Người Việt khôi phục thánh địa Phật giáo ở Nepal

Người Việt khôi phục thánh địa Phật giáo ở Nepal
TP- Ngày 17/12/2005, tại Nepal, một ngôi chùa Việt Nam đã được long trọng khánh thành nhờ tâm sức 12 năm trời của thầy Huyền Diệu, người nổi tiếng với việc xây chùa Việt Nam ở Án Độ.
Người Việt khôi phục thánh địa Phật giáo ở Nepal ảnh 1
Thầy Huyền Diệu trong một lần về thăm Tổ quốc, ông Vũ Kỳ (nguyên thư ký của Bác Hồ) và tác giả

Văn hóa chùa Việt Nam như một điểm sáng khai hóa cả một vùng được dân sở tại ca ngợi, tri ân.

…Thầy quê Bến Tre. Sinh năm 1948. Cha nhà Nho, mất sớm. Đặt tên con là Lâm  Trung Quốc, dặn lại vợ: Gửi gắm hy vọng nơi con – “Trung với Nước”. Quốc ốm quặt quẹo.

Năm lên sáu theo mẹ xuất gia, theo quẻ tử vi, nương nhờ nơi cửa Phật may ra khỏi chết yểu. Thầy Hoàng Nhơn trên chùa Thất Sơn còn đặt phật danh Thích Huyền Diệu mong ở tương lai  làm nên nhiều điều tốt đẹp.

Quê hương “đồng khởi” – chùa chiền bị đốt phá, sư sãi bị bắn giết. Bà Nguyễn Thị Ngưu cùng con ra Đồng Nai tránh nạn.

Ngày 6/11/1963, chú tiểu Huyền Diệu tham gia bảo vệ Hòa thượng  Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt Sài Gòn, bị chính quyền Diệm - Nhu kết án trục xuất biệt xứ.

Anh sang Pháp kiếm sống, vào học đại học Sorbonne, đậu hai bằng Tiến sĩ, thành giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học. Và vẫn tiếp tục tu hành, giảng đạo.

Xây chùa ở Ấn Độ

Người Việt khôi phục thánh địa Phật giáo ở Nepal ảnh 2

Thầy cả U.Nyaneinda mặc áo đỏ ngồi sau trên lưng voi

Năm 1969, được một giáo sư Pháp giúp đỡ, anh sinh viên phật tử Huyền Diệu thực hiện được mơ ước cháy bỏng  từ lâu – hành hương về đất Phật, tới chiêm bái tại tất cả các thánh tích của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Như Na Lan Đa (Sarnath) nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên.

Câu Thi Gia (Kushinagar) nơi Phật lui về nghỉ và nhập Niết Bàn ở tuổi 80 v.v… Nhưng không đâu anh trăn trở, nhiều như ở Bồ Đề Đạo tràng, nơi Đức Phật tọa thiền 49 ngày suy ngẫm mà giác ngộ con đường cứu nhân độ thế.

Nơi góp mặt đủ chùa các nước sùng đạo Phật thì Việt Nam mình cũng phải có, dù chỉ bằng tranh tre để giới thiệu văn hóa chùa dân tộc đã vài ngàn năm “Phật tại tâm”, để người mình từ bốn phương hành hương về đây làm nơi nghỉ chân…

Vậy là anh thành tâm ngồi cầu nguyện dưới gốc cây bồ đề để Trời Phật và Hồn thiêng Tổ quốc độ trì giúp anh một ngày đạt được ước nguyện.

Ngày ấy 18 năm sau mới thành sự thật: Anh đủ tiền tậu được đám đất và làm lễ động thổ – 24/5/1987. Tiền đi dạy thuê, hảo tâm của mọi người được đến đâu xây tiếp đến đó theo một thiết kế “độc đáo chùa Việt Nam”.

Vườn chùa nằm giữa cánh đồng. Mái chùa cong vắt ẩn giữa cây lá xanh tươi. Bước qua cổng tam quan là đầy ắp quang cảnh, không khí chùa chỉ có ở quê ta, từ kiến trúc tổng thể vườn chùa đến lối đi, luống rau, ruộng lúa…

Chùa các nước xây bên mặt phố, kiến trúc đồ sộ, thâm nghiêm, u tịch. Chùa ta ngược lại – nhỏ thôi nhưng vươn cao trên ngàn cây những mái cong bất khuất.

Bản đồ hình chữ S đắp nổi từ xa vài cây số đã nhìn rõ trên biển dẫn đường vào chùa. Sau chính điện trên tầng hai thờ Phật, còn có bàn thờ Tổ quốc, thờ anh linh người có công với dân, với đạo.

Thầy tâm sự: Từng có mấy phật  tử nước ngoài giàu có điện hỏi: “Nghe nói xây chùa xong thầy sẽ treo cờ đỏ sao vàng và ảnh ông Hồ Chí Minh khắp nơi phải không?”. Thầy vặn lại: “Ai nói vậy?”. “Có người nói thế?”. “Thế thì họ nói đúng”.

Thế là điện thoại cúp và rồi khoản hỗ trợ đã hứa cũng cúp luôn, cả vài triệu USD.Lại có những vị “vặn vẹo”, thiếu gì cách đặt tên chùa mà cứ phải đặt Việt Nam Phật Quốc tự, mà lại cả hai chùa đều cùng một tên gọi?

Thầy giảng giải đại để: Đất nước có trước, đạo Phật có sau, mà đạo ấy – đạo của nước mình, mang bản sắc văn hóa dân tộc mình, có trách nhiệm bồi bổ tinh hoa quốc hồn quốc túy trong đạo pháp mang bản sắc dân tộc – cũng giống như bổn phận con cháu phải kế nghiệp làm rạng rỡ tiếng thơm của cha ông, phải uống nước nhớ nguồn.

Tâm nguyện ấy của thầy càng được dịp thể hiện rõ khi xây Việt Nam Phật Quốc tự thứ hai tại Lâm Tì Ni (Lumbini) nơi Phật sinh.

Khôi phục thánh địa ở Nepal

Người Việt khôi phục thánh địa Phật giáo ở Nepal ảnh 3

Thầy Huyền Diệu, chim Hồng Hạc, chiếc xe đạp... trong gian nhà lá ỏ góc vườn chùa Việt Nam ở Lâm Tì Ni

Lâm Tì Ni được xem là thánh tích của Phật giáo, nhưng đền chùa hầu như đã bị hủy hoại hết.Vua Nepal và nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới như ông Uthan – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) đều lên tiếng kêu gọi góp sức khôi phục Lâm Tì Ni đáng tầm như Mecca của Hồi giáo, Vatican – Thiên chúa giáo, Jerusalem – Do Thái giáo… Song, mọi lời kêu gọi chỉ rơi vào im lặng.

Cũng dịp đầu xuân 1969 trong chuyến hành hương về ấn Độ, thầy Huyền Diệu sang đây thành kính cầu nguyện xin đi trước khôi phục Thánh địa Phật sinh…24 năm sau, năm 1993, sự mầu nhiệm đã linh nghiệm: Quốc vương Birendra và Chính phủ Nepal đưa máy bay riêng sang ấn Độ đón thầy tới Lâm Tì Ni chọn đất xây chùa.

Lòng thành con người đứng trước thử thách ghê gớm: Thầy đang “sa lầy” vì hết tiền xây tiếp chùa ở ấn Độ. Anh em đạo hữu kịch liệt phản đối cho là thầy “hiếu danh” và mạo hiểm, không tưởng vì một mình cắm lều ở giữa rừng hoang đầy thú dữ, rắn độc mà trong túi chỉ vẻn vẹn … 60 đô la.

Nhưng trước hết, tính mạng thầy khó vẹn toàn giữa một vùng đạo Phật đã bị xóa sạch (và, sự thật, sống trong gian nhà dựng tạm, thầy 7 lần bị mưu sát. Lần cuối, hai kẻ ngoại đạo đã nhận tiền thuê, không giết được thầy, chúng lẻn sang chùa Nhật Bản đâm chết nhà sư trụ trì Yutaka Nabatame)…

Sau 12 năm xây dựng với vô vàn khó khăn trở ngại, Việt Nam Phật Quốc tự Lâm Tì Ni đã tổ chức đại lễ khánh thành vào giờ Tỵ ngày Vía Đức Phật A Di Đà 17/11 ất Dậu (10h sáng 17/12/2005).

Tại lễ động thổ xây Việt Nam Phật Quốc tự ngày 23/9/1993, giáo sư Asha Ram Sakya đại diện Chính phủ và Phật giáo Nepal đã bày tỏ: Ngày khởi sự xây cất ngôi chùa quốc tế đầu tiên này sẽ mãi mãi đi vào lịch sử vàng son Phật giáo thế giới vì Việt Nam đã đi tiên phong trong công cuộc khôi phục thánh địa đầy khó khăn này. Hy vọng và khẩn thiết kêu gọi các nước nên lần lượt theo gương sáng của Việt Nam Phật Quốc tự hôm nay…

Tới nay đã có 19 nước xây chùa cùng đặt cơ quan văn hóa tại Lâm Tì Ni được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao khá đặc biệt. Mới vừa đây, Tổng thống Mông Cổ, Hoàng hậu Bhutan đã thân hành sang đây tỏ ý mong được xây ngôi chùa gần Việt Nam Phật Quốc tự; cả Mỹ, Nga cũng dự định góp mặt chùa nước mình.

Tỏa sáng tình thương Việt Nam

Mới hơn chục năm mà cả vùng phía Đông vùng Terai dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn đã thay đổi hẳn bộ mặt, trở thành khu kinh tế văn hóa mở đầy tiềm năng du lịch và thương mại.

Sự thay đổi lớn lao và quá nhanh về mọi mặt tại đây gắn liền với hai chữ VIETNAM mà người tiêu biểu là thầy Huyền Diệu - được Nhà vua, Chính phủ, chính quyền địa phương và nhân dân (hầu hết theo đạo Hồi, đạo Hin đu, sự kỳ thị đẳng cấp trong xã hội còn rất nặng nề) biết đến và kính nể.

Lũ sông thất thường, luôn cướp đi sinh mệnh của bao người già, trẻ nhỏ, phụ nữ… ngày ngày phải lội qua. Thầy đứng ra lo liệu, cùng địa phương, nhân dân góp công, kêu gọi hảo tâm bắc chiếc cầu, chính quyền sở tại đặt tên Cầu tình thương Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế thay mặt Chính phủ Nepal tặng thầy quà và  tiền thưởng về xây cầu… Thầy không nhận mà đề nghị xây một “nhà thương người nghèo” ở gần cầu và đồng thời “tác động” lên Bộ Tài chính và Chính phủ.

Thật mừng, bệnh viện người nghèo đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2003. Lại có người gọi Bệnh viện tình thương Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.