Người viết 'tự truyện' đoạt giải Nobel Văn học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Văn học cho nhà văn người Pháp Annie Ernaux, ca ngợi sự nghiệp 50 năm khám phá “một cuộc sống được đánh dấu bởi những khác biệt lớn về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp” của bà.
Người viết 'tự truyện' đoạt giải Nobel Văn học ảnh 1

Nhà văn Annie Ernaux thời trẻ

Trong nhiều thập kỷ, nhà văn Pháp Annie Ernaux đã mổ xẻ những khoảnh khắc nhục nhã, riêng tư và tai tiếng nhất trong quá khứ của bà một cách vô cùng chi tiết. “Tôi sẽ thực hiện một nghiên cứu dân tộc học về chính bản thân mình”, bà viết trong cuốn hồi ký “Nỗi nhục” năm 1997.

Thứ Năm (6/10), bà đã được trao một trong những danh hiệu cao quý nhất của văn học, giải Nobel. Các tác phẩm của bà Ernaux đặc biệt nói đến phụ nữ và những người, giống như bà, đến từ tầng lớp lao động. Bà kể lại quá trình lớn lên của mình trong một thị trấn nhỏ ở Normandy, một vụ phá thai bất hợp pháp của bà vào những năm 1960, sự không hài lòng của bà với cuộc sống gia đình, và một cuộc ngoại tình nồng nàn.

Đó là một quyết định khác thường của Ủy ban Nobel, lựa chọn tôn vinh một nhà văn có tác phẩm được đúc kết từ những trải nghiệm cá nhân và thường ngày. Ông Mats Malm, thư ký của Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan quyết định giải thưởng, đã ca ngợi “lòng dũng cảm và sự nhạy bén trong cách bà đã khám phá gốc rễ và vượt qua những hạn chế trí nhớ bản thân”.

Tại một cuộc họp báo tại văn phòng xuất bản của mình ở Paris, Gallimard, bà Ernaux, 82 tuổi, hứa sẽ tiếp tục viết. “Đối với tôi, nhận được giải Nobel là khẳng định một trách nhiệm tôi phải tiếp tục đảm nhiệm”, bà nói.

Đặc biệt, bà muốn không ngừng xem xét sự bất bình đẳng và những cuộc đấu tranh mà phụ nữ phải đối mặt. “Tôi vẫn chưa cảm thấy rằng chúng ta, những người phụ nữ, đã được trở nên bình đẳng về tự do và quyền lực”.

Bà Ernaux là người phụ nữ thứ 17 được trao giải, cho dù giải thưởng này đã được trao cho 119 nhà văn kể từ khi nó được thành lập vào năm 1901. Bà là người phụ nữ thứ hai nhận giải trong ba năm sau bà Louise Glück, nhà thơ người Mỹ, vào năm 2020.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, bà Ernaux đã viết tự truyện giả tưởng, nhưng bà nhanh chóng từ bỏ ý tưởng phát minh ra một cốt truyện và bắt đầu viết hồi ký, mặc dù bà thường phản đối việc dán nhãn tác phẩm của mình bất kể là hư cấu hay phi hư cấu.

“Mọi điều bà ấy viết, mọi từ ngữ, đều đúng theo nghĩa đen và thực tế”, ông Dan Simon, người sáng lập nhà xuất bản Seven Stories Press, công ty đã xuất bản các tác phẩm của Ernaux bằng tiếng Anh trong 31 năm, cho biết. “Thế nhưng đây là những tác phẩm tuyệt vời của trí tưởng tượng”.

Những trải nghiệm mà bà viết trong những năm 1980 và 1990 - mang thai ngoài ý muốn và phá thai, những cuộc tình của bà, mâu thuẫn về hôn nhân và làm mẹ - có thể là những chủ đề gây sốc, nhưng gây được tiếng vang sâu sắc với một lượng độc giả rộng rãi.

Bà Ernaux đã mô tả việc viết lách của mình là một hành động chính trị, nhằm bộc lộ sự bất bình đẳng xã hội, và đã so sánh việc sử dụng ngôn ngữ với “một con dao”. Bà nhận ảnh hưởng từ nhà triết học Simone de Beauvoir, nhà xã hội học Pierre Bourdieu và bởi biến động xã hội những năm 1960, khi có nhiều cuộc biểu tình, đình công và bất ổn dân sự ở Pháp.

Bà thường đặt những kinh nghiệm và ký ức riêng tư của mình trong bối cảnh văn hóa và xã hội Pháp, vẽ ra những điểm tương đồng giữa cuộc sống của bà và những cuộc đấu tranh của phụ nữ và tầng lớp lao động. Tác phẩm của bà đã ghi lại khoảnh khắc xã hội Pháp thay đổi mạnh mẽ, rời xa các giá trị Công giáo truyền thống và hướng tới sự giải phóng tư tưởng.

“Khi bà mới bắt đầu sự nghiệp, mọi việc đã rất khó khăn với cách bà đặt bản thân và cuộc sống của mình vào trung tâm của những câu hỏi lớn về sự thay đổi xã hội ở Pháp”, tiểu thuyết gia Hari Kunzru, người thường dạy tác phẩm của bà Ernaux tại Đại học New York, cho biết. “Đối với nền văn học thời đó, một phụ nữ thuộc tầng lớp lao động ở miền Bắc nước Pháp không được phép làm vậy, nhưng bà đã tự tạo cho mình một chỗ đứng rất mạnh mẽ. Bà muốn nói về những vấn đề chung thông qua cái riêng”.

Người viết 'tự truyện' đoạt giải Nobel Văn học ảnh 2
Sách của Annie Ernaux được trưng bày tại Học viện Thụy Điển ở Stockholm sau khi bà được công bố nhận giải Nobel Văn học năm 2022

Bà Ernaux sinh năm 1940, và lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Yvetot, một thị trấn nhỏ ở Normandy, nơi cha mẹ bà có một cửa hàng tạp hóa và quán cà phê. Cha bà là một kẻ vũ phu, và khi nữ nhà văn mới 12 tuổi, bà nhìn thấy ông cố gắng giết mẹ bà, một sự kiện mà bà viết ngay trong dòng đầu tiên của cuốn “Nỗi nhục”: “Cha tôi đã cố giết mẹ tôi vào một ngày Chủ nhật tháng 6, vào lúc đầu giờ chiều”.

Bà Ernaux đã cố gắng viết văn trong thời gian học đại học, nhưng các nhà xuất bản đã từ chối cuốn sách của bà vì nó “quá tham vọng”. Bà đã không viết lách trở lại cho đến 30 tuổi, khi đó bà đã kết hôn, là một bà mẹ hai con, và làm giáo viên tiếng Pháp.

Từ đó dẫn đến tác phẩm đầu tiên của bà được xuất bản vào năm 1974, “Sạch sẽ”, một cuốn tiểu thuyết - tự truyện sâu sắc mà bà đã bí mật với chồng, người đã coi thường khả năng viết lách của bà. Sau khi bà bán cuốn sách cho nhà xuất bản Gallimard, chồng bà đã vô cùng tức giận, và cuộc hôn nhân của họ tan vỡ ngay sau khi bà xuất bản cuốn sách thứ ba “Người phụ nữ đóng băng” vào năm 1981. Sau khi ly hôn, bà Ernaux không bao giờ tái hôn và nói rằng bà thích tự do sống một mình.

Bà Ernaux thường xuyên xem xét lại các sự kiện trong cuộc sống của mình từ các góc độ khác nhau. Cuốn hồi ký năm 2000 của bà, “Xảy ra”, tường thuật chi tiết việc phá thai của bà vào năm 1963 khi còn là một sinh viên đại học, một sự kiện quan trọng mà bà đã thể hiện trong văn học lần đầu tiên với “Sạch sẽ”. Sau khi kể lại mối tình của mình với một nhà ngoại giao trong “Niềm đam mê đơn giản”, bà đã cho độc giả một cái nhìn thêm về mối quan hệ đó khi bà phát hành nhật ký của mình, từ năm 1988 đến năm 1990, trong một cuốn có tựa đề “Lạc lối”.

“Giọng văn của bà vô cùng bộc trực”, nhà phê bình Dwight Garner của tờ Times viết trong bài đánh giá cuốn sách này. “Cứ như thể bà đang dùng dao khắc từng câu lên mặt bàn vậy”.

Các học giả, nhà phê bình và các tác giả đồng nghiệp đã ca ngợi tác phẩm của bà Ernaux vì cách bà kết nối ký ức cá nhân với kinh nghiệm cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ và thành viên của tầng lớp lao động. Theo nhà văn người Pháp Édouard Louis, bà Ernaux cũng đã phá bỏ những giới hạn của văn học.

Người viết 'tự truyện' đoạt giải Nobel Văn học ảnh 3
Tranh: Kim Duẩn

“Bà ấy đã đạt được một cuộc cách mạng cực kỳ quan trọng trong văn học, tránh xa những phép ẩn dụ, những câu văn mỹ miều và nhân vật đẹp đẽ”, ông Louis nói. “Annie Ernaux đã không cố gắng để phù hợp với các định nghĩa hiện có về văn học, về cái đẹp. Bà ấy đã nghĩ ra khái niệm của riêng mình”.

Mặc dù Ernaux đã được tôn vinh từ lâu ở Pháp và đã được dịch rộng rãi trong nhiều thập kỷ, nhưng bà mới thật sự được công nhận quốc tế khi cuốn hồi ký “Những năm tháng” của bà lọt vào danh sách đề cử cho Giải thưởng Sách Quốc tế năm 2019. Cuốn sách vừa là một tự truyện chứa kinh nghiệm riêng của bà Ernaux, vừa là một cuốn hồi ký về nước Pháp thời hậu chiến, với tất cả diễn tiến của cuộc giải phóng tình dục và phát triển chủ nghĩa tiêu dùng.

Người viết 'tự truyện' đoạt giải Nobel Văn học ảnh 4
Nhà văn Annie Ernaux

“Đây không giống như bất kỳ cuốn tự truyện nào bạn từng đọc; bạn có thể gọi nó là một cuốn tự truyện tập thể”, tiểu thuyết gia Edmund White viết trên The New York Times.

Theo những người hâm mộ nhà văn Ernaux, một điều khiến những tác phẩm của bà trở nên phi thường là tính đời thường của những câu chuyện mà bà kể lại. Bà viết về sự tẻ nhạt của hôn nhân và việc làm mẹ, những bối rối của trải nghiệm tình dục lần đầu tiên, nỗi buồn khôn nguôi khi chứng kiến cảnh cha mẹ già yếu đi.

“Giọng điệu của bà vô cảm một cách đặc biệt, ngay cả khi bà đang nói về những chủ đề rất khó khăn”, nhà văn Francine Prose cho biết. “Tôi không thể nghĩ về bất cứ ai khác như bà ấy. Bạn thực sự không thể xác định thể loại này là gì, bởi vì đó không phải là tự truyện, nhưng cũng không hẳn là hồi ký. Cứ như thể bà ấy đã phát minh ra thể loại của riêng mình và trở thành bậc thầy của nó”.

Đối với bà Ernaux, trí nhớ và trải nghiệm cá nhân không phải là thứ chỉ nên được khai thác và viết ra một lần, mà là điều cần được lưu giữ và diễn giải lại liên tục.

“Đối với tôi, viết lách đã và vẫn là một cách để làm sáng tỏ những điều mà người ta cảm thấy không rõ ràng”, bà cho biết. “Viết lách là một con đường dẫn đến kiến thức”.

Theo nytimes.com, ngày 6/10/2022
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.