta đã nói nhiều, nói mãi và không thể để tiếp diễn. Vậy còn giải pháp thì sao? Chúng ta có lối đi nào khi dân số vẫn tăng còn diện tích đất ở vẫn dậm chân tại chỗ?

Ba phần tư diện tích Việt Nam là đồi núi. Địa hình đồi núi trải dài từ Tây Bắc đến Đông Nam, đã chia cắt dải đất hình chữ S của chúng ta thành những vùng nhỏ hẹp. Khai thác hiệu quả không gian rừng, núi là xu hướng tất yếu để giảm thiểu áp lực dân số tại nhiều khu vực, mở rộng không gian để sáng tạo các giải pháp quy hoạch mới. Từ xa xưa, người Việt Nam đã biết tận dụng địa hình đồi núi để làm ruộng bậc thang, vừa giữ nước vừa trồng trọt, trở thành những công trình nông nghiệp – mỹ thuật tuyệt vời, đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc. Đó là cách con người hoà hợp với thiên nhiên. Vậy thì ngày nay, với những tri thức hiện đại về quy hoạch và môi trường, chúng ta hoàn toàn có thể tìm một hướng đi khuyến khích sự hiện diện của con người ở không gian rừng núi trong khi đảm bảo sự cân bằng và phát triển của tự nhiên.

Gần một phần ba diện tích che phủ rừng ở Việt Nam hiện nay là rừng trồng, một minh chứng rõ hơn nữa về sự hiện diện “tích cực” của con người trong tự nhiên. Bên cạnh đó, vẫn còn hơn 5 triệu ha đất trống đồi núi trọc, chiếm đến 13,5% diện tích đất tự nhiên tại Việt Nam, chưa được khai thác hiệu quả, hiện đang được sử dụng canh tác nhỏ lẻ hoặc chưa khai thác. Đất đồi núi không có rừng, không được khai thác phải đối mặt với nguy cơ bị thoái hoá hoặc rửa trôi nghiêm trọng – không chỉ là lãng phí mà còn trở thành hiểm hoạ không nhỏ cho hệ sinh vật và đời sống của con người khu vực thấp hơn. Ngoài trồng rừng phủ xanh đơn thuần, quy hoạch những không gian này trở thành nơi hài hoà giữa tự nhiên và con người là giải pháp lý tưởng. Lý tưởng là bởi chẳng có phương pháp bảo vệ tự nhiên nào chắc chắn hơn sự hiện diện của con người một cách hợp lý và hợp pháp.

Giống như Đà Lạt một thời, với những bản quy hoạch cổ điển, đưa đời sống con người “nép dưới” những tán thông, thành phố ấy đã sống cùng thiên nhiên thật lãng mạn và đẹp đẽ biết bao. Vậy tại sao chúng ta của ngày nay - với thể chế thuận lợi, công nghệ hiện đại và những ước mơ tốt đẹp - lại không thể làm nên những công trình như vậy?

Đưa thành phố vào rừng, đưa rừng vào thành phố

Không chỉ có người Việt chúng ta mới trăn trở về điều này. Những quốc gia công nghiệp đã đi tìm lời giải cho câu hỏi mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển từ lâu. Đưa sự hiện diên của thiên nhiên giữa đời sống con người và đưa đời sống con người vào giữa thiên nhiên – là điều hoàn toàn có thể.

Đến với New York, không thể không thăm Công viên Trung tâm New York (New York Central Park), một tổng thể tự nhiên rộng 341 héc-ta nằm chính giữa những toà nhà chọc trời của thành phố New York náo nhiệt. Đây là điều phi thường mà thành phố này làm được từ thế kỷ giữa thế kỷ 19. Ra đời năm 1857, Công viên Trung tâm New York đến nay vẫn tồn tại như một khu rừng giữa lòng đô thị hiện đại bậc nhất thế giới, hàng năm thu hút đến gần 40 triệu lượt khách tham quan và đóng góp tớ 37,5 triệu USD và GDP bình quân của xứ cờ hoa. Những con người đô thị được hít thở bầu không khí trong lành, có khoảng không gian xanh gồm hệ thống cây xanh, tượng đài, hồ điều hoà – không phải là mơ ước viển vông.

Người Việt và giấc mơ gây rừng dựng núi ảnh 1 Toàn cảnh Công viên Trung tâm New York từ trên cao

Cũng là một thành phố nằm giữa địa hình đồi núi, Beverly Hills trở thành cái tên “bạch kim” trong giới bất động sản của Mỹ. Quy hoạch không gian sống ở Beverly Hills được được phân cấp rất rõ ràng: khu vực càng có độ cao lớn, càng có tầm nhìn rộng, càng gần các khu vực tự nhiên, càng có giá cao. Đặc biệt, có những khu vực cảnh quan trên đồi cao, được khoanh vùng tới hàng chục héc-ta một giao dịch, không giao dịch nhỏ lẻ để đảm bảo cảnh quan tự nhiên. Biệt thự tại đây khi thiết kế cũng phải tuân thủ tỷ lệ nhất định về diện tích và chiều cao để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Các bất động sản có diện tích nhỏ hơn được phân bố đều xuống phần không gian có độ cao thấp hơn, xa khu vực tự nhiên hơn. Tuy nhiên, diện tích mỗi đơn vị giao dịch cũng được đảm bảo, không chia lẻ dưới 300 mét vuông. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình tại khu vực này cũng dao động từ mức 87.000 USD/năm (hơn 2 tỷ đồng một năm) trở lên. Người nổi tiếng và những nhân vật tầm cỡ tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới chọn đây làm nơi để sống, làm việc, sáng tạo và nghỉ ngơi. Không gian thiên nhiên là điều kiện lý tưởng nhất cho sáng tạo và nghiên cứu. Bởi vậy, những nhân vật sở hữu bất động sản tại đây cũng đặc biệt trân trọng và có ý thức bảo vệ khu vực cảnh quan này.

Người Việt và giấc mơ gây rừng dựng núi ảnh 2 Một góc thành phố Beverly Hills từ trên cao
Người Việt và giấc mơ gây rừng dựng núi ảnh 3 Cảnh quan quy hoạch một khu biệt thự tại Beverly Hills

Giữ rừng giữa phố và mang phố vào rừng – những giấc mơ đó đã thành hiện thực – không chỉ ở Mỹ. Công viên Richmon ở ngay phía Tây Nam thủ đô London nước Anh, khu rừng Grunewald ngay mặt phía Tây thủ đô Berlin của Đức hay Garden by the Bay tại Sinapore – tất cả đều là những khu dự trữ thiên nhiên và bảo tồn động thực vật nổi danh ngay trong đô thị. Người dân nước Anh đã lên kế hoạch biến London thành Thành phố Công viên Quốc gia vào năm 2050 với ước mơ phủ xanh 50% diện tích thành phố. Vậy chúng ta, một đất nước có rừng vàng biển bạc, ước mơ của chúng ta là gì? 

Và giấc mơ của người Việt Nam

Giấc mơ về đô thị giữa rừng, rừng giữa đô thị không viển vông, mà nằm trong tầm tay của những trí tuệ Việt, tài năng Việt sẵn sàng cống hiến vì tương lai của người Việt. Tôi và Trầm Hương Khánh Hoà đã đi những hành trình không biết mệt mỏi đến Hoa Kỳ, đến các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất và nhiều nơi trên thế giới, để ngắm nhìn những đô thị giữa thiên nhiên, để nói về giấc mơ của Việt Nam, để đưa những trí tuệ thế giới về với Việt Nam. Trên hành trình đó, những nhà khoa học, nhà kinh tế hàng đầu từ Đại học Harvard và MIT đã cùng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Nha Trang, Khánh Hoà và đã bày tỏ tình yêu, lòng ngưỡng mộ với vẻ đẹp kỳ vĩ của một vùng trời biển Việt Nam. “Được sống và cống hiến trong một không gian thiên đường như vậy là giấc mơ của bất cứ ai”, Giáo sư John Quelch - thầy phù thuỷ Marketing cũng là người đồng sáng lập bộ môn Marketing của trường kinh doanh Harvard - đã chia sẻ với tôi như thế.

Vậy thì, tại sao phải đi tìm giấc mơ ở đâu khác, hãy để chính những bàn tay của người Việt Nam đưa trí tuệ thế giới đến Việt Nam, cùng trí tuệ và bàn tay Việt Nam xây dựng ước mơ. Quan trọng hơn cả, ước mơ đó phải do chúng ta làm chủ, phải vì người Việt và cho người Việt. Thay vì thu mình lại để hoài nghi, chúng ta hãy cùng tư duy, cùng sáng tạo để sự hiện diện của thiên nhiên trong đời sống con người, sự hiện diện của con người văn minh giữa thiên nhiên trở nên tuyệt vời. Chúng ta – những người Việt Nam – sẽ đứng ở núi của mình, biển của mình không chỉ bằng những dàn khoan những toà nhà bê-tông cốt thép đơn thuần mà bằng những công trình kỳ vĩ về chất xám, những công trình vì thiên nhiên và vì cả con người.

Những ngày này, khi những huyên náo quanh câu chuyện thành phố mọc lên giữa rừng đã tạm lắng xuống, chúng ta mới có lại những phút lắng lại để lắng nghe nhau, để hiểu và bao dung với giấc mơ của nhau dù có khác biệt. “Chúng ta” ở đây bao gồm cả các doanh nghiệp, những người yêu tự nhiên, cả cộng đồng xã hội, cả tôi và các bạn. Mọi giấc mơ hướng đến những điều tốt đẹp đều xứng đáng được tồn tại, được theo đuổi và ủng hộ. Những giấc mơ đó có thể khoác vô vàn tấm áo khác nhau. Nhưng tôi tin, giấc mơ của chúng ta, của các doanh nghiệp hay những người yêu môi trường, đều hướng đến chung một mục tiêu đáng trân trọng – làm cho đất nước này tốt đẹp hơn. Mọi hành trình đều bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Chẳng sự tốt đẹp nào có thể được sinh ra từ sự hoài nghi hay bài xích. Vậy thay thì quay lưng hoài nghi nhau, hãy cùng ngồi lại để lắng nghe nhau và cùng sáng tạo, cùng cống hiến.

Tôi ngưỡng mộ tài năng, trí tuệ của người Việt từ những câu chuyện thần thoại xa xưa như Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Cha ông ta đã khéo léo gửi vào câu chuyện bài học về tình đoàn kết, về ý chí chinh phục những thách thức khó khăn và về giá trị của sáng tạo cũng như lao động. Tôi tin dòng máu Việt Nam, trí tuệ Việt Nam mà cha ông truyền lại cho mình, đã giúp tôi làm nên Trầm Hương Khánh Hoà quý giá từ những thân cây bị thương như thế nào thì cũng sẽ giúp chúng ta biến mọi giấc mơ khác thành hiện thực như thế.  

MỚI - NÓNG