Ông Đoàn Nguyên Đức và chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 |
Ngày 8/5, tin từ trợ lý ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết, chiếc máy bay dành cho thương gia được “bầu” Đức mua đã xuất phát từ sân bay Mena (Hoa Kỳ) về Việt Nam.
Chiếc máy bay này mang hiệu Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Hoa Kỳ) sản xuất; động cơ của hãng Pratt & Whitney PT 6-60 A (Canada),12 chỗ ngồi.
Theo lịch trình, máy bay sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 14/5/2008.
Nguồn tin của Tiền phong cũng cho biết, ông “bầu” Đức sẽ thuê Cty Dịch vụ quản lý bay (Vasco) điều hành bay và quản lý máy bay này.
Chiều 8/5, trao đổi với Tiền phong, một lãnh đạo Vasco nói: Dòng máy bay Beechcraft King Air 350 cùng loại với B 200 mà Vasco đang sử dụng. Trước mắt, phi công nước ngoài sẽ lái máy bay.
Dần dần, Vasco sẽ cử người đi học chuyển loại để sắp tới đội ngũ phi công người Việt của Cty sẽ thay thế người nước ngoài đảm nhận việc điều khiển máy bay.
Về thoả thuận cơ bản giữa Vasco và “bầu” Đức thì Vasco được thuê điều hành, quản lý máy bay theo thời giá hiện hành mỗi khi có hoạt động bay. Tuy nhiên, khi nào máy bay rỗi mà Vasco cần thì sẽ thuê lại “bầu” Đức để máy bay hoạt động cho các dịch vụ khác.
Hiện, phi công người nước ngoài đang lái máy bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam. Thủ tục hoạt động bay đang được hai bên gấp rút hoàn thành để xin phép cơ quan chức năng thời gian tới.
Trong tương lai, ngoài việc phục vụ việc riêng cho “bầu” Đức, máy bay này cũng sẽ hoạt động như một dạng Airtaxi chuyên cho thuê phục vụ cứu thương bay đi các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nội thất của chiếc Beechcraft King Air 350 |
Chiều 8/5, trao đổi với PV Tiền phong, Cục phó hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết: Việc một cá nhân sở hữu máy bay riêng Luật Hàng không đã có quy định.
Một số điều kiện cơ bản mà cá nhân sở hữu phải có như: Chứng minh có người lái, cơ sở bảo dưỡng, bảo đảm an ninh hàng không, an ninh quốc phòng... Khi đáp ứng đủ điều kiện rồi thì phải lập hồ sơ đăng ký tàu bay. Mỗi lần bay, cá nhân sở hữu máy bay phải xin phép cơ quan chức năng cấp phép bay.
Cho đến nay, Cục Hàng không chưa nhận được hồ sơ đăng ký từ phía “bầu” Đức cũng như đơn vị quản lý chiếc máy bay thương gia này. Trước đó, đơn vị đại diện quản lý máy bay này có lên Cục hỏi thủ tục hoạt động và đã được hướng dẫn đầy đủ.
Nguồn tin riêng của Tiền phong cho biết, ngoài “bầu” Đức một số “đại gia” khác cũng đang rục rịch tậu máy bay riêng về phục vụ công việc. Trước đó, chuyện một số Cty ở Việt Nam thuê máy bay của các hãng nội địa và quốc tế phục vụ công việc riêng hoặc chở cả cơ quan đi công tác cũng không phải là chuyện hiếm ở nước ta.