Ông nhận xét gì về sự thay đổi trong xã hội Hy Lạp hiện nay?
Trước khủng hoảng, đến với Hy Lạp, người ta cảm giác đến với chốn phồn hoa đô hội. Các khu vực đền đài cổ, trung tâm văn hóa, khu thương mại, đường phố chính luôn sầm uất, nhộn nhịp người tham quan, mua-bán, biểu diễn nghệ thuật ngoài trời. Buổi tối các nhà hàng, các quán cà-phê, bar, luôn kín chỗ, không đặt sớm thì không có chỗ… Nay, trên các đường phố, ngày càng xuất hiện nhiều các tấm biển rao bán hoặc rao cho thuê cửa hàng, cửa hiệu mà ít người hỏi thuê hay mua.
Tối đến, không khí càng ảm đạm hơn, các nhà hàng, quán bar vắng khách; nhiều cửa hiệu, nhiều căn hộ không bật đủ đèn để đỡ tốn tiền điện … tương phản với ánh sáng lung linh, ngập tràn trước đây.
Người dân Hy Lạp đang phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Thất nghiệp khiến nhiều người Hy Lạp có ý định ra nước ngoài tính kế sinh nhai. Còn cộng đồng người Việt tại Hy Lạp thì sao, thưa đại sứ?
Điều rất đáng mừng và đáng tự hào là trong hai năm qua, đa số người Việt tại Hy Lạp đã duy trì các hoạt động kinh doanh, làm ăn, học tập của mình. Phần đông bà con ta là chủ nhà hàng hoặc làm trong các nhà hàng vì vậy đều phải đối mặt với thực tiễn khó khăn hàng ngày, lượng khách giảm trong khi chi phí tăng vì các khoản phí. Cho tới nay, chưa có nhà hàng của người Việt Nam nào phải đóng cửa mặc dù bà con đều phải tiến hành những điều chỉnh nhất định trong cách thức làm ăn.
Không chỉ như vậy, cộng đồng người Việt Nam tiếp tục giữ được truyền thống là một trong số ít cộng đồng nhập cư được đánh giá cao nhất về sự tuân thủ luật pháp, hòa nhập vào đời sống nước sở tại.
Báo chí nước ngoài đăng tải hình ảnh hàng dài người dân xếp hàng nhận đồ ăn cứu trợ, thực tế thì thế nào?
Cộng đồng người Việt tại Hy Lạp có khoảng 500 người. Đại sứ quán Việt Nam đầu tiên tại Hy Lạp đã được chính thức thành lập vào tháng 12 - 2010 ngay tại trung tâm của khu vực có đông trụ sở các cơ quan ngoại giao và lãnh sự nhất tại thủ đô Athens.
Thông tin về cuộc khủng hoảng nợ công - đang dần trở nên một cuộc khủng hoảng nhiều mặt - tràn ngập trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Có những thông tin, hình ảnh về bạo lực, biểu tình gắn với bạo lực. Các thông tin đó không sai nhưng không phản ánh hết sự thật. Đại đa số người dân và các đảng phái chính trị đều phản đối bạo lực, không chủ trương bạo lực. Chỉ có một số kẻ cố tình gây rối tại khu vực quảng trường Hiến pháp ở trung tâm Athens và một vài điểm khác. Tình hình nhìn chung là yên ổn, trật tự.
Về thông tin những hàng người đi nhận các suất thức ăn cứu tế trên đường phố tại Athens. Thực ra, từ nhiều năm nay, kể cả những lúc Hy Lạp “cao giá” nhất, Nhà nước có chính sách phúc lợi loại hàng đầu thế giới này đã thực hiện việc cứu tế về lương thực, thực phẩm, dược phẩm, thậm chí cả những món tiền nhỏ cho những người thất nghiệp hoặc vô gia cư. Nay thì hàng người có vẻ dài hơn, có cả những người trẻ tuổi và cái giá rét dưới trời mưa tuyết càng làm lòng người thấy thương cảm hơn.
Được biết, trong thời điểm khó khăn, Đại sứ quán vẫn tổ chức cuộc gặp mặt đón xuân Nhâm Thìn cho cộng đồng người Việt tại Hy Lạp?
Đúng thế. Cuộc gặp mặt có sự tham gia của khoảng 200 người gốc Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại các vùng khác nhau ở Hy Lạp như Rafina, Elefsina, đảo Rhodos… và nhiều gia đình Việt - Hy, Việt - Philippines, Việt - Hoa, Việt - Pháp và các gia đình ngoại giao cao cấp Việt - Hungary, Việt - Tây Ban Nha.
Ban tổ chức đã dàn dựng được một chương trình đậm hồn dân tộc trong một không gian màu sắc, truyền thống với các điệu múa lân, các làn điệu dân ca và các món ăn đậm đà hương vị tết Việt như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, giò chả, nem… Cuộc gặp mặt đó có tiếng vang lớn và để lại âm hưởng sâu rộng trong cộng đồng người Việt tại Hy Lạp, bạn bè Hy Lạp.
Xin cảm ơn ông!
Lan Anh thực hiện